Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ô nhiễm đe dọa môi trường nước ĐBSCL  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ô nhiễm đe dọa môi trường nước ĐBSCL  

Môi trường nước ĐBSCL đang bị đe dọa ô nhiễm bởi việc ồ ạt nuôi trồng thủy sản vượt quá ngưỡng giới hạn của nguồn nước – Ảnh: Tư liệu

(TBKTSG Online) – Tình trạng nông dân ĐBSCL đổ xô nuôi cá tra, cá ba sa đang  góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường nước nơi đây. TBKTSG Online đã trao đổi với cựu Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, ông Tạ Quang Ngọc, xung quanh vấn đề này.  

TBKTSG Online: Thưa ông, nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL đang đổ xô mua đất để đào ao nuôi cá tra và đang tạo ra một cơn sốt đất ao đìa ở đây. Thậm chí có địa phương như Bến Tre phải cấm nuôi cá tra dọc sông Ba Lai do ô nhiễm môi trường. Điều này có đúng với quy hoạch phát triển thuỷ sản ĐBSCL của Bộ Thuỷ sản trước đây?

Ông Tạ Quang Ngọc: Theo quy hoạch phát triển thuỷ sản ĐBSCL tới năm 2010 thì sản lượng cá tra, cá ba sa vùng này đạt 1 triệu tấn vào năm 2010. Tuy nhiên, năm ngoái sản lượng cá ở đây đã đạt 800.000 tấn và với đà phát triển nóng như hiện tại thì năm nay sản lượng cá tra, cá ba sa ở đây vượt con số một triệu tấn là điều không có gì phải bàn luận. Có nghĩa sản lượng cá đã vượt qua dự đoán của ngành thuỷ sản tới ba năm.

Với giá cá nguyên liệu khoảng 1 đô la Mỹ mỗi kg trong năm ngoái thì nông dân ĐBSCL thu được 800 triệu đô la Mỹ, còn năm nay nếu cứ tính mức giá cũ thì một triệu tấn có nghĩa là nông dân thu về một tỉ đô la Mỹ chứ đâu phải ít. Nhưng trên thực tế thì giá cá đang ở mức cao, nông dân thu nhiều hơn và đây là lực hút cho đầu tư nuôi cá ồ ạt của nông dân.  

Việc đầu tư nuôi cá ồ ạt sẽ nảy sinh hai vấn đề lớn mà người chăn nuôi chưa lường hết được. Thứ nhất thị trường tiêu thụ cá ba sa, cá tra trên thế giới không phải là vô tận. Giá cá nguyên liệu mà nông dân bán cho các nhà máy chế biến phụ thuộc vào giá đầu ra của thị trường thế giới. Nếu giá đầu ra giảm xuống thì đó là tai hoạ cho người nuôi cá khi họ đầu tư quá nhiều vào nuôi cá. Thứ hai là giới hạn của nguồn nước nuôi cá, tức môi trường nước chấp nhận sản lượng cá nuôi tới mức nào. Đây thực sự là vấn đề lớn mà ít ai nghĩ tới.

Vậy theo ông, nuôi cá hiện nay đã vượt qua giới hạn của nguồn nước?

Cựu Bộ trưởng Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc -Ảnh: HỒNG VĂN

Thực tế có không ít người nuôi cá cứ nghĩ có ao đìa, lấy được nước ngọt là có thể nuôi cá được. Lâu nay ở ĐBSCL, các cơ quan quản lý và cả người dân đều nghĩ rằng nên “ngăn mặn, giữ ngọt” để trồng lúa hay nuôi cá, mà quên đi yếu tố liệu nguồn nước ngọt ở đây có đủ sức chứa lượng phế thải do nuôi cá tạo ra hay không? Nếu lấy mốc 1 triệu tấn cá ba sa, cá tra trong năm nay, có nghĩa nông dân phải đổ vào ao hồ ít nhất 1,5 triệu tấn thức ăn tinh. Với cung cách nuôi như hiện nay, nông dân vừa sử dụng thức ăn tinh, vừa cho cá ăn bằng các loại thức ăn mà họ tự tìm kiếm được thì sản lượng thức ăn đổ xuống ao hồ ít nhất ba triệu tấn, đủ thấy lượng chất thải do nuôi cá đổ ra sông Tiền, sông Hậu lớn tới mức độ nào.  

Một khi lượng chất thải do nuôi cá vượt quá sức chứa của nguồn nước ngọt ở đây, sẽ dẫn tới phá vỡ cân bằng sinh thái của môi trường nước ngọt. Lúc đó, không chỉ thiệt hại cho chính nguời nuôi cá như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nuôi ở từng ao đìa cụ thể của nông dân, mà tác động xấu tới nguồn nước ngọt trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nguồn nước cho sinh hoạt của cư dân.  

Trên thế giới đã từng có một số nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngọt, mà thiệt hại về vật chất và đời sống của người dân khó lòng đo đếm hết được, chính quyền nhiều nước cũng phải dành một ngân sách khổng lồ để khắc phục ô nhiễm môi trường nước ngọt.

Nhưng liệu nuôi cá ở ĐBSCL hiện nay đã tới ngưỡng của giới hạn đó và trong quy hoạch phát triển thủy sản ĐBSCL tới năm 2010 đã tính tới khả năng chứa đựng chất thải của quá trình nuôi cá?  

Bộ Thuỷ sản cũ có quy hoạch phát triển thuỷ sản ĐBSCL nhưng bản thân của quy hoạch thuỷ sản không thôi thì không thể xác định việc nuôi cá như hiện nay đã tới ngưỡng của khả năng chịu đựng của nguồn nước ngọt hay chưa, mà đòi hỏi phải phối hợp với quy hoạch của nhiều ngành như quy hoạch phát triển thuỷ lợi, quy hoạch phát triển công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, chất thải đổ ra hệ thống sông rạch ở ĐBSCL đâu chỉ là do nuôi cá, mà còn là chất thải của công nghiệp, sinh hoạt dân cư. Thậm chí là nghiên cứu chuyên sâu về môi trường nước, hệ sinh thái nguồn nước của các cơ quan khoa học chuyên ngành.  

Giữa năm nay, trước khi Bộ Thuỷ sản nhập về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi đã yêu cầu các cơ quan khoa học trong ngành thuỷ sản, phối hợp với các nhà khoa học có liên quan trên cả nước nghiên cứu một cách tổng thể khả năng nuôi trồng thuỷ sản ở ĐBSCL tới mức nào mà không gây hiểm hoạ cho môi trường.

Cám ơn ông!

HỒNG VĂN thực hiện  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới