Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân phải được hưởng lợi tương xứng!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân phải được hưởng lợi tương xứng!

Nông dân – người trực tiếp sản xuất lúa gạo phải được hưởng ích lợi tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Trong quá khứ, nhiều quốc gia nhờ đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ mà trở thành nước phát triển. Tuy nhiên, nhiều nước cũng vì quá ưu tiên hai lĩnh vực này nên đã xem nhẹ việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nên phải đối diện với tình hình khó khăn do khủng hoảng lương thực hiện nay.

>> Bắt đầu từ đâu?

>> Gạo sốt giá vì lỗ hổng phân phối

>> DNNN ở đâu trong cơn sốt gạo?  

Ở nước ta, thiên tai, dịch bệnh và việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp như khu dân cư, hệ thống giao thông, khu công nghiệp, dịch vụ, vui chơi giải trí được xem là các nguyên nhân đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân sâu xa khác cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Ngày trước, người ta đã xếp nông nghiệp đứng hàng thứ hai trong Sĩ-Nông-Công-Thương. Nhưng rồi có lẽ cũng đã có “khủng hoảng” lương thực thời đó nên vị trí nông nghiệp từng được xếp lên hàng đầu trong câu nói dí dỏm “Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chạy rong, nhất Nông nhì Sĩ”.

Nếu nhìn suốt quá trình phát triển thì trật tự này đã dần thay đổi theo hướng nông nghiệp bị tuột dốc và bị xếp ở vị trí cuối cùng! Thể hiện bằng nhận thức của các bậc cha mẹ, dù là nông dân, cũng mong con em họ không tiếp tục làm sản xuất nông nghiệp; tuổi trẻ thì xem học ngành nông nghiệp không có tương lai; các doanh nghiệp thì ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì thu hồi vốn chậm và gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh.

Vì vậy, những người làm công tác quản lý, quy hoạch, lập chính sách phát triển đã không ưu tiên cho lãnh vực nông nghiệp trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu. Hệ quả là lĩnh vực nông nghiệp mất dần diện tích đất sản xuất màu mỡ, mất dần nguồn lao động trẻ ở nông thôn và mất dần nguồn nhân lực chất xám. Trong đó, việc mất dần nguồn nhân lực chất xám có thể xem là quan trọng nhất!

Nếu người trực tiếp sản xuất lúa gạo vẫn tiếp tục không được hưởng ích lợi tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước, thì nguy cơ đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia vẫn luôn còn ở phía trước.

Quá trình mất nguồn nhân lực chất xám này đã xảy ra từ lâu. Bắt đầu bằng việc các trường trung cấp kỹ thuật nông nghiệp trong cả nước chuyển sang các lĩnh vực kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin vì không có học sinh thi vào. Ngành nông nghiệp của các trường đại học không tuyển đủ sinh viên và sinh viên tốt nghiệp ngành này không tiếp tục công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, không trở lại nông thôn.

Trong thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp và ngành giáo dục đã cố gắng nhiều, nhưng xem ra bức tranh đào tạo – sử dụng nguồn nhân lực chất xám để phát triển nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể!

Việc nông dân bỏ ruộng vườn và các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn do sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, trong đó việc kiểm soát giá lúa gạo và chỉ tiêu xuất khẩu gạo gần đây là một ví dụ.

Chính sách này, trong ngắn hạn, có thể giúp cho giá gạo trong nước không tăng, do đó, góp phần bình ổn xã hội, làm giảm áp lực lương thực đối với người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khi giá lúa gạo không tăng thì nông dân, những người trực tiếp sản xuất lúa gạo bị thiệt thòi. Vì dù giá lúa gạo có tăng nhưng xem ra còn thấp hơn nhiều việc tăng giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu và xăng dầu trong thời gian qua. Nếu tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo và kìm giá lúa thì chỉ đem lại ích lợi cho những nhà đầu cơ và những người buôn bán lậu lúa gạo qua đường biên giới.

Chúng ta biết rằng mục tiêu phát triển bền vững của xã hội là hướng tới một cuộc sống có chất lượng cao hơn. Trong đó các nhu cầu căn bản của con người như ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí phải được thỏa mãn ở một mức độ cao hơn hiện tại.

Tuy nhiên, hiện nay hàng triệu người có thu nhập thấp đang phải vật lộn với cái ăn hàng ngày; hàng triệu nông dân sản xuất nông nghiệp không có lời nên phải ly hương tìm việc, thì để đạt được mục tiêu phát triển bền vững chúng ta còn cần phải nỗ lực hơn nhiều. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp cần được đầu tư phát triển đồng bộ như các ngành mũi nhọn khác từ chính sách, con người, hạ tầng cơ sở và nhất là thu nhập của những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của cả nước.

Bài học từ chính sách cải tạo nông nghiệp trước đây khiến chúng ta đã phải trả giá bằng việc thiếu gạo ăn, sản xuất nông nghiệp đình trệ. Rồi cũng với mảnh ruộng đó, con người đó, nhưng được “cởi trói” qua công cuộc đổi mới đã chuyển từ tình trạng thiếu gạo ăn sang dư thừa và có xuất khẩu.

Vì vậy, nếu người trực tiếp sản xuất lúa gạo vẫn tiếp tục không được hưởng ích lợi tương xứng với sự phát triển kinh tế của đất nước, thì nguy cơ đe dọa đến an ninh lương thực của quốc gia vẫn luôn còn ở phía trước.

TS. DƯƠNG VĂN NI – Đại học Cần Thơ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới