Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân được đi học trồng lúa, trồng rau

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân được đi học trồng lúa, trồng rau

Ngọc Hùng

Nông dân được đi học trồng lúa, trồng rau
Một người dân đang chăm sóc đàn gà. Nuôi gà cũng là một trong những nghề được đào tạo theo đề án 1956. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Từ năm tới, ngành nông nghiệp sẽ thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho nông dân ở 12 tỉnh thành trong cả nước. Nông dân sẽ được học cách trồng lúa, trồng rau… – những nghề tưởng chừng rất bình thường với nhà nông.

>>> Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 61,4% khu vực ASEAN

>>> Lưc lượng lao động vẫn "thừa lượng, thiếu chất"

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, tùy theo từng gia đình chính sách mà được cấp những thẻ khác nhau: cụ thể, thẻ màu đỏ cho những gia đình thuộc diện gia chính sách nghèo, thẻ màu xanh là gia đình nghèo và cận nghèo và thẻ màu vàng là những lao động trong gia đình nông thôn bình thường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh sẽ cấp thẻ cho người dân để bắt đầu học nghề vào năm 2014. Đi kèm theo mỗi thẻ được cấp là những chính sách hỗ trợ khác nhau, từ 2-3 triệu đồng/người cùng tiền ăn ở và đi lại.

Theo Bộ NN&PTNT, chương trình đào tạo này căn cứ trên Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (còn gọi là đề án 1956), trong đó khoảng 310 nghề ngắn hạn học dưới 3 tháng sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người học. Mục tiêu là đào tào khoảng 5,2 triệu lao động ở khu vực nông thôn đến năm 2015.

Trong 310 nghề sẽ được đào tào ngắn hạn có những nghề quen thuộc như trồng lúa, trồng khoai lang, trồng rau, trồng bắp, nuôi gà, nuôi chim cút….

Theo ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL việc đào tạo nghề cho người dân đối với Việt Nam là một ý tưởng mới nhưng ở các nước tiên tiến đã có từ lâu nay. Ông Bảnh nói, điều bất cập trong việc đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay là giao cho các trung tâm dạy nghề của các huyện chủ trì nên sẽ lãng phí cơ sở vật chất và không hiệu quả.

“Theo tôi, với quá nhiều nghề ngắn hạn được dạy tại các trung tâm dạy nghề của các huyện thì mỗi lớp chỉ có một vài học viên, sẽ lãng phí. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng một số thanh niên được thuê đi học để giúp trung tâm có số liệu báo cáo và nhận tiền từ đề án 1956 chứ chưa chắc được ứng dụng vào thực tế”, ông Bảnh nói.

Cũng theo ông Bảnh, vấn đề quan trọng nhất là cần xác định được việc cho người dân đi học trồng lúa, trồng rau… để làm gì, chứ không phải cho nông dân đi học để lấy số liệu báo cáo. Nếu người dân học để làm việc cho các công ty nông nghiệp hay để có kiến thức rồi về nhà trồng lúa thì không nên vì hằng năm các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư đã có chương trình tập huấn, chưa kể những khóa đào tạo ngắn hạn của nhiều công ty nông nghiệp khác.

Mười hai tỉnh thí điểm trong lần này là Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đak Lak, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang. Tại những tỉnh này, Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp theo hình thực cấp thẻ trong hai năm (2014 và 2015).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới