Nông dân lại khổ vì “được mùa, rớt giá”
Văn Nam
![]() |
Người trồng thành long tại Bình Thuận lai rơi cảnh khó khăn do được mùa mất giá – Ảnh: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) – Người trồng thanh long tại Bình Thuận đang gặp khó khăn vì chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính nhưng giá lại rớt thê thảm. Giá thu mua thanh long hiện đã giảm xuống còn 6.000-7.000 đồng/kg, giảm gần 2/3 so với trên 20.000 đồng/kg cách đây một tuần.
Lại điệp khúc “được mùa rớt giá”
Ông Phạm Hữu Lễ, một nông dân trồng hơn 1.000 trụ thanh long ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, giai đoạn này đang thu hoạch thanh long chong điện cuối mùa, nhưng chỉ trong một tuần, giá đã rớt từ 21.000 đồng/kg xuống chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg nên vụ này cầm chắc bị lỗ.
Ông Lễ cho biết thêm chưa kể giá bán giảm, các chủ thu mua thanh long còn trừ của nhà vườn mỗi tấn hơn 50 kg thanh long hàng dạt với lý do hàng đang ứ đọng nhiều tại cửa khẩu xuất qua Trung Quốc.
“Cuối năm ngoái cũng vậy, khi chuẩn bị thu hoạch vụ thanh long trái vụ chong đèn thì giá hạ xuống còn 5.000 đồng/kg khiến người trồng khốn khổ, xem chừng năm nay cũng lại xảy ra tình trạng tương tự”, ông Lễ nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng nay, ông Trương Minh Tuấn, chủ cơ sở xuất khẩu thanh long Tâm Hường ở phường Phú Tài, thành phố Phan Thiết chuyên xuất thanh long đi Trung Quốc, cho rằng đa số các chủ vựa xuất hàng đi Trung Quốc đều đang chịu lỗ trên 50% vì giá xuất khẩu giảm mạnh, hàng tồn ứ nhiều tại kho.
Trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu bị các đầu nậu phía Trung Quốc ép giá thì doanh nghiệp thu mua tại Bình Thuận ép giá ngược lại nông dân là điều khó tránh khỏi.
Ông Tuấn cho biết, mặc dù giá đã giảm mạnh, nhưng vẫn phải xuất sang Trung Quốc khoảng 50 tấn mỗi ngày để giải phóng hết lượng hàng tồn kho và chấp nhận chịu lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến.
Nỗi lo còn đó!
Hiện tổng diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lên đến trên 13.000 héc ta, trong đó thanh long đang thu hoạch chiếm trên 11.000 héc ta với sản lượng khoảng 440.000 tấn/năm. Trong khi đó, trên 70% sản lượng thanh long ở Bình Thuận đang được xuất khẩu sang Trung Quốc nên có thể nói, người trồng thanh long luôn phải phập phồng với tình trạng bị đầu nậu ép giá mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, điệp khúc “được mùa rớt giá” của trái thanh long Bình Thuận kéo dài nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải nào thỏa đáng.
Ông Hai cho hay hiện hơn 70% thanh long ở Bình Thuận xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, nên giá cả lâu nay thường được quyết định bởi các chủ thu mua người Trung Quốc, đoạn từ cửa khẩu sang khu vực bên kia biên giới, đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.
“Tình trạng giá hạ hiện nay là do nhiều đầu nậu phía Trung Quốc không mua nữa, có thể do ở Trung Quốc đang vào mùa trái cây (tháng 6 đến tháng 8). Tuy nhiên, vấn đề lớn chính là các đầu nậu của Trung Quốc tìm cách làm giá, ép các doanh nghiệp Việt Nam chứ không hẳn do nhu cầu tiêu thụ thanh long ở Trung Quốc giảm”, ông Hai cho hay.
Theo ông Hai, trong thời gian tới, nếu muốn tránh cảnh “được mùa rớt giá” của trái thanh long thì người trồng và doanh nghiệp thu mua trong nước phải hợp tác, xây dựng được các đối tác thu mua dài hạn, có uy tín bên Trung Quốc.
Ông Hai cho biết thêm tình hình xuất khẩu thanh long của Bình Thuận đi các nước châu Âu, Mỹ… vẫn đều đặn với mức giá ổn định.
Theo Vụ Thương mại miền núi thuộc Bộ Công Thương, tình trạng thanh long bị rớt giá mạnh gần đây có thể là do thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc ép giá chứ không phải do nhu cầu tiêu thụ trái cây giảm. Số liệu cập nhật vào ngày 16-5 cho thấy, trong những ngày gần đây, số xe tải chở trái cây từ Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc tăng đột biến, khoảng 280 chuyến/ngày, tăng gấp đôi so với các tháng năm 2010. |