Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông dân với mấy nỗi oan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông dân với mấy nỗi oan

Nguyễn Quang Bình (*)

Tưởng cái thời thông tin còn bưng bít, nông dân đã phải gánh lắm nỗi oan. Nào ngờ, ở thời internet, chuyện trớ trêu không ít.

Đã đành, làm ra hạt lúa hạt thóc, trái cà củ khoai, mớ cá con tôm…ai cũng mong bán được giá. Ước mơ bán giá cao cho nông sản mình làm ra là muôn đời, nông dân nước nào cũng thế.

Song, ước mơ của họ không hề nằm trên mây, mà là cái gì đó rất thật, rất cụ thể, ở ngay trên đất họ đang đứng.

Cách đây ít lâu, tôi được xem một đoạn ký sự tài liệu trên truyền hình bàn về chuyện bất cập của chương trình tạm trữ lúa gạo với dụng ý lớn: cho nông dân trồng lúa vay với lãi suất bằng 0 để tự trữ tại nhà nhằm chờ bán được giá cao sau này.

Thế mà, nhiều anh nông dân trong phim tài liệu ngoay ngoảy nói thẳng rằng không thể nào thực hiện được vì gia đình họ không có khả năng bảo quản lâu dài và không dám bảo đảm chất lượng lúa gạo do thiếu sân phơi, máy móc, nơi trữ an toàn.

Hóa ra người xem truyền hình mới hiểu rằng đề nghị tạm trữ lúa gạo hiện hành có thể không xuất phát từ người sản xuất, có ruộng, có sản lượng, mà từ một thành phần nào khác chứ không phải từ bản thân yêu cầu thực của nông dân. Có thể một vài vị tham mưu có dụng ý tốt, nghĩ tốt vì nông dân nhưng do chưa nghiên cứu kỹ chuỗi cung ứng, chưa đi sâu đủ vào sản xuất nên đã vội đề nghị; để như một vị phó chủ tịch hội nông dân của một huyện sản xuất lúa tại một tỉnh miền Nam trả lời với phóng viên: nông dân chưa ai sờ được tiền tạm trữ cả!

Rõ ràng nếu nói chương trình này vì nông dân là chưa trọn vẹn, đôi khi quá oan cho họ vì họ đâu có “mơ” như cách ở “trên” nghĩ và sáng tác!  Nên, chương trình ủng hộ lãi suất từ mấy trăm tỉ để tạm trữ lúa gạo có khi không đi đến đâu, nông dân chẳng được gì… mà lại mang tiếng oan “được hỗ trợ” thì gay quá!

Với ngành cà phê lại có nỗi oan này! Niên vụ cũ bắt đầu từ ngày 1-10-2011 và vừa mới chấm dứt ngày 30-9-2012. Sau 12 tháng, lượng xuất khẩu từ nước ta đạt nghe đâu trên cả 1,6 triệu tấn, so với năm ngoái cao hơn 400.000 tấn, và đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. Thế mà, nhiều báo đài, nhiều công ty kinh doanh cứ không ngớt cho rằng hàng ra hiếm, nên giá cao vì nông dân giữ hàng không chịu bán ra! Ngược đời chưa! Không bán mà thị trường thế giới có cả 1,6 triệu tấn, có con số thống kê hẳn hoi từ nhiều cơ quan chuyên môn, hãng thông tấn to nhỏ trên toàn thế giới.

Thực ra, nhiều người trên thương trường hay “đổ thừa” cho nông dân bán ít bán nhiều để ẩn giấu những ý đồ kinh doanh riêng tư của mình. Bình thường không sao, chứ thời khủng hoảng, dị nghị nhiều, cạnh tranh lắm… thì chuyện ngày nào cũng ra rả rằng “nông dân găm hàng không bán” lại dễ gây mất cảm tình với khách hàng, có khi mất luôn cả thị trường. Rất có thể có nhà kinh doanh mua rồi, nhưng tự ý ém hàng chờ giá cao, rồi đổ thừa cho nông dân kiểu này thì quá ư oan cho nông dân cà phê nước nhà.

Cho nên, thông tin cũng phải nắn nót từng từ chứ chẳng đùa, không phải nói gì cũng được đâu.

_______________________________

(*) Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới