Nước là hiện thân của sự công bằng!
(TBKTSG) - ĐBSCL “sống” bằng các nguồn nước khác nhau. Nước ngọt từ dòng Cửu Long cung cấp quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa; nước mặn từ biển Đông tràn vào trong mùa nắng; nước mưa cung cấp từ tháng Năm đến tháng Mười Hai và nước ngầm trong lòng đất ở độ sâu từ vài chục đến vài trăm mét.
Từ thuở lọt lòng, người dân ở đây đã thấy nước. Nước là một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ. Trẻ em chơi với nước hàng ngày, chúng biết lội trước khi biết đọc biết viết! Khi lớn lên, nước là tài sản và phương tiện sinh sống không thể thiếu được của nhiều người.
Làm ruộng, lập vườn thì cần có nước sông - nước mưa; nuôi cá, nuôi tôm sú thì tìm nơi có nước ngọt - nước mặn; vận chuyển, mua bán hàng hóa thì dựa vào nước lớn - nước ròng; cần bắt con tôm, con cá thì tìm chỗ nước cạn - nước sâu; canh tác trên vùng cao, vùng núi thì trữ nước mưa hay đào giếng lấy nước ngầm.
Trước đây ở ĐBSCL, nước cung cấp cho mọi sinh vật từ cọng rau, ngọn cỏ đến cả cho con người một cách tự nhiên và miễn phí, theo quy luật chỗ trũng thì nhận nước nhiều hơn chỗ gò cao. Nước cũng tìm cách len lỏi đến những vùng sâu, vùng hẻo lánh một cách vô tư và đầy trách nhiệm. Nước không bỏ sót một thửa ruộng, cánh rừng hay đồng cỏ, miễn có nơi nào cần nước thì nước đến. Nước là hiện thân sờ mó được của sự công bằng
Nhưng rồi chúng ta lao vào phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, như là một mục tiêu duy nhất để trở thành giàu có. ĐBSCL bị băm nhỏ thành nhiều mảng manh mún bởi đê bao và kênh đào, tước mất sự tự do vốn có của dòng nước; làm chuyển đổi dòng chảy, thay đổi quy luật đến và đi của nước. Hậu quả là những thửa ruộng, vuông tôm, mảnh vườn của những người nghèo càng bị cách xa dòng nước và ít có cơ hội tiếp cận được với nguồn nước có chất lượng tốt.
Ngay cả con người sống ở những nơi gọi là “trung tâm” của sự phát triển như thành phố, khu đông dân cư thì sự hưởng thụ về nước cũng rất khác nhau, người giàu xài nhiều nước và nước sạch hơn người nghèo!
Ngay cả trong nhận thức của chúng ta, những sản phẩm làm ra từ nước như lương thực và thực phẩm đều bị xếp vào vị trí ít quan trọng hơn sản phẩm công nghiệp. Có lúc người ta còn xem nước là trở ngại lớn lao cho các kế hoạch phát triển ở ĐBSCL!
Hệ quả là chúng ta chỉ mới có luật bảo vệ nguồn nước vừa ra đời cách nay không lâu và còn mới lạ đối với người dân. Vì vậy, đi đâu cũng bắt gặp việc người dân đổ rác và ném xác súc vật chết xuống sông; hệ thống cống thoát nước thải của các khu dân cư, thành phố, khu công nghiệp cũng xả xuống sông; nhiều quảng cáo khai thác nước ngầm dán nhan nhản khắp nơi… nhưng không ai bị xử lý, dù đã có luật!
Những công trình cơ sở hạ tầng lớn ở ĐBSCL trong vòng hai mươi năm qua cũng nhằm ngăn, chặn, và tiêu thoát nguồn nước như hệ thống đê bao khép kín tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An; hệ thống ngăn mặn và ngọt hóa bán đảo Cà Mau; hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây.
Sự phát triển lệch lạc này đặt xã hội vào vị thế phải luôn luôn đối phó với những điều bất cập có liên quan đến nước. Dễ thấy nhất là việc úng ngập, sạt lở tại các thành phố lớn, thiếu nước sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, thiếu nước sạch cho nhiều cụm công nghiệp và khu dân cư. Lâu dài hơn là thách thức thiếu nước cả về số lượng và chất lượng ở ĐBSCL.
Thử nghĩ nếu một nhà máy nào đó nằm dọc sông Cửu Long gặp sự cố tràn hóa chất (như đã từng xảy ra ở sông Tùng Dương, Trung Quốc) thì thiệt hại về nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ lớn biết dường nào? Và nhất là chúng ta chưa có một “kho” nước nào ở ĐBSCL để đối phó với các sự cố như trên.
“Kho” được mọi người sử dụng rất vô tội vạ hiện nay là nguồn nước ngầm và có vẻ như các cơ quan chức năng không có khả năng kiểm soát và quản lý nguồn nước này cho có hiệu quả.ĐBSCL là nơi sản xuất lương thực không chỉ cho Việt Nam mà còn cho nhiều nước khác trên thế giới. Trong đó, nguồn nước là yếu tố quyết định cho cả sản lượng và chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, để kiểm soát nguồn nước ở đây quả là một thách thức không nhỏ. Vì chúng ta đang ở cuối nguồn của một trong những dòng sông dài nhất thế giới, sông Cửu Long. Và các nước ở thượng nguồn như Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia cũng xem nước là thứ trời cho nên tất cả các chất thải của thành phố, khu công nghiệp cũng tuồn hết xuống sông.
Do đó, việc “khuyên” họ hãy giữ gìn nguồn nước thì khó hơn nhiều việc chúng ta tự “khuyên” lẫn nhau và tìm những phương án tốt để bảo vệ nguồn nước. Đáng lo là các “kho” dự trữ nước ngọt lớn nhất của ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã biến thành ruộng lúa từ lâu rồi!
Vì vậy, để bảo đảm không thiếu lương thực trong tương lai thì việc gìn giữ nguồn nước là điều cấp bách nhất cần phải làm.
Chúng ta đang phấn đấu để phát triển bền vững, tức là nhằm thỏa mãn một cách công bằng các nhu cầu của con người ở một mức độ cao hơn. Vì vậy, việc phân phối nước, cả về số lượng và chất lượng, cho từng thửa ruộng sẽ là thước đo mức độ bền vững của nền sản xuất nông nghiệp và sự hưởng thụ nước của mỗi người sẽ là thước đo mức độ phát triển bền vững của toàn xã hội.
TS. DƯƠNG VĂN NI