Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân quá thua thiệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân quá thua thiệt

Đức Khánh

Do chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý nên nông dân phải oằn lưng gánh nhiều khoản chi phí. Ảnh: Đức Khánh.

(TBKTSG) – Lão nông Nguyễn Văn Sáu ngụ xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, than vãn: “Cái sổ đỏ đã thế chấp cho ngân hàng mấy năm qua để vay 40 triệu đồng đầu tư vào sản xuất lúa nhưng đến nay vẫn không có khả năng trả. Bây giờ mỗi khi đến vụ lúa thì đi vay tiền bên ngoài để đầu tư, cuối vụ bán lúa trả tiền vay, tiền phân, tiền thuốc, nhân công…”.

Ông Sáu chỉ ra một số nghịch lý tồn tại bấy lâu nay mà nông dân đồng bằng phải gánh chịu: “Từ lâu, tụi tôi rất cần Nhà nước hỗ trợ vốn ưu đãi để đầu tư cho những mùa vụ sau nhưng rất khó vay. Những lúc giá lúa thấp thì nài cổ năn nỉ chẳng ai thèm mua, nếu có, người dân cũng chịu cảnh doanh nghiệp “o ép” làm giá để mua tạm trữ vào nhà kho chờ lúc có giá bán ra kiếm lời. Trong khi người dân “đỏ mắt” muốn tìm kho bãi để dự trữ lúa nhưng chẳng được ai quan tâm, đầu tư nên đành chấp nhận bán vội, bán tháo để trả nợ”.

Ông Bảy Phú, nông dân xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long, cho biết: “Ngày nay nông dân làm lúa gần như “làm công không lương”, gần đến mùa vụ thu hoạch thì phải chạy đôn, chạy đáo vay hết đầu này, đầu khác, phần thì đóng lãi ngân hàng, phần thì trả nợ bên ngoài. Đó là chưa kể đến tiền nợ phân bón, vật tư nông nghiệp. Món nợ ngân hàng 20 triệu đồng cứ đến hạn thì vay tiền nóng trả, sau vài hôm thì vay lại tiền ngân hàng trả lại tiền nóng”. Ông nói, nông dân thiếu vốn sản xuất, trong khi chi phí phân bón, nhân công lại cao khi đến mùa thu hoạch giá lúa thấp không còn đồng lời mà tích lũy.

Hiện nay đa số lúa, gạo bảo quản và tồn trữ ở ĐBSCL đều tập trung ở các nhà máy xay xát và các công ty xuất khẩu gạo, còn nông dân không có kho chứa lúa. Theo đánh giá của Hợp phần quản lý sau thu hoạch DANIDA (thuộc dự án Chương trình hỗ trợ ngành nông nghiệp do Chính phủ Đan Mạch tài trợ) thì công nghệ sau thu hoạch lúa, bắp, đậu nành… đều yếu kém và lạc hậu.

Theo nhận định của một vị lãnh đạo ở vùng ĐBSCL: “Việc nông dân sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư rất hiếm, ngoại trừ các trang trại, nhà nông có diện tích sản xuất quy mô lớn. Do đó, nhu cầu được vay, cung ứng vốn trước khi vào vụ sản xuất hết sức bức thiết”.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ: “Nhà nước nên thực hiện chính sách công bằng xã hội, để bù đắp vào gánh nặng an ninh lương thực quốc gia mà người nông dân bấy lâu nay phải gánh”.

Cũng theo ông Quỳnh, hiện chủ trương tiếp cận nguồn vốn cho dân còn hạn chế, trong đó quy định thủ tục về nguồn vốn vay còn rườm rà, nhiều ngân hàng có tâm lý dè chừng, so sánh giữa doanh nghiệp và nông dân, nên không mấy “mặn” mà. Thời hạn cho vay chỉ theo mùa vụ “cứng nhắc” khiến nhà nông gặp khó khăn. Vì vậy, để giúp cho bà con nông dân “dễ thở” hơn Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho vay liên vụ, ông Quỳnh đề nghị.

Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đề xuất: “Chính phủ cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân hoặc khoanh giãn nợ ngân hàng để nông dân giảm áp lực bán tháo lúa trong thời gian rớt giá; hoặc hỗ trợ thông qua việc cho các hợp tác xã vay vốn ưu đãi”.

Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nông dân thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ canh tác lúa, hoặc thông qua các hợp tác xã.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới