Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nước sạch mà…. chưa sạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nước sạch mà…. chưa sạch

Thùy Dung

Nước sạch mà…. chưa sạch
Quang cảnh hội nghị – Ảnh: Thuỳ Dung

(TBKTSG Online) – Sau 14 năm thực hiện chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho khu vực nông thôn, mặc dù tỷ lệ người dân được cung cấp nước hợp vệ sinh khá cao nhưng tỷ lệ nước sạch theo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đưa ra lại thấp hơn nhiều.

Theo nhiều đại biểu, để tăng tỷ lệ cung cấp nước sạch trong thời gian tới, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chương trình này.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến về Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 24-7.

Chương trình này là một trong bảy mục tiêu thiên niên kỷ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Sau 14 năm triển khai, với số tiền chi ra gần 21.000 tỉ đồng, kết quả đạt được không như mong muốn. Số liệu Bộ NN-PTNT cho thấy, đến hết năm 2013, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,5% nhưng mới có 38,7% hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dự kiến đến hết năm 2014, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 42%.

Hơn nữa, việc triển khai chương trình này tới nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là do khó thu hút nguồn vốn tư nhân.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho hay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 40 xã và 37 điểm trường chính chưa được cung cấp nước sạch. Điều này, theo ông Cương là do tỉnh vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia, trong khi một số doanh nghiệp nhỏ năng lực còn yếu.

Ngoài ra, chương trình này còn gặp những khó khăn như tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới nguồn nước sạch. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, nơi đa số hộ nghèo sinh sống thì tỷ lệ cấp nước sạch còn thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, điều đáng lo ngại là tính bền vững của công trình cấp nước ở nhiều nơi còn hạn chế, làm giảm tác dụng của chương trình, gây dư luận và bức xúc trong xã hội.

Tuy nhiên, cũng có một ví dụ điển hình là tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch. Ông Phạm Văn Ca – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, UBND tỉnh đã quy hoạch toàn bộ hệ thống công trình nước sạch trên địa bàn. Đồng thời đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư như hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng theo công suất…

Sau hai năm tỉnh Thái Bình có cơ chế đặc thù, doanh nghiệp đã vào cuộc. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng vẫn còn khó khăn, nên tỉnh lại hỗ trợ 3-5 năm lãi suất vay ngân hàng, gặp mặt, tháo gỡ khó khăn… Kết quả là 100% xã có doanh nghiệp đăng ký cấp nước sạch cho nông dân.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về hợp tác công – tư làm cơ sở pháp lý để hướng dẫn, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ưu tiên nguồn vốn (bao gồm cả ODA), vốn đối ứng cho các dự án đầu tư công – tư, phục hồi và nâng cấp các hệ thống cấp nước tập trung, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo.

Kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ NN-PTNT rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình phát triển để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho NS&VSMTNT, kể cả cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư cho vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Cùng với đó, căn cứ vào quy hoạch, từng địa phương tích cực kêu gọi đầu tư thông qua các hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, vận hành, kinh doanh nước sạch nông thôn…

Tỷ lệ cung cấp nước hợp vệ sinh được các địa phương đánh giá lên tới gần 84% chủ  yếu là lọc bằng các biện pháp thô sơ như cát sỏi, hoặc nước sông đánh phèn…Nhưng nếu chiếu theo quy chuẩn nước sinh hoạt của Bộ Y tế (QCVN 02/2009/BYT) thì mới chỉ gần 40% số dân được dùng nước sạch.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới