Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nước cờ tranh cử của ông Putin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nước cờ tranh cử của ông Putin

Kiến Tân

Nước cờ tranh cử của ông Putin
Ông Putin trước những người ủng hộ tại sân vận động Luzhniki. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Hình ảnh một nước Nga vĩ đại là điều mà Thủ tướng Vladimir Putin gởi gắm trong các hoạt động tranh cử tổng thống lần này.

Chiến thắng ngay vòng đầu

Tờ báo tiếng Anh lâu đời của nước Nga là The Moscow News tuần trước đã đăng bài xã luận về cuộc bầu cử tổng thống Nga vào ngày 4-3 với tựa "Những nguyên nhân để phấn khởi" (Reasons to be cheerful). Bài viết nói đến  “không khí lễ hội” tràn ngập sân vận động Luzhniki ở thủ đô Moscow khi 100.000 người tập trung ngày 23-2 để bày tỏ sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Putin. Thêm vào đó, bài viết còn trích dẫn kết quả cuộc thăm dò do trung tâm nghiên cứu Levada thực hiện cho thấy 66% người được hỏi cho biết sẽ bầu cho ông Putin. Tất cả tạo nên sự lạc quan tuyệt đối vào chiến thắng của ứng viên Putin, nhiều chuyên gia còn nhận định ông sẽ đắc cử ngay trong vòng đầu tiên.

Bên cạnh niềm tin chiến thắng, bài xã luận còn đề cập đến lời hứa của ông Putin là đem đến sự ổn định và kêu gọi chủ nghĩa dân tộc để nước Nga phát triển. Thực sự, chủ điểm tranh cử này của ông Putin đã được giới quan sát nhắc đến nhiều lần. Gần đây, từ Reuters, AP đến các tờ The Washington Post ở Mỹ hay The Independent tại Anh đều có bài viết về điều này. Giới quan sát nhận xét ông Putin kêu gọi tinh thần dân tộc bằng cách khơi gợi hào quang một thời của Liên Xô cùng những khẳng định nước Nga sẽ mạnh mẽ trước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Nước cờ "chống Mỹ"

AP ngày 17-2 có bài phân tích mang tên: “Chống Mỹ – chìa khóa cho chiến dịch tranh cử của Putin”, trích dẫn ý kiến của ông Sergei Oznobishchev, đứng đầu Trung tâm đánh giá chiến lược ở Moscow, nhận xét: “Chiến dịch hiện tại nặng trĩu tinh thần chống Mỹ. Điều đó như một tấm áo cũ được người ta dùng đến trong những dịp nhất định, lần này là mục tiêu bầu cử”.

Theo AP, mặc dù ông Putin từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Mỹ trong suốt 12 năm qua nhưng mật độ chỉ trích tăng trở lại gần đây. Phát biểu trên truyền hình trong tháng này, ông Putin tố cáo Mỹ muốn khuất phục Nga vì e ngại sức mạnh hạt nhân của nước này. Ông nói: “Đối tác của chúng ta không muốn đồng minh, họ muốn có chư hầu”. Trước đó, Thủ tướng Putin từng nhiều lần cáo buộc Mỹ đứng sau các vụ biểu tình chống đối ông và cho rằng Washington đang cố gắng khiến Nga rơi vào tình trạng bất ổn. Ông cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ kích động cuộc đại biểu tình tại Nga ngày 4-12 năm ngoái để phản đối kết quả bầu cử hạ viện nước này.

Song hành cùng những chỉ trích, Moscow cũng liên tục tỏ thái độ cứng rắn trong các bất đồng với Mỹ, đặc biệt xung quanh căng thẳng ở Iran và Syria. Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không được can thiệp quân sự hay gia tăng trừng phạt nhằm vào Syria, Iran. Đầu tháng này, Nga cùng Trung Quốc bác bỏ nghị quyết trừng phạt Syria do Liên đoàn Ả Rập đề xuất và được Mỹ hậu thuẫn. Tất cả như sự khẳng định rằng chính quyền đương nhiệm của Nga sẽ không nhún nhường sức ép từ Mỹ trong mọi vấn đề. Chính quyền này đang do Tổng thống Dmitry Medvedev, đồng minh chính trị thân cận của Thủ tướng Putin, lãnh đạo. Vì thế, sự cương quyết của chính quyền đương nhiệm cũng đại diện cho quan điểm của ông Putin.

Không chỉ thế, Thủ tướng Putin còn tuyên bố đầu tư lớn cho quân đội như một khẳng định vào sức mạnh của nước Nga nhằm đảm bảo sự vững vàng trước Mỹ. Ông còn tuyên bố sẽ duy trì vũ khí hạt nhân như một nền tảng quan trọng của nước Nga hùng mạnh. Thêm vào đó, một số kênh truyền hình Nga còn thực hiện các chương trình “phơi bày tiêu cực” của nước Mỹ đến mức nhà phân tích chính trị Alexander Konovalov nói rằng: “Truyền hình khiến người ta thật sự tin rằng Mỹ có ý định gây hấn”. Tất cả tạo nên một không khí khiến người ta nhớ đến thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô so kè quyết liệt với Mỹ. Nhận định thêm về điều này, AP dẫn lời nhà phân tích Dmitry Oreshkin nói: “Putin làm sống lại lý luận thời Liên Xô”.

Và cam kết ổn định, phát triển

Tất nhiên, bên cạnh đó, ông Putin cũng đưa ra nhiều cam kết cải cách khác. Hơn hai tuần trước, tờ Komsomolskaya Pravda đăng tuyên bố của Thủ tướng Putin hứa tăng lương gấp đôi từ nay đến năm 2018 cho giới công chức trong các ngành giáo dục, y tế, văn hóa… Ông khẳng định sẽ đem đến môi trường làm việc thuận lợi để các công chức có cơ hội phát triển chuyên môn. Ứng viên Putin cũng cam kết hạ nhiệt thị trường bất động sản và giải quyết chỗ ở ổn định cho đại đa số người dân.

Gần đây, Thủ tướng Putin còn đề ra mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài để Nga ổn định. Theo kế hoạch này, Nga sẽ giải quyết triệt để các tiêu cực xã hội, kiềm chế lạm phát và hướng đến tăng nhanh thu nhập cho dân chúng. Ngoài ra, ông Putin ngày 6-2 còn hứa cải cách để người dân có tiếng nói lớn hơn về chính trị, nếu ông đắc cử tổng thống trong lần bầu cử ngày 4-3.

Tuy nhiên, trước khi những lời hứa được ứng viên Putin đưa ra cùng những hành động khẳng định sự mạnh mẽ của nước Nga, hầu hết giới quan sát đều nhận định ông sẽ đắc cử từ sớm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới