Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nuôi trồng thủy sản đang “giết” môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nuôi trồng thủy sản đang “giết” môi trường

Nghề nuôi và chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang khá phát triển nhưng lại đang gây nhiều nỗi lo về môi trường. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Tại hội thảo “Các giải pháp công nghệ và quản lý kiểm soát chất thải nuôi trồng và chế biến thủy sản” tổ chức tại An Giang vào cuối tuần qua, nhiều nhà khoa học và đại diện các cơ quan quản lý đều thừa nhận tình trạng ô nhiễm do nuôi trồng và chế biến thủy sản đã ở mức báo động.

Tự mình hại mình

Hồi đầu tháng 1-2007 và cùng kỳ năm 2008, cá tra nuôi ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, thi nhau phơi bụng. Hàng loạt chủ ao, bè nuôi khóc ròng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, đó là hậu quả của nước thải phát sinh trong quá trình nuôi cá được xả vào dòng sông trong một thời gian dài khiến khả năng tự làm sạch của sông bị suy giảm, nguồn nước ô nhiễm.

Thế nhưng, khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, nhiều nông dân vẫn cứ đổ cho ô nhiễm từ nơi khác… mà không ngờ rằng đó là cái giá phải trả của chính mình.

Ngoài nguyên nhân thời tiết thất thường, chính chất thải từ nuôi trồng và chế biến thủy sản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước mặt ở ĐBSCL. Theo Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Nước và Công nghệ môi trường, các nguồn thải từ nuôi trồng thủy sản khiến môi trường nước bị biến đổi.

Số liệu quan trắc tại sông Tiền đoạn thuộc địa phận tỉnh An Giang cho thấy, hàm lượng BOD đã ở mức 5 mi li gam/lít, SS là 400 mi li gam/lít… Còn tại địa phận tỉnh Vĩnh Long, hàm lượng BOD là 6,5 mi li gam/lít, SS cũng ở mức 54,17 mi li gam/lít, ammoniac là 0,46 mi li gam/lít…

“Môi trường nước ở vùng ngọt hóa hiện đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ; còn vùng mặn, hàm lượng sắt trong nước tăng cao, ảnh hưởng ngược lại đến việc nuôi thủy sản… Hậu quả là tôm nuôi ven biển chết hàng loạt trong những năm qua, cá da trơn cũng không tránh được tình trạng tương tự”, ông Triết nói.

Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL tăng mạnh trong những năm qua. Nếu như năm 2000 chỉ có 445.300 héc ta với sản lượng 365.141 tấn thì năm 2005 đã đạt 685.000 héc ta, sản lượng khoảng 983.384 tấn.

Riêng con cá tra, tổng sản lượng hiện đã đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh An Giang, để có được 1 ki lô gam cá thương phẩm, người nuôi cần 1,3-1,8 ki lô gam thức ăn công nghiệp hoặc 2-2,5 ki lô gam thức ăn tự chế. Trong đó, lượng thức ăn thất thoát ra môi trường nước chiếm khoảng 15%.

Còn với tôm sú nuôi theo dạng công nghiệp, để có được 1 tấn tôm đúng kích cỡ thì môi trường phải “hứng” 347 ki lô gam chất ô nhiễm hữu cơ. Tính ra, với diện tích nuôi hơn 530.000 héc ta như hiện nay ở ĐBSCL, mỗi năm có đến 89.917 tấn chất thải phát sinh. Trong khi đó, hầu như tất cả các ao nuôi đều thải trực tiếp ra sông rạch mà không qua bất kỳ một hình thức xử lý nào. 

Tính toán của Tiến sĩ Bùi Văn Luận, cán bộ Công ty Mekong (TPHCM), cho thấy với sản lượng cá da trơn nuôi đạt 1,5 triệu tấn ở ĐBSCL hiện nay, thì có khoảng 1.593.750 tấn chất thải hữu cơ được xả thẳng ra nguồn nước.

Riêng tại An Giang, theo Sở Tài nguyên – Môi trường, 1 héc  ta ao nuôi thải ra khoảng 1.800 mét khối/ngày và nếu toàn tỉnh có 106 ao nuôi thì lượng chất thải lên tới khoảng 190.000 mét khối/ngày với lượng BOD5 lên đến 9,5 tấn/ngày – tương đương một khu dân cư 0,4 triệu dân xả nước thải không qua xử lý! Và nước thải từ ao này được chủ ao khác vô tư bơm vào, lưu truyền tiếp tục chất độc hại, mầm bệnh…

Ngoài ra, mỗi héc ta ao nuôi cá sẽ tích tụ khoảng 1.000 mét khối bùn lắng vào cuối mỗi vụ. Bùn này gồm các chất ô nhiễm như thức ăn thừa, hóa chất trị bệnh cá… có thể gây thoái hóa đất, làm chết cá. Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường An Giang, ở huyện Châu Phú có tới 33%, Chợ Mới có 25% và thành phố Long Xuyên 40% số hộ nuôi không phơi bùn cuối vụ mà nạo vét, thải thẳng ra sông rạch.

Còn tại các nhà máy chế biến thủy sản, để có 1 tấn cá, tôm thành phẩm thì phát sinh 0,07- 1,05 tấn chất thải. Riêng tại An Giang, ước tính các nhà máy thải ra từ 4,5-6 triệu mét khối nước thải/năm. Nước thải có nồng độ chất hữu cơ dao động từ vài trăm đến hàng ngàn mi li gam/lít.

Trong khi hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, cán bộ Công ty Xử lý chất thải công nghiệp và tư vấn môi trường Văn Lang, chỉ có hơn 100 trên tổng số 400 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản trong cả nước đầu tư hệ thống xử lý nước thải, và chỉ khoảng 50 trong số đó có hệ thống xử lý đạt yêu cầu. Do đó, hàng năm môi trường phải tiếp nhận một lượng rất lớn chất thải chưa qua xử lý từ các cơ sở, nhà máy chế biến. 

Khó giải quyết 

Tại hội thảo nói trên, các nhà khoa học đã giới thiệu nhiều kỹ thuật, phương thức xử lý môi trường có thể áp dụng tốt trong nuôi trồng và chế biến thủy sản, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc ứng dụng đại trà các kỹ thuật, công nghệ này không đơn giản!

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, do muốn có sản lượng nuôi tối đa để tăng lợi nhuận, người nuôi cá ngoài việc tăng mật độ thả thì luôn tận dụng tối đa diện tích sẵn có. Do đó, việc làm ao lắng, ao xử lý – tốn thêm diện tích mà không sinh lợi nhuận, chỉ là trên ý tưởng! Thậm chí, khi được hướng dẫn kỹ thuật xử lý nước thải để hạn chế ô nhiễm, người nuôi vẫn phớt lờ.

Ông Nguyễn Thế Vinh, cán bộ trường Đại học Bách khoa TPHCM, nói rằng nông dân Nhật quan tâm chủ yếu đến việc sử dụng hiệu quả nguồn thức ăn trong quá trình nuôi thủy sản, giảm thiểu lượng thức ăn dư thừa sinh ô nhiễm. Nhưng ở ĐBSCL, khó có thể giúp người nuôi thủy sản áp dụng phương pháp đó khi mật độ nuôi quá cao.

Giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi trường tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh Liêm thì cho rằng, nguyên nhân một phần cũng do Nhà nước chưa ban hành các quy định chế tài cụ thể đối với những người không đảm bảo các điều kiện an toàn môi trường và chưa xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Do đó, giải pháp trước mắt chỉ là vận động suông, nhất là khi những tiêu chuẩn như SQF 1000, GAP… chưa phải là bắt buộc đối với người nuôi khi muốn tiêu thụ sản phẩm.

Còn tại các nhà máy chế biến, nếu đầu tư công nghệ xử lý vi sinh có công suất vừa phải đã mất trên dưới 1 triệu đô la Mỹ nên không ít doanh nghiệp ngán ngại. Mặt khác, khá nhiều trường hợp dù đã đầu tư hệ thống xử lý nhưng chỉ vận hành khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Nguyên nhân, theo một chuyên gia ngành thủy sản, một hệ thống xử lý áp dụng công nghệ vi sinh có công suất 500 mét khối/ngày thì chi phí vận hành, mua hóa chất xử lý bình quân đã lên đến 45 triệu đồng/tháng…

HỒ HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới