Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông nghiệp công nghệ cao sẽ giải quyết bài toán đất suy thoái, nhu cầu lương thực tăng cao

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp, bao gồm nuôi thuỷ sản, đang ngày càng suy thoái và không có khả năng mở rộng, trong khi nhu cầu lương thực ngày càng gia tăng. Và việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào nông nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề nêu trên.

Nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp giải quyết bài toán suy thoái đất, trong khi nhu cầu lương thực thực phẩm tăng cao. Ảnh: Trung Chánh

Nội dung nêu trên đã được đặt ra tại diễn đàn quốc tế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – SDMD 2022 với chủ đề “Khoa học và công nghệ: động lực cho đổi mới và phát triển bền vững” do Đại học Cần Thơ tổ chức vào chiều nay, 30-10, ở thành phố Cần Thơ.

Ông Lê Văn Vàng, Hiệu trưởng trường nông nghiệp thuộc Đại học Cần Thơ dẫn số liệu của Tổ chức nông nghiệp và lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9,8 tỉ người và nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010.

Trong khi đó, canh tác nông nghiệp của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đã tới giới hạn phát triển và đang ngày càng suy giảm trầm trọng do bị xói mòn, bạc màu và kể cả gần đây là chịu tác động của xâm nhập mặn.

Thêm vào đó, các tác động của biến đổi khí hậu khiến các điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp không còn, cho nên, vấn đề về an ninh lương thực và an toàn thực phẩm có nguy cơ bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.

“Đâu là giải pháp để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực đầy đủ, an toàn, bổ dưỡng một cách ổn định trong bối cảnh điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng suy giảm?”, ông Vàng nêu câu hỏi và cho biết, đó là nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ban hành ngày 16-6-2022 cũng đã đưa ra giải pháp, đó là chuyển nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiệu quả và ứng dụng khoa học tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

Như vậy, ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp để tối ưu hoá hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm tác động tiêu cực từ sản xuất nông nghiệp đối với môi trường là hướng đi đúng, giúp đáp ứng được yêu cầu về an ninh lương thực, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Để nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả và bền vững, ông Vàng đã đề xuất 4 nhóm yếu tố được tích hợp trong một hệ thống, bao gồm thứ nhất là sản xuất nông nghiệp; thứ hai là công nghệ thông tin; thứ ba là các công nghệ khác (bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá…)  và cuối cùng là quản trị sản xuất.

Chẳng hạn, với nhóm yếu tố về công nghệ thông tin, đây là công nghệ bắt buộc trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp giữ vai trò kết nối. Nếu không có công nghệ thông tin sẽ khó hoặc không thực hiện nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả. Công nghệ này hỗ trợ đưa ra quyết định về sản xuất, quy hoạch sản xuất, tổ chức, kết nối sản xuất với các công nghệ khác hay nói khác đi công nghệ thông tin sẽ tạo mối liên kết cả bên trong và bên ngoài của một hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Còn với nhóm yếu tố công nghệ, đây là những hỗ trợ cho sản xuất, mà cụ thể là đưa tự động hoá, cơ giới hoá vào sản xuất để hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ theo một quy trình, đảm bảo tính ổn định và chất lượng cho nông sản.

Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL có khoảng 18 triệu dân, đóng góp khoảng 18% GDP cả nước, trong đó, nông nghiệp và thuỷ sản chiếm 30% của quốc gia.

“Tuy nhiên, thực trạng lao động của ĐBSCL chưa qua đào tạo lại chiếm phần lớn, chỉ có 7% trên tổng số dân qua đào tạo bậc đại học”, ông cho biết.

Do nguồn nhân lực của ĐBSCL kém về chất lượng, cho nên, rất khó khăn trong ứng dụng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội của vùng nói chung.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL, theo ông Toàn, bên cạnh thay đổi chương trình đào tạo; phân cấp đào tạo; đổi mới khoa học công nghệ, thì cần phải chấn chỉnh các lỗ hổng về chính sách để đạt hiệu quả.

Tại diễn đàn, Đại học Cần Thơ đã ký kết hợp tác với 8 đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, bao gồm Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF); Đại học hải dương Đài Loan; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM; Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau; Ngân hàng HDBank; VNPT Cần Thơ và Công ty TNHH Esuhai.Việc ký kết hợp tác giữa Đại học Cần Thơ và các đơn vị nêu trên nhằm cụ thể hoá các nội dung hợp tác, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới