Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ô nhiễm môi trường nông thôn đáng báo động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ô nhiễm môi trường nông thôn đáng báo động

Thùy Dung

Ô nhiễm môi trường nông thôn đáng báo động
Bảo vệ môi trường thủy sản là một trong những cam kết có trong TPP – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) –  Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bất hợp lý trong trồng trọt cùng với việc không kiểm soát tốt xả thải trong chăn nuôi đang khiến cho môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng, theo một hội nghị về môi trường nông thôn diễn ra tại Hà Nội hôm nay, 16-10.

Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 16-10 tại Hà Nội, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho rằng môi trường nông thôn đang bị tàn phá do trồng trọt, chăn nuôi không được kiểm soát tốt.

Ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, cho hay tình trạng sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian bón, phương thức bón cho cây trồng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón vô cơ trong thời gian gần đây khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và độ màu mỡ của đất giảm.

Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại và phần lớn không thu gom mà vứt bừa bãi ra đồng ruộng, kênh mương gây ô nhiễm môi trường trong vùng sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp có xu hướng gia tăng, thiếu kiểm soát. Thống kê của Cục BVTV cho thấy mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng từ 70.000 đến hơn 116.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV. Ước tính lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, tức là số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc BVTV lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm.

“Lượng bao bì này không được thu gom đã gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái và là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng,” ông Thanh nói.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, cũng trong năm 2014, theo ước tính khối lượng chất thải rắn của vật nuôi là hơn 82 triệu tấn, trong đó chỉ khoảng 60% số chất thải này được xử lý, còn lại thường được xả trực tiếp ra môi trường.

Hơn nữa, tình trạng giết mổ cũng không khả quan. Hiện cả nước còn tồn tại gần 35.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phần lớn điểm giết mổ nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, chỉ có 35,8% trong số đó được kiểm soát.

Đối với lĩnh vực thủy sản, theo ông Đinh Vũ Thanh, đa số vùng nuôi không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải, việc kiểm soát môi trường ao nuôi, xử lý nước thải còn nhiều bất cập dẫn đến lượng chất thải gây ô nhiễm từ ao nuôi rất lớn, hầu hết lượng chất thải này chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường khu vực và ảnh hưởng ngược trở lại  vùng nuôi trồng thủy sản.

Thực tế, theo nhiều chuyên gia, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tăng trưởng xuất khẩu và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Đây cũng là biện pháp để tránh được những rào cản thương mại và biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật khi Việt Nam ngày càng ký nhiều Hiệp định Thương mại tự do.

Ví dụ, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết có hẳn một chương về môi trường. Theo bản tóm tắt các kết quả đạt được của riêng lĩnh vực đánh bắt thủy, hải sản, 12 thành viên nhất trí về việc thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường và không làm suy giảm hệ thống pháp luật về môi trường nhằm mục đích khuyến khích thương mại và đầu tư.

Đồng thời, 12 nước nhất trí quản lý bền vững nghề cá, thúc đẩy việc bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng, ví dụ như cá mập, đấu tranh chống đánh bắt trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực nhất dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá. Các hình thức trợ cấp này ảnh hưởng tiêu cực đến dự trữ cá và tiếp tay cho các hoạt động đánh bắt trái phép không được thống kê và không được pháp luật quy định.

Như vậy, vấn đề bảo vệ môi trường là việc làm cấp bách, không chỉ vì hệ sinh thái trong nước mà còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.

Trong 5 năm qua, ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn là hơn 147 tỉ đồng, theo thông tin từ hội nghị.

Đọc thêm:

Ngư dân bỏ cá ngừ đại dương, chọn cá chuồn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới