Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông nghiệp Việt Nam trước ngã ba đường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông nghiệp Việt Nam trước ngã ba đường

Tư Hoàng

Nông nghiệp Việt Nam trước ngã ba đường
WB cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam phải làm khác đi. Ảnh: TH.

(TBKTSG Online) – Bức tranh nông nghiệp Việt Nam được mô tả khá u ám nếu không có bước chuyển đổi đáng kể, theo Báo cáo phát triển Việt Nam có chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố sáng 27-9 tại Hà Nội.

Báo cáo này sử dụng nhiều nghiên cứu chuyên đề về nông nghiệp viết cho Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ công bố gần đây.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, nói: “Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa, tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước những hiểm họa thời tiết và tác động của môi trường. Việt Nam cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, để đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân tốt hơn”.

Khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ, theo báo cáo.

Tại lễ công bố báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, thiếu cơ chế tích tụ ruộng đất, quyền tài sản không được đảm bảo đã không thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Đây chính là lo ngại của báo cáo, theo đó “kiểm soát hành chính về đất đai, can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào cả các thị trường đầu vào và đầu ra từng là yếu tố chính giúp ngành nông nghiệp ổn định và tăng trưởng bao trùm trong mấy chục năm qua nhưng những chính sách này và một số thể chế cũ giờ đây lại đang kìm hãm hoặc hạn chế quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam, làm cho nông nghiệp không theo được những hướng đi mới cần thiết để có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa đất nước khi Việt Nam đã là một nước thu nhập trung bình”.

Báo cáo của WB cảnh báo, xu hướng chung gần đây cho thấy GDP nông nghiệp đang giảm, tốc độ tăng năng suất đang chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng. Một số vấn đề môi trường hiện đang ảnh hưởng xấu đến cả năng suất lao động và vị thế quốc tế của nông sản Việt Nam.

Ngành nông nghiệp đang bị cạnh tranh về nhân công, tài nguyên đất và nước bởi quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ. Chi phí lao động tăng làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh vốn dựa trên lợi thế về chi phí sản xuất thấp của nông sản thô. Sử dụng quá mức vật tư đầu vào và tài nguyên thiên nhiên đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Một số vấn đề môi trường đang cản trở tăng năng suất lao động và vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội hứa hẹn cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng muốn thành công thì các hộ nông dân và doanh nghiệp phải có khả năng tạo ra các sản phẩm có độ tin cậy, chất lượng, an toàn và bền vững.

Cơ cấu hộ nông nghiệp Việt Nam so với các nước Đông Nam Á như thế nào? Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng hơn một nửa (0,6-0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines. Cơ cấu hộ nông nghiệp Việt Nam giống với Indonesia nhất. Tại Indonesia, khoảng 30% hộ nông dân có dưới 0,2 ha, 26% có từ 0,2 đến 0,5 ha, 18% có từ 0,5 đến 1 ha, 15% có từ 1 đến 2 ha và 12% có trên 2 ha đất nông nghiệp. Các đồn điền lớn tại Indonesia chủ yếu trồng cọ lấy dầu và cao su.

Tại Thái Lan, cơ cấu các nhóm nông dân với các quy mô ruộng đất khác nhau không biến động đáng kể và con số hộ nông dân quy mô vừa cũng lớn hơn. Năm 2013, Thái Lan có khoảng 25% hộ nông dân có dưới 1 ha đất nông nghiệp, 40% có từ 1 đến 3 ha và 35% có trên 3 ha. Nhóm có trên 3 ha chiếm khoảng 70% tổng số đất canh tác.

Myanmar lại có cơ cấu hộ theo quy mô đất rất đặc biệt. Tại đây khoảng 40% số hộ nông dân không có đất. Trong số những người có đất, quy mô trung bình là 1,6 ha, trong đó tỷ lệ giữa số có dưới 1 ha, từ 1 đến 2 ha và trên 2 ha gần bằng nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới