(KTSG Online) - Các nhà kho ngũ cốc trên khắp Trung Quốc đang đầy ắp do sức tiêu thụ suy yếu. Đó là mối lo của nhiều nông dân trên thế giới vì phần lớn lượng bắp, đậu nành và lúa mì được sản xuất ra là để xuất khẩu sang đất nước này.
- Vụ thu hoạch bội thu ở Mỹ khiến nguồn cung bắp toàn cầu dư thừa
- Các tập đoàn kinh doanh ngũ cốc lãi lớn giữa cơn khát lương thực toàn cầu
Nhu cầu ngũ cốc chùng xuống
Sự căng thẳng trên các thị trường toàn cầu hiện rõ khi nhu cầu ngũ cốc của Trung Quốc chùng xuống đột ngột. Xuất khẩu lúa mạch của Pháp sang Trung Quốc đang sụt giảm. Trong vụ thu hoạch bắp mới đây, Mỹ vẫn chưa bán được bất kỳ lô hàng lớn cho khách hàng Trung Quốc. Tại Úc, nông dân trồng lúa mì đang lo âu khi chuẩn bị bắt đầu thu hoạch vụ mùa mới trong những tuần tới.
Nhu cầu ngũ cốc của Trung Quốc sẽ khó cải thiện trong thời gian ngắn sắp tới. Tình trạng dân số giá hóa và tăng trưởng giảm tốc của Trung Quốc là điềm báo xấu cho thị trường ngũ cốc toàn cầu trong tương lai.
Tăng trưởng kinh tế trì trệ và khủng hoảng bất động sản kéo dài đã làm làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc. Nhiều gia đình giảm ăn thịt và thôi đi ăn ở nhà hàng. Lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn ở Bắc Kinh giảm 88% trong nửa đầu năm. Nhu cầu nhập khẩu bắp, đậu nành của Trung Quốc để chế biến thức ăn cho đàn heo không còn mạnh mẽ như trước đây.
Ngay cả khi mối lo ngại về an ninh lương thực thúc đẩy nước này tiếp tục nhập khẩu ngũ cốc với số lượng lớn trong nhiều năm tới thì tốc độ tăng trưởng nhu cầu cũng không còn nhanh chóng như trong hai thập niên qua.
“Các nhà nhập khẩu ngũ cốc ở Trung Quốc ngày càng bi quan hơn về nền kinh tế và nhu cầu. Doanh nghiệp sẽ hết sức thận trọng, mua ngũ cốc chậm hơn và với số lượng nhỏ, đáp ứng nhu cầu tức thời”, Ivy Li, nhà phân tích thị trường hàng hóa của hãng môi giới StoneX nói.
Bắc Kinh cũng đang nỗ lực hỗ trợ nông dân trong nước, yêu cầu các thương nhân hạn chế mua bắp, lúa mạch và lúa miến từ nước ngoài để kích giá ở thị trường nội địa tăng lên. Động thái này cũng nhằm chấn chỉnh tình trạng dư cung đang trở nên trầm trọng do làn sóng nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ hồi đầu năm. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc khuyến khích hạn chế sử dụng bột đậu nành trong thức ăn chăn nuôi để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Cơn bùng nổ kinh tế vào đầu thế kỷ 21 đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc tiêu thụ hàng hóa từ ngũ cốc đến kim loại và dầu mỏ. Điều này thúc đẩy các nước giàu tài nguyên tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của 1,4 tỉ người dân, nước này tăng nhập khẩu đậu nành và lúa mì trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong niên vụ hiện tại, Mỹ mới chỉ bán được 13.400 tấn bắp sang Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với con số 564.000 tấn một năm trước đó. Xuất khẩu bắp của Brazil sang Trung Quốc cũng giảm.
Trong niên vụ này, xuất khẩu lúa mạch, bao gồm cả mạch nha được sử dụng để sản xuất bia, từ cảng Rouen của Pháp sang Trung Quốc, giảm gần 50% so với một năm trước. Hiệp hội ngũ cốc Pháp (Intercereales) đã cử một phái đoàn đến Trung Quốc để tìm hiểu về yêu cầu gần đây của giới chức trách nhằm hạn chế nhập khẩu lúa mạch.
“Kinh doanh với Trung Quốc bị đóng băng một phần”, Philippe Heusele, Chủ tịch bộ phận quan hệ quốc tế của Intercereales nói.
Nhập khẩu bắp và lúa mì dự kiến giảm mạnh
Một mặt hàng nông sản quan trọng mà Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu là đậu nành, trong đó, Brazil và Mỹ là nhà cung cấp chính. Sản lượng đậu nành trong nước của Trung Quốc không đủ để đáp ứng ngay cả khi nhu cầu đã chậm lại.
Hồi đầu năm, Brazil xuất khẩu đậu nành với số lượng kỷ lục sang Trung Quốc khi giá giảm. Nhưng cho đến nay, các nhà xuất khẩu của Mỹ mới chỉ ký hợp đồng bán cho Trung Quốc 5 triệu tấn đậu nành giao trong niên vụ 2024-2025, mức thấp nhất trong 16 năm nếu không tính giai đoạn 2018-2019.
Paulo Sousa, Chủ tịch chi nhánh Brazil của tập đoàn nông nghiệp Cargill (Mỹ) ghi nhận, nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc không còn mạnh mẽ như trước đây.
Triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn ảm đạm, với tình trạng giảm phát có dấu hiệu xấu hơn, khiến mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay khó đạt được. Do vậy, nhu cầu ngũ cốc của nước này trong niên vụ 2024-2025 dự kiến suy yếu.
Các thương nhân ở Thượng Hải dự báo, trong niên vụ hiện tại, nhập khẩu bắp của Trung Quốc có thể giảm hơn một nửa, xuống còn 9-11 triệu tấn. Trong khi nhập khẩu lúa mì có thể giảm xuống 7-9 triệu tấn, từ 13 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024.
“Đầu năm nay, Bắc Kinh tuyên bố mục tiêu cải thiện thu nhập cho nông dân ngũ cốc trong nước, đồng thời tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Điều đó báo hiệu Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động nhập khẩu ngũ cốc trong tương lai. Nhưng cũng có mối lo ngại rõ ràng về nhu cầu khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại”, Tanner Ehmke, nhà kinh tế trưởng về ngũ cốc và hạt có dầu của CoBank, một ngân hàng nông nghiệp ở Mỹ nói.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực của thời tiết đối với các vụ mùa có thể ảnh hưởng đến kế hoạch giảm nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc. Năm ngoái, những trận mưa lớn làm giảm chất lượng lúa mì sản xuất trong nước, buộc Trung Quốc phải tăng nhập khẩu.
Những năm trước đây, Trung Quốc là nước mua lúa mì lớn nhất của Úc. Hiện tại, Trung Quốc là nhà sản xuất lúa mì lớn và giảm nhu cầu nhập khẩu. Vì vậy, nông dân Úc đang tìm kiếm thị trường thay thế.
“Bất cứ điều gì xảy ra ở Trung Quốc đều tác động rất lớn đến thị trường ở những nơi khác”, Andrew Weidemann, nông dân trồng lúa mì ở bang Victoria của Úc, người thường bán 20% sản lượng sang Trung Quốc nhưng vào niên vụ này, có thể lượng lúa mì bán vào thị trường này sẽ giảm một nửa.
Theo Bloomberg