Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông lâm thủy sản Việt Nam có tiềm năng lớn ở thị trường Anh

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Anh khi doanh nghiệp tận dụng các điều khoản từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA).

Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA”, do Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Anh tổ chức ngày 23-6 tại TPHCM.

Các chuyên gia, diễn giả và doanh nghiệp thảo luận về triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Anh, tận dụng hiệu quả UKVFTA tại hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng

Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định cơ hội cho các sản phẩm nói trên của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Anh là rất rộng mở đặt biệt sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực với rất nhiều ưu đãi dành cho những mặt hàng này.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho rằng với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi bán lẻ, siêu thị của Anh.

“Nhờ được giảm thuế nhập khẩu vào Anh về 0% sau ngày 1-1-2021 nên nhiều hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác sang Anh”, bà Ngọc lưu ý.

Tương tự, theo ông Chris Milliken, Phó chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham), hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam – Anh đã phục hồi về mức trước dịch Covid-19. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam – Anh.

Dẫn chứng cụ thể, ông Chris Milliken cho biết, Anh nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam, top 3 thị trường xuất khẩu gỗ. Tại các siêu thị Anh quốc, có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến một số mặt hàng như tiêu, điều, cà phê, thủy sản… “Riêng mặt hàng hạt điều Việt Nam chiếm tới 90% lượng điều tại Anh”, ông Chris Milliken lưu ý.

“Tôi tin rằng hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau”, ông Chris Milliken nhấn mạnh.

Còn ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TPHCM, Giám đốc Thương mại và Đầu tư Anh tại Việt Nam, cho rằng chuỗi cung ứng đang có thay đổi, Việt Nam muốn cạnh tranh phải chuyên môn hóa. “Làm sao nói về dệt may, nông nghiệp thủy hải sản Anh luôn nghĩ Việt Nam là tốt. Vậy muốn cạnh tranh phải phát triển ngành hàng đã có, cũng như ngành hàng mới và xây dựng uy tín”, ông lưu ý.

Ông Oliver Todd đánh giá cao vị thế đối tác thương mại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, tin tưởng rằng Việt Nam có thể thay thế các nước khác để trở thành nhà cung ứng mới trong lĩnh vực nông thủy sản cho Anh.

Mặc dù việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn vướng mắc trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, các rủi ro về về hợp đồng, thanh toán và cách phòng tránh.

Theo bà Ngọc, để gia tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng Anh, nắm rõ thủ tục xuất khẩu vào Anh, cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ bảo quản và vận chuyển, đồng thời tích cực xây dựng và phát triển mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam, chủ động tiếp cận với các tập đoàn phân phối lớn của Anh để trở thành đơn vị cung cấp hàng hóa vào các chuỗi phân phối này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khẳng định Bộ Công Thương luôn đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Theo bà An, hiện nay Chính phủ đã có các chương trình thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các khâu tìm kiếm, kết nối với đối tác, cũng như những lưu ý để có thể tiến tới xuất đơn hàng thành công sang thị trường Anh nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

Cùng với việc Hiệp định thương mại tự do UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại Việt Nam – Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng bất chấp đại dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh năm 2021 đạt 6,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỉ đô la, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu đô la, tăng 23,6%.Trong 5 tháng đầu năm 2022, do vẫn còn chịu các tác động của đại dịch Covid -19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Anh đạt 2,68 tỉ đô la, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới