Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nuôi tôm sạch: Hành trình gập ghềnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nuôi tôm sạch: Hành trình gập ghềnh

Ngọc Hùng

Nuôi tôm sạch: Hành trình gập ghềnh
Người dân đang thu hoạch tôm. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu đã đặt những người nuôi tôm ở Sóc Trăng phải sản xuất ra con tôm sạch, thân thiện với môi trường. Thế nhưng, hành trình đến mục tiêu nuôi tôm sạch vẫn còn nhiều thử thách, khi mà người nuôi và người thu mua vẫn còn bất đồng về quan điểm trong nhiều vấn đề quan trọng.

Sóc Trăng được xem là một trong những tỉnh đóng góp sản lượng lớn nhất cho ngành tôm Việt Nam hằng năm. Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (MTSA) ở Sóc Trăng mong muốn doanh nghiệp mua tôm sạch với giá cao hơn giá thị trường để khuyến khích người dân nuôi tôm sạch. Trong khi đó. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) lại cho rằng, việc cung cấp tôm sạch hoàn toàn là trách nhiệm của người nuôi, nên không thể lấy đây là lý do để người mua phải trả giá cao hơn.

Chưa thống nhất về quan điểm

Từ tháng 10-2010, MTSA và Vasep đã có biên bản ghi nhớ với thời hạn 4 năm để cùng sản xuất và tiêu thụ tôm sạch. Theo đó, MTSA cung cấp cho những doanh nghiệp thành viên thuộc Vasep khoảng 10.000 tấn tôm sạch/năm. Tuy nhiên, nhiều khả năng cam kết giữa hai bên sẽ không được thực hiện trọn vẹn.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch MTSA, nói rằng phương thức nuôi tôm sạch thường đòi hỏi chi phí cao hơn cách truyền thống nhưng giá mua vẫn theo giá thị trường, tương tự như giá mua tôm mà trong quá trình nuôi có sử dụng hóa chất bị cấm nhằm trị bệnh cho tôm. Như vậy, vô hình trung không khuyến khích người dân nuôi tôm sạch.

“Doanh nghiệp chế biến muốn tránh tình trạng mua phải tôm có hàm lượng chất kháng sinh bị cấm thì cách tốt nhất là ký kết hợp đồng mua tôm sạch với người nuôi. Lẽ dĩ nhiên, giá mua tôm sạch phải cao hơn mức giá bình thường. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chế biến phát hiện người nuôi không cung cấp tôm sạch thì áp dụng biện pháp phạt tiền”, ông Nhiệm đề nghị.

Tuy nhiên, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Tổng thư ký Vasep Trương Đình Hòe lại không đồng tình với ý kiến của ông chủ tịch MTSA. Theo ông Hòe, sản xuất tôm sạch là trách nhiệm của ngành thủy sản Việt Nam, trong đó, có trách nhiệm của người nuôi tôm chứ không thể nói sản xuất tôm sạch thì giá bán phải cao hơn.

Theo ông Hòe, khi mua tôm của các thành viên MTSA thì doanh nghiệp chế biến cũng phải kiểm tra kháng sinh, rồi sau đó, Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) tiếp tục kiểm tra 100% lô hàng nếu xuất đi Nhật và khi xuất khẩu đi thì cũng bị nước nhập khẩu kiểm tra thêm một lần nữa.

“Chi phí kiểm tra này do doanh nghiệp phải bỏ ra.Vậy tại sao doanh nghiệp phải mua tôm được cho là sạch, trong khi, tất cả tôm trước khi xuất đi đều phải qua 3 đợt kiểm tra kháng sinh khác nhau”, ông Hòe nói.

Chi phí kiểm tra tăng và đơn hàng giảm

Về vấn đề tôm sạch, người nuôi và người chế biến đều có những lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Trong khi chờ vấn đề này tìm được câu trả lời thì có một thực tế là ngành thủy sản Việt Nam đang dần đánh mất thị trường.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm thì năm 2011 chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để kiểm tra chất kháng sinh tăng hơn mọi năm.

Cụ thể, năm 2011, theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần và thương mại thủy sản Thuận Phước, Đà Nẵng phải chi 300.000 đô la Mỹ chỉ để kiểm tra chất kháng sinh. Số tiền này, cao hơn những năm trước gấp nhiều lần.

Ông Lĩnh giải thích, khi ao tôm bị dịch bệnh thì cách tốt nhất mà người dân làm là mua kháng sinh để phòng bệnh cho tôm. Lúc này, họ không quan tâm nhiều đến chất kháng sinh có bị cấm hay không. Người nuôi chỉ biết làm sao để cứu tôm bị bệnh để cứu cuộc sống gia đình họ.

“Chúng tôi cần tôm để đáp ứng các đơn hàng nên phải mua tôm của người dân dù biết họ sử dụng kháng sinh trước đó và để hàng làm xong không bị trả về vì kháng sinh thì phải kiểm tra 100% lô hàng. Sau đó, thêm hai đợt kiểm tra nữa để đảm bảo an toàn và uy tính của doanh nghiệp”, ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, khi chi phí đầu vào cao, buộc thủy sản Việt Nam phải bán với giá cao nên một số nhà nhập khẩu tôm của Nhật quay sang mua tôm từ Indonesia vì giá rẻ hơn.

Do phải kiểm tra kháng sinh 100% lô hàng trước khi xuất đi nên nhiều doanh nghiệp không dám ký nhiều hợp đồng như những năm trước vì xuất nhiều, khả năng bị trả hàng lại càng lớn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Út Xi, Sóc Trăng thừa nhận, do người nuôi tôm sử dụng kháng sinh ngày càng tăng nên năm 2012 số lượng hợp đồng cũng giảm nhiều.

“Nếu so với năm 2011 thì năm nay hợp đồng bán hàng của công ty giảm 50% vì chúng tôi không muốn ký hợp đồng quá nhiều khi mà người nuôi cứ sử dụng chất kháng sinh tràn lan như hiện nay”, ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Hòe từ Vasep, để giải quyết bài toán tôm sạch thì phải có một hệ thống kiểm soát đồng bộ từ người nuôi, các đại lý cung cấp thuốc thú y đến người chế biến. Và, một khi chưa làm được việc này thì câu chyện tôm sạch không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Như thế, gánh nặng chi phí kiểm tra chất kháng sinh vẫn đè nặng lên vai doanh nghiệp nhưng không ai dám chắc là hàng không bị trả về vì có kháng sinh.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2011 có khoảng 10% diện tích nuôi tôm (khoảng 60.000 héc ta) mất trắng hoàn toàn vì dịch bệnh. Thực tế, để cứu ao tôm khỏi dịch bệnh, cách hiệu quả nhất là sử dụng những kháng sinh dùng trong ngành nông nghiệp nhưng bị cấm dùng cho thủy sản.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới