Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích nhưng tránh thái quá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích nhưng tránh thái quá

Đức Tâm

Nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích nhưng tránh thái quá
Nông nghiệp hữu cơ là xu thế, là cơ hội nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Ảnh minh họa: D.Tâm

(TBKTSG Online) – Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và đem lại rất nhiều cơ hội kinh doanh trong một thị trường rộng lớn, nhưng chúng ta nên có cái nhìn chừng mực, tránh thái quá trong lĩnh vực này.

Ý kiến trên được Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng phát biểu tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu nông sản sạch – Thương hiệu lúa gạo” được Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức sáng nay, 28-4, tại TPHCM.

Theo ông Vọng, nông nghiệp hữu cơ ngày nay khác rất nhiều so với thời xưa; chứa đựng rủi ro, đòi hỏi nhiều tri thức cùng tính kỷ luật khi tham gia sản xuất. Đây là lĩnh vực không phải dành cho tất cả mọi người.

"Năm 1980, Bộ Nông nghiệp Úc đặt câu hỏi nên hướng nông dân theo nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp truyền thống có sử dụng hóa chất trong giới hạn cho phép, nhóm nghiên cứu chúng tôi mất 5 năm để tìm câu trả lời và đáp án là vẫn chọn nông nghiệp truyền thống. Tuy vậy, những tổ chức nào có thể sản xuất được nông nghiệp hữu cơ thì vẫn được Chính phủ Úc chào đón và luôn sẵn lòng hỗ trợ", ông Vọng kể.

Tiếp tục câu chuyện, ông Vọng chia sẻ, nông nghiệp hữu cơ là xu thế, là cơ hội nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Tại Việt Nam, nếu nông dân ứng dụng nghiêm túc các tiêu chuẩn VietGAP, nông sản vừa đảm bảo sạch, an toàn và kinh tế.

Vậy chữ sạch ở đây được hiểu như thế nào? Trao đổi với TBKTSG Online, ông Vọng lý giải, khi nông sản của anh không còn hóa chất tồn dư thì đó là sản phẩm sạch và an toàn.

Cơ hội

Khi con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe và môi trường thì nông nghiệp hữu cơ là một lựa chọn. Điều này mang lại cơ hội kinh doanh và dĩ nhiên, theo đó, nhiều doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư đã bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực này.

Tin tích cực, như ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit chia sẻ, là đã có doanh nghiệp gặt hái được những thành công ban đầu. Doanh nghiệp được ông Viên đề cập đến là trường hợp của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới ở Bến Tre.

“Từ ngày được chứng nhận hữu cơ, thay vì họ phải đi tìm khách hàng thì nay đã có khách hàng nhiều nước tìm đến họ. Bản thân tôi khi đề nghị hợp tác cũng phải xếp hàng chờ đợi.” ông Viên kể.

Tin tích cực thứ hai được ông Viên bật mí, đó là nếu được chứng nhận hữu cơ bởi Mỹ và châu Âu, sản phẩm của bạn sẽ có cơ hội rất lớn tiếp cận hệ thống siêu thị toàn cầu của các tập đoàn bán lẻ lớn.

Với những tín hiệu như vừa nêu, chẳng lạ khi từ hơn ba năm nay, Vinamit đã bắt tay xây dựng cho mình một trang trại trái cây hữu cơ 200 héc ta tại Phú Giáo – Bình Dương và đang ráo riết xin chứng nhận hữu cơ từ Mỹ cũng như châu Âu.

Tương tự như ông Viên, ông Lê Thành, Giám đốc công ty Organic Life, trong tư cách của một nhà đầu tư, cho biết ông và một số người bạn đang đầu tư một trang trại nông nghiệp hữu cơ rộng 1.500 héc ta tại Tây Ninh để trồng hướng dương và bắp để xuất khẩu.

Khó khăn

Nhận ra cơ hội là một chuyện nhưng biến cơ hội thành doanh thu và lợi nhuận lại là một câu chuyện khác và thực tế câu chuyện làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam vẫn đầy thách thức.

Nói đến nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trong số những người tiên phong, không thể không nhắc đến ông Võ Minh Khải, người còn được gọi là "Khải khùng" khi từ năm 2009 đã lập công ty Viễn Phú, quay về Cà Mau làm lúa sạch và xây dựng nên thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa.

Bên cạnh câu chuyện về gạo và sức khỏe, trong phần trình bày của mình, ông Khải còn đem đến một clip chưa đầy 5 phút quay bằng flycam nông trại hữu cơ 317 héc ta của Viễn Phú tại vùng đất nguyên sơ U Minh Hạ làm cho cả hội trường trầm trồ vỗ tay. Thế nhưng niềm vui này sớm chùn xuống khi ông Khải cho biết Viễn Phú đang hấp hối và sắp đóng cửa khi không có đủ vốn để mở rộng sản xuất nhằm đạt đến quy mô hiệu quả. (Về chuyện vui buồn của Viễn Phú, độc giả có thể đọc thêm ở đây)

Nếu doanh nghiệp như Viễn Phú thiếu vốn thì những nhà đầu tư như ông Lê Thành lại thiếu nhân lực. Vị giám đốc Organic Life chia sẻ: "Với chúng tôi, vốn không thiếu, đất thì có nhiều, thị trường không lo nhưng để tìm được những con người có kiến thức và đam mê nông nghiệp hữu cơ thật sự rất khó. Nông dân của chúng ta giỏi lắm nhưng cái họ thiếu chính là tính kỷ luật kém và dễ thay đổi; còn những sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ thích ngồi bàn giấy hơn là lăn ra ruộng đồng", ông Thành nói.

Ngoài ra, cái khó của nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, như ông Viên của Vinamit phát biểu, còn nằm ở câu chuyện niềm tin khi lòng tin của người dân vào thực phẩm gần như đã mất; thậm chí nhiều người còn không tin rằng ở Việt Nam có người làm nông nghiệp hữu cơ đàng hoàng, nghiêm túc. 

Trên đây mới chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp lớn. Với những doanh nghiệp nhỏ và nông dân, khó khăn còn chồng chất khó khăn. Những ai đã từng tiếp xúc với nông dân, những người thật tâm và quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ để có thể tử tế với người, với mình và với thiên nhiên, sẽ hiểu cái ý “làm nông nghiệp hữu cơ như cơm chan nước mắt” mà bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch BSA, chia sẻ. Hiểu mới cảm thông và trân trọng. Hiểu để sẵn lòng chia sẻ cùng nông dân hôm nay thay vì chi trả cho bác sĩ và bệnh viện ngày mai.

Mời xem thêm:

Cần một quan hệ hữu cơ cho nông sản hữu cơ

Bước rẽ vào thực phẩm hữu cơ của Vinamit

Chuyện rau, chuyện đời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới