Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân vẫn cứ đứng ngoài cuộc chơi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân vẫn cứ đứng ngoài cuộc chơi

Võ Minh Duy, TPHCM

Nông dân nuôi bò sữa hy vọng sẽ tham gia vào Hiệp hội sữa Việt Nam mới thành lập- Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – Hiệp hội sữa Việt Nam (VDA) đã ra mắt hôm qua 25-3. Dù tiêu chí của hiệp hội này là liên kết tất cả những ai liên quan tới sữa, như nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý… nhưng chỉ với 57 thành viên, đa phần là doanh nghiệp, thì tiếng nói của hàng chục ngàn hộ nông dân nuôi bò sữa trong hiệp hội quá ít ỏi.

Có thể, VDA sẽ cho rằng do hiệp hội mới thành lập, chưa kết nạp được nhiều hội viên là nông dân. Nhưng nhìn lại những năm qua, có một thực tế không thể phủ nhận là đã có hàng chục, hàng trăm hiệp hội ngành hàng liên quan tới nông dân ra đời, nông dân vẫn bị bỏ ngoài cuộc. Và do vây, các chủ trang trại nuôi bò sữa hôm nay có quyền nghi ngờ mình khó lòng có chân trong VDA.

Tính từ năm 1990 trở lại đây, có rất nhiều hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ra đời, nhưng lực lượng sản xuất nông lâm thủy sản –  cụ thể là nông dân – vẫn đứng ngoài các tổ chức đó, dù hiệp hội nào, ngay từ cách đặt tên, cũng có dính dấp tới nông dân.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam không hề có một nông dân nào mà chỉ có doanh nghiệp. Thậm chí với tiêu chí gia nhập hiệp hội này thì ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo cỡ nhỏ, quy mô vài ngàn tấn một năm cũng khó nộp đơn gia nhập, nói gì tới nông dân. Trong khi theo lẽ, đã là hiệp hội lương thực thì người sản xuất lương thực là nhà nông, nhà mua bán lương thực nội địa, nhà xuất khẩu, đều có thể gia nhập.

Cho tới bây giờ trong danh sách hội viên của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) chẳng có tên một bác nông dân nào, dù rằng có nông dân ở Tây Nguyên trồng hàng chục, hàng trăm héc ta cà phê.

Đố ai tìm được tên một nông dân chủ trang trại mía trong Hiệp hội Mía đường Việt Nam, dù rằng cái tên này lẽ ra phải quy tụ nông dân chứ không chỉ có các nhà máy chế biến đường.

Cũng chính vì không có nhà sản xuất trong các hiệp hội nên những câu chuyện như hiệp hội lương thực áp giá sàn mua gạo theo mức mà họ thấy có lý thì nông dân phải ráng chấp nhận, dù không đồng tình. Dù nông dân trồng cà phê ai cũng biết bây giờ giá thành một kí lô cà phê nhân phải hơn 25.000 đồng nhưng Vicofa cứ mua tạm trữ với giá 23.000 đồng, bởi nông dân đâu có tiếng nói gì trong hiệp hội mà lẽ ra Vicofa phải bảo vệ họ, liên kết họ với doanh nghiệp.

Giá mía thì hiệp hội mía đường nghĩ ra cái gọi là “giá định hướng” và tư duy rất chủ quan rằng, “Với giá này thì hiện nay nông dân có lãi”, còn nông dân, người trồng ra cây mía và quyết định sản lượng đường, thì chẳng hề biết năm nay hay năm tới mình sẽ bán mía với giá bao nhiêu?

Hiệp hội điều thì đa phần là nhà chế biến, chỉ có một vài chủ trang trại, hiệp hội cao su thì cũng phần lớn là công ty trồng, kinh doanh cao su, cũng chỉ có một vài chủ trang trại lớn mà chủ của nó là những người có tên tuổi.

Một chủ trang trại cà phê ở Dak Lak, có công ty riêng kinh doanh phân bón, sau khi đi tham gia cách trồng cà phê ở Brazil trở về, cho biết ở bên đó, chủ trang trại trồng cà phê, nhà chế biến và nhà xuất khẩu gắn kết với nhau, người thì tham gia hiệp hội với tư cách cá nhân, ai không tham gia trực tiếp thì thông qua hợp tác xã để có tiếng nói trong hiệp hội.

Lâu nay nhà nước khuyến khích thành lập các hiệp hội ngành hàng nông sản, có mục đích để doanh nghiệp và nhà nông liên kết với nhau cùng nhau phát triển nhưng thực tế, có hiệp hội thì dính dáng tới nông dân nhưng bản chất là hiệp hội của các doanh nghiệp cùng chung ngành hàng, có hiệp hội thì thuần túy là của các nhà chế biến, xuất khẩu.

Thật phi lý khi tiếng nói của nhà sản xuất nông sản lại gần như không hề có trong các hiệp hội, vốn dĩ ngày càng có tiếng nói trọng lượng hơn trong nông nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới