Nước ngoài quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa thế nào?
Phan Minh Ngọc
(KTSG) – Thời gian gần đây liên tục chứng kiến hàng loạt vụ “sập” của các sàn giao dịch “tiền ảo” – tiền mã hóa, forex và vàng ở Việt Nam. Mà không chỉ ở Việt Nam…
Lấy ví dụ ở Singapore. Tháng 12-2018, cảnh sát nước này cảnh báo từ tháng 9 đến tháng 11-2018 có bảy người bị lừa với tổng số tiền 78.000 đô la Singapore từ các bài đăng trên mạng (thực chất là quảng cáo trả tiền) chứa thông tin sai sự thật rằng những người khả tín ở Singapore (phó thủ tướng hay diễn viên nổi tiếng) đã “chia sẻ” rằng họ đầu tư vào bitcoin và thắng lớn (viết đến đây tự nhiên tôi lại nghĩ đến chuyện một ca sĩ hình như cũng có tiếng ở Việt Nam mới lên tiếng trên báo khoe đã đầu tư và thắng lớn vào tiền ảo, tất nhiên cũng thòng thêm cảnh báo rằng đầu tư tiền ảo là rủi ro, ngoài tuyên bố sẽ làm từ thiện. Lúc đọc xong cái sự “chia sẻ” của ca sĩ này tôi đã thấy… đầy dấu hỏi).
Trong các bài quảng cáo nói trên có link dẫn đến một trang web khác mời chào đầu tư qua hình thức mua bán tiền ảo hay các sản phẩm tài chính khác. Nạn nhân sau khi đã cung cấp thông tin cá nhân sẽ được “đại diện” của các nơi “giao dịch” này gọi và hướng dẫn nộp tiền qua thẻ tín dụng rồi… xong!
Điểm chung của các loại sàn với nền tảng có rủi ro lớn lừa đảo, phạm pháp là không có trụ sở hữu hình và không được cấp phép hoặc công nhận bởi các cơ quan chức năng của nước sở tại. |
Một vụ khác mới “lộ” hồi tháng 3-2021 liên quan đến nền tảng giao dịch tiền ảo Torque, đăng ký dưới một địa chỉ không đầy đủ tại British Virgin Islands, có 80 nhân viên ở Singapore và Việt Nam (20 người là công dân Singapore), được điều hành bởi Bernard Ong, người Singapore.
Theo đó, có ít nhất 70 trình báo gửi cảnh sát vì đã bị mất đến nhiều triệu đô la đầu tư vào tiền ảo trên nền tảng này. Nạn nhân nhận được thông báo từ nền tảng rằng một nhân viên cấp cao của Torque đã vi phạm quy định của công ty và rằng hành động giao dịch không được phép của nhân viên này hồi tháng 2 đã gây thiệt hại lớn cho các tài khoản khách hàng.
Ong cũng gửi thư đến các nhà đầu tư cho biết giao dịch sẽ bị đình chỉ để ngăn ngừa thua lỗ tiếp tục, và sau khi việc điều tra kết thúc thì khách hàng có thể chọn tiếp tục giao dịch hoặc rút ra số tiền còn lại và đóng tài khoản. Ngoài ra, Ong đã nộp đơn tố cáo nhân viên vi phạm đến cảnh sát nhưng nhân viên này không có ở Singapore và… không thể liên lạc được!
Với những trò lừa đảo và vụ mất tiền không chỉ trong mà còn ở ngoài Việt Nam như vậy nên chắc nhiều người Việt bây giờ nghe đến chữ “nền tảng” hoặc “sàn” là sợ và nghi ngờ tắp lự, trừ hai cái sàn chứng khoán của Việt Nam. Điều này dường như càng được củng cố thêm bởi cái tin nóng hổi gần đây về sàn tiền ảo lớn nhất thế giới Binance đang bị Mỹ điều tra vì tội rửa tiền.
Binance được thành lập ở “thiên đường thuế” Cayman, có văn phòng ở Singapore mà không có trụ sở công ty (theo giải thích của CEO của nó là vì bitcoin cũng không có trụ sở. Phải nói thêm là ông này luôn lảng tránh câu hỏi trụ sở của Binance ở đâu)(1).
Không chỉ vậy, nhiều người chắc cũng đang rất băn khoăn tại sao ở những nước có pháp luật nghiêm minh và uy tín tài chính cao như Singapore mà cũng “chứa chấp” các loại sàn cùng các sản phẩm đáng ngờ, dễ dẫn đến các hành vi phạm pháp như vậy.
Hoàn toàn không phải vậy. Trở lại vụ bảy người Singapore bị lừa nói trên, cảnh sát đã nói rõ các trò “đầu tư” này thường được tiến hành bên ngoài Singapore và không được cấp phép bởi cơ quan chức năng của Singapore. Nói cách khác, các trò lừa đảo này cũng khá tương đồng với các trò diễn ra ở Việt Nam trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là tính bất hợp pháp, hoạt động không được cấp phép. Như vậy, đầu tư trên các sàn này đơn thuần chỉ là các trò lừa đảo, chứ chính quyền không hề liên quan hay dung túng, ủng hộ.
Tương tự như vậy, trong vụ Torque, Ong cũng giải thích (lý do tại sao lại đăng ký hoạt động tại British Virgin Islands) rằng chi phí hoạt động 24 giờ/ngày ở Singapore là quá cao và rằng quần đảo này thân thiện hơn với tiền ảo và không có khuôn khổ pháp luật cho “tiền ảo”. Như vậy, cũng có thể nói Torque cũng hoạt động ngoài Singapore và không được/không phải do Singapore cấp phép.
Còn trong vụ Binance, công ty này cũng đăng ký tại một thiên đường thuế (Cayman), hay nói cách khác là chẳng ai kiểm soát, chế tài hoạt động của nó. Binance trong vụ điều tra của Mỹ là Binance Holdings, tức là cái doanh nghiệp đăng ký tại Cayman, chứ không phải là (văn phòng) Binance ở Singapore, được đăng ký dưới cái tên Binance Asia Services Pte. Ltd., với ngành nghề “các dịch vụ tư vấn quản lý khác”.
MAS – ngân hàng trung ương Singapore cũng không cấp phép cho Binance Asia Services mà chỉ miễn giấy phép cho nó trong vòng sáu tháng cho đến ngày 28-7-2020 cho hoạt động cung cấp các dịch vụ tiền ảo như quy định tại Luật Dịch vụ thanh toán (PS Act) được ban hành và có hiệu lực từ tháng 1-2020.
Trong thông báo miễn giấy phép này trên trang web của mình, MAS nói rõ là sự miễn này sẽ chấm dứt vào ngày đến hạn hoặc vào ngày mà công ty nộp đơn xin cấp phép (và được phê chuẩn/từ chối bởi MAS hoặc được công ty rút lại)(2). Nhưng cho đến nay, MAS không có thông báo nào khác (trên trang web của họ) liên quan đến (miễn) giấy phép của Binance nên suy ra là sự miễn giấy phép này đã hết hạn và các dịch vụ tiền ảo của nó theo PS Act là không được cấp phép (tiếp tục).
Tóm lại, điểm chung của các loại sàn với nền tảng có rủi ro lớn lừa đảo, phạm pháp là không có trụ sở hữu hình (mà thường là được đăng ký ở những thiên đường thuế tuy thực nhưng lại là ảo bởi không cần phải có trụ sở thật và hầu như không bị bất cứ chế tài nào của nơi đăng ký) và không được cấp phép hoặc công nhận bởi các cơ quan chức năng của nước sở tại (tức nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ).
Chính sách của Singapore Nói thêm một chút về chính sách và thái độ ứng xử liên quan của Singapore. Ở Singapore việc mua bán, kinh doanh tiền ảo là hợp pháp và chính phủ nước này có một thái độ thân thiện hơn về vấn đề này so với các nước khác trong khu vực. Dù Singapore cũng không công nhận tiền ảo như bitcoin là một loại tiền pháp định nhưng họ lại coi nó là một hàng hóa và đánh thuế giá trị gia tăng lên việc mua bán tiền ảo. Đồng thời, MAS giữ một lập trường trung lập trong sự phát triển của tiền ảo: năm 2017 họ tuyên bố không chế tài tiền ảo nhưng sẽ chế tài các token thanh toán số (Digital Payment Token) nếu các token này được coi là “chứng khoán”. Tuy vậy, giới chức Singapore như cảnh sát và MAS đã liên tục đưa ra các cảnh báo về tính rủi ro của việc đầu tư vào tiền ảo để nhà đầu tư tiền ảo thận trọng và tỉnh táo để không bị lừa hoặc thua lỗ nặng nề. Ngoài ra, MAS nhấn mạnh rằng tiền ảo chịu sự quản lý của các chế tài luật hiện hành về rửa tiền và tài trợ khủng bố như với tiền pháp định. Và như đã nói, PS Act được ban hành và có hiệu lực từ tháng 1-2020 trao quyền cho MAS để quản lý các sàn giao dịch tiền ảo và các doanh nghiệp tiền ảo, và yêu cầu chúng phải có giấy phép hoạt động do MAS cấp. Danh sách các sàn giao dịch và doanh nghiệp tiền ảo có giấy phép được nêu rõ trên trang web của MAS và các nhà đầu tư được khuyến cáo trước khi đầu tư cần kiểm tra xem sàn hay doanh nghiệp liên quan có trên đó không. |
(1) https://sg.news.yahoo.com/binance-doesn-t-headquarters-because-164521105.html
(2) https://www.mas.gov.sg/regulation/payments/entities-that-have-notified-mas-pursuant-to-the-ps-esp-r