Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông sản rớt giá, làm sao ngăn chặn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nông sản rớt giá, làm sao ngăn chặn?

Trung Chánh

Nông sản rớt giá, làm sao ngăn chặn?
Nhiều loại nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ, giá giảm mạnh. Trong ảnh là nông dân thu hoạch lúa trong một mô hình cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Nếu như trước đây nông sản thường xuyên rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá, thì trong vài năm trở lại đây dù không trúng mùa cũng rớt giá, thậm chí mất mùa vẫn rớt giá, theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam cho biết như vậy tại hội thảo “Cánh đồng lớn” được tổ chức tại Cần Thơ vào hôm nay (27-5).

Theo ông Bích, nguyên nhân của sự tụt dốc này trước hết bắt nguồn từ những biến động của thị trường thế giới mà cụ thể là giá hàng nông sản thế giới cũng liên tục lao dốc trong những năm gần đây.

Ông Bích dẫn các số liệu về 7 mặt hàng nông sản chủ yếu có thống kê về lượng và giá trị(bao gồm gạo; cà phê; hạt điều; sắn và các sản phẩm sắn; cao su; hạt tiêu và chè) trong bốn năm trở lại đây (tính đến năm 2014) cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu cơ bản không tăng nhiều vì năm 2011 đạt 12,3 tỉ đô la Mỹ, còn năm 2014 vừa qua cũng chỉ đạt 13 tỉ đô la Mỹ.

“Thế nhưng, nếu quy về giá của năm 2011, thì kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 phải là 16 tỉ đô la Mỹ, có nghĩa chúng ta đã bị thua thiệt về giá (giá giảm) đến 3,2 tỉ đô la Mỹ, tương đương 35,8% tổng kim ngạch xuất khẩu 7 mặt hàng này”, ông Bích cho biết.

Trong khi đó, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng trong những năm gần đây, nhiều mặt hàng nông sản chỉ duy trì sản lượng ở mức tương đương những năm trước chứ không có sự gia tăng đột biến, thậm chí có loại sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp… “Chẳng hạn, sản lượng cá tra nguyên liệu trước đây có lúc đạt trên dưới 1,3 triệu tấn/năm, thì nay chỉ còn trên dưới 1 triệu tấn/năm. Trong khi đó, giá bán đã giảm từ mức kỷ lục 29.000 đồng/kg ở năm 2011 xuống chỉ còn trên dưới 21.000 đồng/kg như hiện nay”, một đại biểu cho biết như vậy.

Theo ông Bích, nền nông nghiệp trong nước sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với đà giảm giá trong những năm tới bởi giá hàng nông sản thế giới dao động rất dữ dội, trong khi hiện tại hàng nông sản chúng ta đang bị thua thiệt về mọi mặt, “đây là thách thức rất lớn mà tôi nghĩ rằng trong những năm tới vẫn còn phải đối mặt”, ông Bích nhấn mạnh.

Một trong những khó khăn có ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nông sản trong nước thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thới giới, là nông sản xuất khẩu không có thương hiệu. “Tuy gạo chúng ta xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới và cà phê cũng là thứ 2 thế giới, nhưng rõ ràng giá trị mang lại còn rất thấp, thường xuyên rơi vào khó khăn trong việc tiêu thụ”, ông Bích cho biết.

“Vì sao như vậy?”, ông Bích đặt câu hỏi và tự trả lời rằng vì hàng không có thương hiệu, không đảm bảo chất lượng, cho nên những thị trường đòi hỏi khắt khe vế chất lượng thì họ “cấm cửa”. “Điển hình trong việc này là xuất khẩu gạo chúng ta cực kỳ khó khăn, trong khi Thái Lan ít khó hơn vì gạo của họ có thương hiệu với khoảng 200 thị trường nhập khẩu, cho nên ví dụ họ gặp khó ở 10-20 thị trường này, thì họ có thể đẩy gạo ra thị trường khác; còn Việt Nam do không có thương hiệu nên rất khó tiếp cận được thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng”, ông Bích dẫn chứng.

Trước vấn đề này, ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng xây dựng cánh đồng lớn là con đường “lý tưởng” để làm thương hiệu cho gạo Việt Nam. “Muốn có thương hiệu gạo, thì doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu ổn định về chất lượng, chứ không thể nay chất lượng thế này, mai thế kia là làm được”, ông Dư khuyến cáo. 

Theo ông Bích, chủ trương xây dựng cánh đồng lớn là hướng đi sáng suốt để liên kết doanh nghiệp với nông dân, tạo điều kiện phát triển bền vững thời gian tới, nhưng sẽ rất khó triển khai trên diện rộng. “Ví dụ, nếu Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) có kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn quy mô 2.000 héc ta ở một khu vực, thế thì 2.000 héc ta này sẽ đồng loạt được gieo sạ và thu hoạch. Như vậy, bài toán giải quyết tiêu thụ lúa cho nông dân sẽ rất khó bởi ngay cả nhà máy chế biến gạo của AGPPS với công suất 100.000/năm cũng khó tiêu thụ hết lúa cho nông dân trong thời gian ngắn như vậy”, ông Bích cho biết.

Ông Bích cho rằng Nhà nước nên nghiên cứu, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, lấy tiêu chí xây dựng thương hiệu để làm tiêu chí hỗ trợ cho doanh nghiệp vì khi doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu thành công thì tất yếu họ phải đầu tư về giống, phân bón kỹ thuật, thu hoạch, chế biến…  “Tôi nghĩ, không phải chỉ có gạo, mà các loại nông sản khác cũng nên tiếp cận ở khía cạnh khuyến khích và xây dựng thương hiệu trước vì chỉ đi theo hướng này mới đảm bảo được chất lượng nông sản và khi có chất lượng thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường thế giới dễ dàng hơn”, ông cho biết.

Xem thêm:

Để nông sản bớt phụ thuộc vào Trung Quốc

Làm sao hết tình trạng trúng mùa, mất giá?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới