Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân đang đánh bạc với con tôm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân đang đánh bạc với con tôm

Ngọc Hùng

Vấn đề chất lượng tôm giống đã được biết từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được mà nguyên nhân là các viện, trường liên quan đến thủy sản thiếu nguồn vốn để đầu tư nghiên cứu. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Hiện cả nước có khoảng 600.000 héc ta nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm người nuôi cần hàng tỉ con tôm giống, trong đó chỉ có 30% tôm giống sạch bệnh, còn lại là tôm giống không rõ nguồn gốc khiến dịch bệnh bùng phát khắp nơi. Làm ăn kiểu này chẳng khác gì nông dân đang đánh bạc với con tôm, với cuộc sống của mình.

>> ĐBSCL: đối diện với dịch bệnh thủy sản

Đây là ý kiến mà nhiều chuyên gia ngành thủy sản đưa ra tại buổi làm việc giữa Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Tổng cục Thủy sản và Ngân hàng Thế giới về việc hỗ trợ nguồn vốn ODA cho dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững – CRSD” diễn ra tại TPHCM ngày 9-6.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm ngành thủy sản nước ta mất hàng ngàn tỉ đồng vì dịch bệnh thủy sản. Nguyên nhân lớn nhất, theo các nhà khoa học là nằm ở khâu con giống vì 70% tôm giống được sản xuất nhờ đánh bắt tôm bố mẹ ngoài tự nhiên nên khó kiểm soát được chất lượng, dịch bệnh của tôm bố mẹ.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất tôm giống chưa áp dụng công nghệ sản xuất tôm hiện đại cũng như chưa chú ý đến an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, như các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, nên tỷ lệ sản xuất tôm giống chỉ ở mức 20-25%, bằng một nửa so với tỷ lệ ươm giống thành công của thế giới.

Ông Đào Văn Trí, Viện phó Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Ria3) cho biết, năm 2010 cả nước có 25.000 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng, tương ứng 40-50 tỉ con tôm giống. Tuy nhiên, nguồn tôm giống đạt chất lượng chỉ chiếm 30% nhu cầu, còn lại, người dân mua từ các cơ sở sản xuất tôm giống mà chất lượng con giống không được kiểm chứng.

Theo ông Trí, hiện có trên 50.000 héc ta nuôi tôm sú bị dịch bệnh và Tổng cục Thủy sản cho chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời gian tới nhu cầu mua con giống tôm thẻ chân trắng khá lớn và không ai có thể biết chất lượng tôm thẻ chân trắng sẽ đi về đâu.

Hiện việc sản xuất tôm giống bố mẹ sạch bệnh đang được Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (tôm sú) và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (tôm thẻ chân trắng) cung cấp cho thị trường, khoảng 500-600 triệu tôm giống mỗi năm. Đây là một con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế của người nuôi tôm, theo nhận định của ông Trí.

Theo Ngân hàng Thế giới, nếu các nhà quản lý, nhà khoa học không giải quyết được chuyện con giống thủy sản thì sau 5 năm nữa ngành thủy sản sẽ tiếp tục lặp lại những khó khăn hiện này là chất lượng tôm giống không kiểm soát được, dịch bệnh lan rộng. Và, quan trọng hơn là uy tín và thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đồng ý vay tiền từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư thiết bị, nhân lực nhằm giải quyết bài toàn con giống thủy sản, qua đó, giúp giảm thiểu sự phát triển của dịch bệnh thủy sản ở mức thấp nhất có thể.

Ông Nguyễn Quang Bắc, cán bộ dự án thuộc Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện Ngân hàng Thế giới cùng với Tổng cục Thủy sản đang tiến hành những bước đầu tiên cho dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” với số tiền là 125 triệu đô la Mỹ, trong đó, 100 triệu đô la Mỹ vay ODA từ Ngân hàng Thế giới. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 8-2012 và kéo dài 5 năm. Một phần của số tiền này sẽ đầu tư cho sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân nuôi tôm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới