Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nông sản sang EU: nhiều rào cản trên con đường rộng

T.Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tuần qua đã có buổi làm việc để tìm cách thúc đẩy các sản phẩm nông lâm thủy sản sang thị trường EU. Trên thực tế, hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt thuế quan sản phẩm trong nước xuất sang EU, tuy nhiên, ngày càng có thêm các rào cản kỹ thuật dành cho các mặt hàng nông sản.

Siết chặt quy định về dư lượng hóa chất trong nông sản

Theo thông tin từ Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), liên quan đến dư lượng hoá chất trong nông sản, mới đây Uỷ ban châu Âu (EU) đã đưa ra quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) về dư lượng hoá chất có trong thực phẩm. Quy định nào có hiệu lực từ 26-9-2023 và áp dụng trên các sản phẩm nông sản như rau, củ quả tươi và đông lạnh, nhóm các loại hạt như hạt điều, cà phê…. Đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường này.

Chế biến thuỷ sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2023, cà phê và hạt điều là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong tổng số mặt hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường này. Cụ thể, quí 1-2023, giá trị xuất khẩu cà phê đạt 473 triệu đô la Mỹ, tiếp đến là hạt điều với gần 140 triệu đô la.

Trước đó, liên quan đến dư lượng hoá chất trong sản phẩm hai mặt hàng của Việt Nam là mì ăn liền và thanh long đã bị cảnh báo sau khi xuất sang EU.

Quy định về tính hợp pháp và bảo vệ rừng

Theo Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, tháng trước, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới, đó là cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho có liên quan hoạt động phá rừng nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học.

Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của luật mới này là thịt gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, giấy in, cao su, than củi từ các nước trên thế giới. Theo đó, những sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa nêu trên nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.

Lý do để nghị viện châu Âu thông qua luật mới là muốn luật này góp phần vào chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Luật mới này sẽ đảm bảo chắc chắn những sản phẩm nông lâm thuỷ sản nhập từ các nước không phải trồng trên đất phá rừng hay các hoạt động làm suy thoái rừng.

Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam trong những năm qua. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU là 113 triệu đô la Mỹ, tương đương giá trị kim ngạch xuất khẩu của năm 2022.

Thẻ vàng khai thác thủy hải sản

IUU là cụm từ viết tắc của Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa là khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh cáo thẻ vàng đối với Việt Nam vì không tuân thủ quy định IUU. Sau khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, điều này đồng nghĩa với đó là doanh nghiệp xuất khẩu phải bỏ ra nhiều chi phí hơn.

Hiện tại, ngành nông nghiệp đang tìm mọi cách để EU rút thẻ vàng đối với ngành đánh bắt hải sản của Việt Nam. Trong khi chờ EU gỡ bỏ thẻ vàng IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gợi ý các địa phương tập trung vào nuôi hải sản biển để mở đường xuất khẩu sang EU.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang EU ước đạt 218,5 triệu đô la Mỹ, trong đó, 60% đến từ con tôm và cá tra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới