Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân ồ ạt trồng ca cao: Coi chừng rủi ro

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân ồ ạt trồng ca cao: Coi chừng rủi ro

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Những năm gần đây, diện tích trồng cây ca cao ở Việt Nam phát triển rất mạnh, tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng ca cao cần được nghiên cứu kỹ nhằm tránh vết xe đổ của nhiều loại cây trồng khác trong quá khứ “trồng – chặt, chặt – trồng”.

Nông dân ồ ạt trồng ca cao: Coi chừng rủi ro
Socola- một sản phẩm chế biến từ ca cao được được giới thiệu tại hội nghị hôm 13/12 tại Bến Tre – Ảnh: Trung Chánh

Tăng chóng mặt

Dù mới được khuyến khích trồng ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây nhưng diện tích cây ca cao đã tăng chóng mặt. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tính đến cuối năm nay, diện tích ca cao của Việt Nam đã vượt lên con số 20.100 héc ta, tăng bình quân gần 2.640 héc ta/năm trong vòng 5 năm qua.

Trong đó, khu vực ĐBSCL là nơi có diện tích trồng ca cao lớn nhất so với các khu vực còn lại, chiếm đến 60,3% tổng diện tích ca cao của cả nước.

Trong 6 năm qua, sản lượng ca cao liên tục tăng cao, từ chỉ 35 tấn hạt vào năm 2005 đến nay đã đạt 5.760 tấn. Dự kiến, trong niên vụ tới con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Đó là những ý kiến phát biểu của  các đại biểu tham dự hội nghị quốc tế về ca cao Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Bến Tre vào hôm 13/12.

Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, không chỉ tăng về diện tích, hiện sản phẩm ca cao hàng hóa cũng phát triển rất mạnh trên thị trường thế giới. Dự kiến đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ca cao Việt Nam sẽ đạt con số 60 triệu đô la, tăng 60 lần so với hiện tại (2011).

Thực hiện mục tiêu này, Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra chỉ tiêu phát triển diện tích trồng ca cao đến năm 2015 đạt con số 60.000 héc ta và đến năm 2020 đạt 80.000 héc ta. “Trong giai đoạn 2011-2015, Cục trồng trọt sẽ tập trung đầu tư giống mới; mở các lớp tập huấn chăm sóc cây ca cao cũng như kỹ thuật sơ chế lên men hạt ca cao đến với người nông dân”- ông Hòa khẳng định tại hội nghị quốc tế về ca cao Việt Nam được tổ chức hôm 13/12.tại Bến Tre – địa phương có diện tích ca cao lớn nhất cả nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lâu nay luôn muốn phát triển diện tích ca cao và đặt ra mục tiêu nhiều tham vọng nhưng rủi ro đang chực chờ – Ảnh: Trung Chánh

Là hướng đi đúng?

Vừa làm vừa học

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, nói: “ Tôi nghĩ, Việt Nam không nên nóng vội phát triển cây ca cao mà nên phát triển từ từ, vừa làm vừa học. Giá ca cao thời gian qua tăng mạnh chẳng qua là do các nước Châu Phi, Bờ Biển Ngà (nơi sản xuất ca cao hàng đầu thế giới- người viết) bị khủng hoảng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Bây giờ nếu Việt Nam ồ ạt mở rộng tràn lan thì giá sẽ rớt rất thấp. Rõ ràng cây ca cao không thể nào cạnh tranh nổi với cây cà phê hay một số cây trồng khác”.

Một câu hỏi lớn mà các chuyên gia và cơ quan quản lý phải trả lời cho được với nông dân trồng ca cao là việc ồ ạt phát triển trồng cây ca cao có phải là một hướng đi đúng, có đi vào vết xe đổ phát triển nóng – dư thừa – giá giảm…?

Ông Đỗ Văn Nam dẫn lời Tổ chức ca cao quốc tế (ICCO) cho biết, trong niên vụ 2009-2010, sản lượng ca cao toàn cầu chỉ mới đạt con số 3,6 triệu tấn. Sản lượng thấp nhưng nhu cầu tiêu thụ ca cao của thế giới tăng lên rất nhanh trong nữa thế kỷ qua, đã tăng khoảng 5 lần, từ 800 ngàn tấn/năm lên 4 triệu/năm.

“Gần đây, số quốc gia nhập khẩu ca cao cũng tăng lên rất nhanh, hiện đạt con số 80 quốc gia, chủ yếu ở những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu, chiếm trên 76% nhu cầu tiêu thụ của toàn thế giới” – ông Nam khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường lại nghĩ khác và lo lắng trước khả năng vốn đầu tư của nông dân cũng như những rủi ro mà người trồng ca cao có thể gặp phải.

“Theo kết quả nghiên cứu trồng thử nghiệm ca cao của viện được thực hiện tại hai xã của huyện Lăk thuộc tỉnh Đăk Lăk, chúng  tôi thấy nó quá rủi ro để mà thúc đẩy người dân chuyển đổi trồng cây ca cao. Để trồng ca cao vốn đầu tư rất lớn, cần một thời gian rất dài mới có thu, trong khoảng thời gian này người dân sống như thế nào? Bên cạnh đó, trồng cây ca cao còn đối mặt với rủi ro về thời tiết, thị trường, chẳng hạn bây giờ giá ca cao tốt nhưng liệu thời gian tới còn tốt?”.

“Việc khuyến khích nông dân trồng ca cao phải hết sức cẩn trọng, không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng. Tôi đề nghị chỉ nên trồng xen với các loại cây khác, giữ vị trí là cây phụ trợ thôi chứ không nên chuyển đổi làm cây trồng chính, căn bản rõ ràng nó không phải là một cây lợi thế so với những cây trồng khác.” – ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, thay vì tăng nguồn lực để phát triển cây ca cao, tại sao chúng ta không tăng nguồn lực đễ hỗ trợ tốt hơn cho người dân phát triển trồng những loại cây trồng đang sẵn có như trồng lúa, bắp, mì.

“Không nên xem cây ca cao là “cứu cánh” trong xóa đói giảm nghèo vì nó không khả thi lắm”- ông Bình khẳng định.

Trong thực tế những điều ông Bình lo lắng không phải không có cơ sở, mặc dù giá ca cao hiện nay vẫn đang ở mức cao, 40.000 đồng/kg hạt đã lên men nhưng trong vòng 1 năm qua, giá đã giảm gần 30%. Với nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên thì 1 năm trước 1 tấn ca cao có giá bằng 2 tấn cà phê thì nay 1 tấn ca cao có giá bằng 1 tấn cà phê.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới