Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Nóng” với quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Nóng” với quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê

Ngọc Hùng

Thu hoạch cà phê ở Đăk Hà, Kon Tum. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – Tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2010-2011 và phương hướng niên vụ 2011-2012 tổ chức ngày 5-11 ở TPHCM, nhiều doanh nghiệp cà phê cho rằng quy định doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải có giấy phép sẽ không giúp giải quyết các vấn đề của ngành.

>>> Xuất khẩu cà phê phải có … giấy phép

>>> Một phần ba doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ rời thị trường

>>> Bộ Nông nghiệp trấn an doanh nghiệp cà phê

Công văn số 290/BNN-CB của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định, chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu từ 5.000 tấn cà phê/năm trở lên trong hai năm liên tiếp và có kho chứa mới được cấp giấy phép xuất khẩu cà phê. Nếu không có gì thay đổi, đề xuất đó có khả năng được thể chế hóa trong một nghị định mà Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.

Doanh nghiệp tự trồng sẽ gặp khó

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hội viên Vicofa cho rằng, tiêu chí cấp phép như vậy chỉ nên áp dụng cho những công ty xuất nhập khẩu, thuần túy thương mại, còn các doanh nghiệp tự trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê cần phải có tiêu chí riêng. Và cuộc thảo luận về tiêu chí cấp phép hoạt động xuất khẩu cho các công ty cà phê đã làm nóng không khí của hội nghị.

Ông Phạm Tường Lân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm (Quảng Trị), cho rằng đề xuất về điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê nói trên đưa ra thực chất chỉ là một giải pháp hành chính, không giải quyết được vấn đề gì.

Ông Lân lấy ví dụ công ty Tân Lâm có 500 héc-ta trồng cà phê Arabica (cà phê chè) theo tiêu chuẩn UTZ Certified, mỗi năm xuất khẩu khoảng 1.000 tấn cà phê. “Nhờ chất lượng và tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, công ty chúng tôi dễ dàng tìm kiếm được bạn hàng để bán hết số lượng cà phê tự trồng. Nhưng theo những điều kiện của Bộ NN&PTNT thì Tân Lâm không xuất khẩu được nữa; nghĩa là quốc tế thì chấp nhận nhưng trong nước thì không”, ông Lân nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phạm Gia Phổ, Trưởng đại diện ở TPHCM của Công ty Cà phê Eapor, tỉnh Đắk Lắk, nói rằng hiện công ty có 500 héc-ta trồng cà phê, mỗi năm thu hoạch khoảng 3.000-4.000 tấn cà phê nhân để chế biến xuất khẩu khoảng 1.000 tấn theo công nghệ chế biến cà phê ướt. Nếu theo quy định trong công văn 290 thì công ty không đủ điều kiện xuất khẩu, trong khi giá bán những sản phẩm tự chế biến và xuất khẩu của công ty luôn cao hơn giá thị trường tư nhân 200-300 đô la Mỹ/tấn. “Cách làm này của cơ quan chức năng đang giết chết những công ty nhỏ làm ăn có hiệu quả”, ông Phổ nói.

Cần giải pháp bền vững hơn là quy định hành chính

Ngoài ta, theo ông Phổ, những điều kiện quy định trong công văn 290 chẳng khác nào tạo thêm thế độc quyền cho những công ty lớn, và một khi họ kiểm soát thị trường, họ sẽ tìm cách ép giá mua cà phê của nông dân. Cùng quan điểm như vậy, ông Lân của Công ty Tân Lâm nói rằng, nếu tiếp tục giữ những điều kiện kể trên thì trên thị trường chỉ còn khoảng 100 doanh nghiệp được phép xuất khẩu cà phê thay vì 159 doanh nghiệp như hiện nay. “Nếu trong 100 doanh nghiệp này có những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ và tuyên bố phá sản trong khi doanh nghiệp mới thì không được thành lập vì thiếu điều kiện hai năm kinh doanh liên tục thì điều gì sẽ xảy ra cho ngành cà phê Việt Nam?” ông Lân đặt câu hỏi.

Đối với điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải có kho chứa, theo đại diện của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), điều này không khó đối với doanh nghiệp vì họ có thể ký hợp đồng với những công ty có hệ thống kho chứa. “Cơ quan chức năng muốn đưa ra tiêu chí phải có kho chứa bao nhiêu tấn mới được phép xuất khẩu cà phê thì doanh nghiệp đều đáp ứng được chỉ trong một thời gian ngắn, bằng cách ký hợp đồng với những công ty có hệ thống kho chứa”, ông này nói. Vì thế, theo công ty này, không nên đặt kho chứa thành một điều kiện để được cấp phép kinh doanh xuất khẩu cà phê.

Đại diện của Tập đoàn Thái Hòa cho rằng, việc đưa ra những điều kiện về xuất khẩu cà phê phải hướng tới mục đích giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững, trong đó tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp cà phê với nông dân theo hình thức nông dân cũng là một cổ đông của doanh nghiệp là một ưu tiên. Nếu không làm được điều này thì những quy định hành chính như trên sẽ không giải quyết được gì.

Đại diện của Vicofa cho biết, sẽ đem những góp ý của doanh nghiệp thành viên trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương để các cơ quan này tham khảo trước khi đưa ra những quy định phù hợp, bảo đảm tính công bằng và giúp ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Lương Văn Tự ( trái), Chủ tịch Vicofa đã ký kết thỏa thuận cùng đại diện Agribank. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo Vicofa, niên vụ cà phê 2010-2011, kéo dài từ đầu tháng 10-2010 đến hết tháng  9-2011, Việt Nam xuất khẩu được 1,28 triệu tấn cà phê, tăng 7% so với niên vụ trước, thu về gần 2,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 56% giá trị.

Cũng trong ngày 5-11, để hỗ trợ các doanh nghiệp cà phê trong niên vụ mới, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký thỏa thuận với Vicofa về chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngành hàng cà phê. Theo đó, Agribank sẽ dành gói tín dụng trị giá lên tới 5.000 tỉ đồng cho chương trình thu hoạch, sản xuất và chế biến… cà phê niên vụ tới với mức lãi suất và thời gian vay ưu đãi.

N. Hùng

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới