Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân, ngư dân gánh chịu thiệt thòi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân, ngư dân gánh chịu thiệt thòi

Người nông dân vẫn gánh chịu nhiều thiệt thòi trong việc kiềm chế lạm phát – Ảnh minh họa: Hữu Thắng

(TBKTSG) – Việt Nam đã thành công bước đầu trong việc kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng gần đây đã không còn tăng mạnh như trước và tháng 9 này chỉ tăng 0,18%. Người dân đô thị bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Nhưng đằng sau thành công đó là cái giá khá đắt mà người nông dân cũng như ngư dân đang phải gánh chịu, khi giá một số mặt hàng nông hải sản quan trọng, những sản phẩm chính trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng, đang giảm mạnh.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, có lúc giá lúa khô chỉ còn 3.500-3.600 đồng/ki lô gam, trong khi mọi chi phí đầu tư cho sản xuất lại tăng vọt. Giá cả cũng giảm trong khi giá dầu cho đến tuần qua vẫn ở mức cao, chưa giảm.Tình trạng lúa hàng hóa bị dư thừa, rớt giá hiện nay chủ yếu là do các cơ quan quản lý nhà nước đã dự báo sai về khả năng thu hoạch, nhu cầu tiêu thụ cũng như triển vọng về giá cả của thị trường.

Đầu tháng 4-2008 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự báo đến 50% khả năng vụ đông xuân ở phía Bắc bị mất mùa. Thêm vào đó, việc tính toán nhu cầu về gạo và lúa giống lại không sát thực tế nên đặt ra nhu cầu dự trữ cao hơn mức cần thiết (xem thêm bài “Dự trữ sai do cách tính lạc hậu” trên TBKTSG số ra ngày 4-9).

Từ những dự báo trên, Chính phủ đã quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.Tuy nhiên, vụ đông xuân ở miền Bắc không bị mất mùa, mà trúng lớn. Sản lượng lúa đông xuân của cả nước tăng gần 1,5 triệu tấn so với vụ này năm trước.

Thế nhưng, Bộ Công Thương lại chủ trương tiếp tục ngưng xuất khẩu gạo tới cuối tháng 6-2008 với lý do bộ dự báo giá gạo có thể tăng tới 1.500 đô la Mỹ/tấn và cũng để bảo đảm an ninh lương thực.Hiện nay, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 520 đô la Mỹ/tấn, chưa bằng một nửa so với giá hồi tháng 5. Dự báo sai, dẫn đến chính sách không phù hợp, chẳng những khiến nông dân mất đi cơ hội bán được lúa với giá cao, mà còn làm cho lúa hàng hóa bị tồn đọng thêm nhiều và rớt giá.

Bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia là việc phải làm, nhưng đó là trách nhiệm của Nhà nước. Không nên bắt người nông dân phải thay Nhà nước dự trữ lương thực bằng việc ra quyết định ngưng xuất khẩu. Trong những trường hợp cấp bách, cần phải áp dụng biện pháp hành chính như vậy để bảo đảm nguồn lương thực cho cả nước, thì Chính phủ cũng cần có chính sách đền bù tương xứng với thiệt hại của người nông dân.

Cách tốt nhất để bảo đảm an ninh lương thực là tạo ra chính sách để nông dân yên tâm canh tác. Điều họ cần nhất chính là có đầu ra ổn định cho sản phẩm với giá cả phù hợp. Nếu tình trạng thua lỗ như hiện nay kéo dài, nông dân sẽ không trồng lúa nữa và việc bảo đảm an ninh lương thực sẽ trở nên khó khăn.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới