Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nóng lên vấn đề biến đổi khí hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nóng lên vấn đề biến đổi khí hậu

Thái Bình

Khí thải bao phủ trái đất làm khí hậu biến đổi theo chiều hường nguy hiểm. Ảnh: NASA.

(TBKTSG) – Vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính một lần nữa lại nóng lên vào đầu tuần này khi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp thế giới mở lại những cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, cùng lúc tại Paris (Pháp) và Copenhagen (Đan Mạch).

Tại Paris, các bộ trưởng kinh tế và môi trường của Diễn đàn các nền kinh tế lớn (Major Economies Forum – MEF) – quy tụ 17 nền kinh tế lớn, phát ra 80% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính –  đã được cảnh báo rằng “vận mệnh của nhân loại” phụ thuộc vào triển vọng hình thành một hiệp ước toàn cầu mới về cắt giảm khí thải.

Phát biểu khai mạc MEF vào sáng thứ Hai 25-5, Bộ trưởng Sinh thái Pháp Jean-Louis Borloo nói: “Vận mệnh của nhân loại đang được đặt vào Copenhagen” – tức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Liên hiệp quốc triệu tập vào tháng 12 tới tại thủ đô Đan Mạch, ở đó các chính phủ phải đồng thuận được một hiệp ước mới, gọi là Hiệp định Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), nối tiếp Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012.

Nghị định thư Kyoto, ra đời năm 1997, đòi hỏi các nước phát triển phải giảm việc phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng lại không ràng buộc các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc hoặc Ấn Độ, khiến cho một số nước như Mỹ và Úc không phê chuẩn.

Trong thực tế, các nước chỉ giảm ô nhiễm khi nhìn thấy các đối thủ cũng làm như vậy. Lần này, việc thương thảo một hiệp ước mới cũng phức tạp và khó khăn không kém vì những bất đồng giữa khối nước giàu và nước nghèo, giữa ưu tiên cho môi trường và ưu tiên cho phát triển kinh tế.

***

Để thu hẹp bất đồng, tại diễn đàn MEF, Pháp và Đức đề xuất một tiến trình “linh hoạt”, theo đó các nước có điều kiện nên chấp thuận những mức cắt giảm sâu vào năm 2020, đồng thời “linh hoạt” cho các nước chưa có điều kiện.

Theo Bộ trưởng Borloo, các nước phát triển nên ký một kế hoạch đến năm 2020 lượng khí thải phát ra sẽ giảm từ 25-40% so với mức của năm 1990. Đây cũng chính là mức cắt giảm mà một ủy ban khoa học của Liên hiệp quốc đã đề nghị nhằm tránh tình trạng ấm lên toàn cầu. Một số nước chưa có điều kiện cắt giảm sâu như vậy có thể tiến chậm hơn thay vì tất cả đều phải tuân thủ một cam kết chung.

Về mục tiêu cụ thể, Liên hiệp châu Âu (EU) dẫn đầu với đề nghị năm 2020 sẽ cắt giảm khí thải ở mức 20% so với mức năm 1990 và có thể đạt mức giảm 30% nếu các nước giàu khác theo sau.

Mỹ cam kết đến năm 2020 lượng khí thải chỉ bằng mức năm 1990, giảm 17% so với mức năm 2005 hay 14% so với năm 2007. Chính quyền của Tổng thống Obama đang nỗ lực vận động Quốc hội thông qua một điều luật có tên là Waxman-Markey, theo đó mức cắt giảm khí thải nhà kính của Mỹ sẽ mạnh hơn nữa, hình thành một hệ thống mua bán hạn ngạch khí thải CO2 đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính và công nghệ sạch để giảm bớt khí thải.

Trung Quốc – nước gây ô nhiễm nhất thế giới – một lần nữa lại đòi các nước giàu phải giảm 40% lượng khí thải vào năm 2020 so với mức năm 1990, một đề nghị mà nhiều đại biểu tại hội nghị cho là không thực tế. Trung Quốc không tham gia Nghị định thư Kyoto vì cho rằng các nước giàu chưa nghiêm túc trong việc cắt giảm khí thải, đồng thời lập luận rằng tỷ lệ khí thải tính theo đầu người của Trung Quốc còn quá thấp so với các nước công nghiệp nên Trung Quốc không nhất thiết phải thực thi việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát ra nhiều khí thải nhất, chiếm khoảng một nửa lượng khí thải toàn thế giới, nhưng không nước nào chịu cắt giảm nếu nước kia không có hành động tương tự, mà sự tán thành của hai cường quốc này là rất thiết yếu cho sự hình thành một hiệp định toàn cầu về khí hậu tại Copenhagen vào cuối năm. Lần này, Mỹ tham gia cắt giảm khí thải cùng Nhật Bản và EU nên Trung Quốc không còn lý do nào để từ chối.

***     

Cùng lúc với hội nghị MEF tại Paris, giới doanh nghiệp thế giới cũng tiến hành hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, quy tụ hơn 500 nhà lãnh đạo các công ty lớn nhất. Ngoài việc tính toán những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với hoạt động kinh tế, giới doanh nghiệp mong muốn các nhà lãnh đạo chính trị sớm đạt tới một thỏa thuận về cắt giảm khí thải trong tháng 12 này.

Hội nghị của giới doanh nghiệp cho rằng, họ cần biết chắc chắn về các mục tiêu giảm khí thải để tính toán những quyết định đầu tư dài hạn; một hiệp ước toàn cầu mới sẽ cung cấp những chỉ dẫn về chính sách và quy mô những khoản đầu tư họ cần đổ vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và các công nghệ ít gây ô nhiễm. Báo Wall Street Journal số ra thứ Ba 26-5 trích dự thảo tuyên bố chung của hội nghị kêu gọi các nền kinh tế cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải vào năm 2050 – một mục tiêu đầy tham vọng đã được Liên hiệp quốc đề ra trước đây.

Tuy nhiên, trở ngại nằm ngay trong giới doanh nghiệp. Phát biểu tại hội nghị hôm Chủ nhật, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói thẳng là chỉ mới có một vài doanh nghiệp đặt vấn đề biến đổi khí hậu thành một ưu tiên, đa số vẫn còn đứng ngoài cuộc và một thiểu số muốn duy trì “trật tự cũ”. “Với những ai đang trực tiếp vận động chống lại hành động cắt giảm khí thải, tôi có một thông điệp rõ ràng: ý tưởng của các bạn đã lạc hậu, thời gian của các bạn đã hết”, ông Ban nói.

(Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới