Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân nuôi cá tra giống lao đao vì giá cá… “rẻ mạt”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân nuôi cá tra giống lao đao vì giá cá… “rẻ mạt”

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Không lâu sau cơn “sốt” đào ao ương cá tra giống, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là ở các địa phương như Tiền Giang và Long An đang phải chịu cảnh lao đao khi giá bán sản phẩm “rẻ mạt”.

Long An: Quá muộn để kiểm soát đào ao ương cá tra

Nông dân nuôi cá tra giống lao đao vì giá cá...
Nông dân nuôi cá tra giống tại tỉnh Long An đang lâm cảnh khó khăn do giá bán giảm mạnh. Trong ảnh là nông dân tỉnh Long An thu hoạch cá tra giống. Ảnh: Trung Chánh

Vào thời điểm năm 2017- 2018, khi giá cá tra giống liên tục lập đỉnh, từ mức 30.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg rồi nhanh chóng vượt lên mức 60.000-70.000 đồng/kg (tùy loại), thì diện tích đào ao ương cá tra giống trong vùng chuyên canh lúa của các địa phương như Tiền Giang, Long An cũng nhanh chóng gia tăng.

Theo đó, chỉ từ vài héc ta diện tích ương nuôi ban đầu, thì chỉ riêng tỉnh Long An, nông dân đã chuyển khoảng 1.500 héc ta diện tích đất lúa sang ương nuôi cá tra giống. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng với trên 1.000 héc ta, Tân Thạnh trên 300 héc ta và Vĩnh Hưng khoảng 100 héc ta…

Dù diện tích ương nuôi cá tra giống liên tục gia tăng, nhưng vào thời điểm lúc bấy giờ, do tình hình xuất khẩu khả quan khiến cả doanh nghiệp và nông dân đều đẩy mạnh hoạt động nuôi cá tra thương phẩm, cho nên, giá bán cá tra giống trong một thời gian dài luôn duy trì ở mức cao, tình trạng hút hàng cũng luôn diễn ra.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019 đến nay, khi việc xuất khẩu cá tra đã quay đầu sụt giảm thì kế hoạch mở rộng diện tích nuôi cá tra thương phẩm của không ít doanh nghiệp cũng bị “đình trệ”. Trong khi đó, những hộ nuôi nhỏ lẻ bên ngoài cũng “dè chừng” kế hoạch nuôi mới.

Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang khi trao đổi với TBKTSG Online đã thừa nhận, vào thời điểm cuối năm ngoái, có không ít doanh nghiệp đã công bố các dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn, có tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng. “Nhưng theo tôi biết, hiện các dự án này triển khai rất chậm, thậm chí đã tạm ngưng rồi”, ông cho biết.

Lý do khiến kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất ở các dự án của doanh nghiệp “tạm ngưng” xuất phát từ tình hình xuất khẩu cá tra trong những tháng đầu năm nay không còn thuận lợi như đã diễn ra ở hai năm trước đó (2017-2018).

Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc- Hồng Kông và Mỹ- hai thị trường nhập khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam đều sụt giảm.

Theo đó, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc- Hồng Kông trong tháng 3-2019 chỉ đạt trên 39 triệu đô la Mỹ, giảm gần 13% so với cùng kỳ. Tính chung, xuất khẩu cá tra trong 3 tháng đầu năm 2019 vào thị trường này đạt trên 99 triệu đô la Mỹ, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Còn với Mỹ, 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra Việt Nam vào đây đạt trên 71 triệu đô la Mỹ, giảm 5% so với cùng kỳ.

Chính những yếu tố nêu trên khiến nhu cầu tiêu thụ cá tra giống sụt giảm mạnh, trong khi đó, nguồn cung khá dồi dào đã kéo giá cá giảm xuống mức giá “rẻ mạt”, chỉ 17.000-18.000 đồng/kg. Điều này, khiến người nông dân ương nuôi cá tra giống đang chịu cảnh lỗ lã nặng nề.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới