Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân vẫn đợi giá cà phê ra trò

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân vẫn đợi giá cà phê ra trò

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá các thị trường cà phê đang cố gượng lên sau một đợt sụt giảm mạnh từ những ngày đầu niên vụ mới vào tháng 10-2011 khiến nông dân trong nước đang vào mùa thu hoạch cà phê vẫn găm giữ hàng đợi giá bớt lình xình. Dù nguồn cung có vẻ thiếu hụt nhưng các nhà nhập khẩu, vì nhiều lý do khác nhau, đang cố chờ đợi các nhà xuất khẩu bán ra hàng loạt.

Nông dân vẫn đợi giá cà phê ra trò
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa robusta Liffe so với giá nội địa đến hết ngày 25-11 (tác giả tổng hợp)

Hàng ít nhưng giá giảm

Trong tuần qua, giá cà phê robusta trên thị trường nội địa quay quanh các mức từ 37.500 đồng đến 38.500 đồng/kg, như vậy so với giá ngay ngày đầu niên vụ, giá này đã mất đi 4.000-5.000 đồng/kg. Đến sáng hôm nay, 26/11 giá nội địa đang được các nhà xuất khẩu trả chừng 38.500 đồng/kg, là mức cao nhất trong tuần (xin xem biểu đồ 1 bên trên).

Điều đáng nói ở đây là giá nội địa đi theo giá đóng cửa thị trường kỳ hạn robusta Liffe (TTKH) một cách trung thành quá mức, dù đã có tin lượng xuất khẩu từ nước ta đi trong các tháng 8,9 và 10, cũng như tháng 11 đều dưới mức trung bình. Trong điều kiện bình thường, thị trường cần bình quân ít nhất chừng 80.000 đến 85.000 tấn mới đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ.

Đối với TTKH, trải qua một tuần tính từ cuối tuần trước, giá đóng cửa TTKH không vượt qua được mức 1.900 đô la/tấn. Đến đóng cửa Liffe khuya hôm qua 25-11 tức rạng sáng hôm nay giờ Việt Nam 26-11, giá cơ sở giao hàng tháng 1-2012 cũng chỉ chốt tại mức 1.891 đô la/tấn, tăng 11 đô la so với cuối tuần trước.

Dù mới đây, tin tồn kho có giấy xác nhận chất lượng của Liffe giảm thêm gần 21.000 tấn, giá TTKH vẫn loay hoay chưa chọn được hướng đi dứt khoát (xin xem biểu đồ 2 bên dưới).

Biểu đồ 2: Lượng robusta tồn kho có xác nhận Liffe tiếp tục giảm (tác giả tổng hợp)

Thực ra, thị trường robusta hiện nay của thế giới đang phụ thuộc rất nhiều vào hạt cà phê nước ta. Thông thường đến các tháng mùa đông từ tháng 11 trở đi, các hãng rang xay rất cần hàng và khuynh hướng giá tăng hay giảm lộ rất rõ vào giai đoạn như thế này. Hơn nữa, mùa lễ tết của các nước Âu, Mỹ chỉ còn đúng một tháng nữa là mở hội, nhiều nơi đang cần mua cà phê để sản xuất bán tết, làm quà.

Nếu xuất khẩu từ nước ta và tồn kho đều giảm, đáng ra giá cà phê TTKH và nội địa tăng mạnh trong những ngày này mới phải. Nhưng rất tiếc, trường hợp này đã không xảy ra. Thực vậy, đến hôm nay, những ngày cuối của tháng 11, giá cà phê trên các thị trường vẫn chưa làm gi “cho ra trò”.

Rất có thể “ván bài cân não” về giá đang được 2 bên mua và bán đang tính toán. Song, bên mua thường lợi thế hơn do có cái nhìn và chiến lược xuyên quốc gia, xuyên thị trường; còn bên bán thường phải là người thất trận.

Nguồn cung giảm chưa tác động tới giá

Giá lình xình trên các thị trường hiện nay cũng xuất phát từ một số nguyên do khác nữa như các quỹ đầu cơ đang rút dần vốn từ một số thị trường để chuyển sang thị trường vàng và ngoại hối để bảo đảm an toàn vốn trong thời kỳ kinh tế thế giới bấp bênh và hỗn loạn; như các giải pháp cho khủng hoảng nợ tại châu Âu đến nay chỉ được nói nhiều hơn làm; khủng hoảng nợ châu Âu cũng gây không ít khó khăn về nguồn vốn đối với các nhà kinh doanh quốc tế…

Về phía bên bán, đây là niên vụ thứ ba các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cơn khát vốn và “vòng kim cô” của lãi suất ngân hàng cao. Dù hai bên có muốn làm gì cho ra trò như những năm trước đi nữa, cũng rất khó vì “lực bất tòng tâm”.

Đối với bên mua, các lý do trên có thể chỉ là ngoài mặt. Rất có khả năng các nhà nhập khẩu  đang quyết tâm làm cho dồn ứ hàng tại các nước xuất khẩu, chưa muốn mua để tạo cơn sóng sức ép bán ra một thể từ nhiều nước xuất khẩu lớn như Brazil, Indonesia và Việt Nam để hạ giá mua.

Cho nên, đối sách bán ra của nông dân, doanh nghiệp trong nước đến nay là cực kỳ quan trọng nếu như không có điều tiết hàng xuất khẩu. Mặt khác, nếu giữ hàng quá chặt lại rất có thể trúng kế của bên mua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới