Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ô nhiễm sông Thị Vải: nhà quản lý chỉ làm tốt chuyện quan trắc!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ô nhiễm sông Thị Vải: nhà quản lý chỉ làm tốt chuyện quan trắc!

Quyền tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Hội thảo quan trắc sông Thị Vải diễn ra tại Đồng Nai sáng nay 23 – 9 – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Đối chiếu số liệu quan trắc từ tháng 5-2006 đến tháng 8-2008, các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo hiện nay vùng ô nhiễm nặng của sông Thị Vải đã kéo dài thêm 5 km nữa, đồng thời một số chỉ số ô nhiễm cũng tăng thêm hàng trăm lần.

Ô nhiễm ngày càng tăng và lan rộng

Tại buổi hội thảo về quan trắc và giám sát môi trường sông Thị Vải được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai sáng 23-9, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm quan trắc và thông tin môi trường (Bộ tài nguyên môi trường) đưa ra cảnh báo, nếu không sớm ra tay mạnh với các doanh nghiệp gây ô nhiễm ven lưu vực, dự báo đến năm 2010, vùng ô nhiễm nặng của con sông này sẽ lan rộng đến 40 km bao phủ cả khu vực thượng nguồn con sông này.

Sông Thị Vải có tổng chiều dài khoảng 76 km, diện tích lưu vực khoảng 300 km2, kéo dài từ xã Nhơn Thọ, huyện Long Thành (Đồng Nai) đến huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu), huyện Cần Giờ (TPHCM) và đổ ra biển Đông qua vịnh Gành Rái (Bà Rịa-Vũng Tàu).

“Ngoài lưu lượng trên 33 ngàn m3 nước thải công nghiệp đổ vào sông Thị Vải mỗi ngày, hiện còn một lượng nước thải không nhỏ từ các trại chăn nuôi gia súc và nước thải sinh hoạt ven lưu vực cũng góp phần tăng mức độ ô nhiễm con sông này kéo dài từ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch đến xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Tùng nói.     

Theo tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, các chỉ số ô nhiễm trong nước sông như nhu cầu ô-xy sinh hóa (BOD5), nhu cầu ô-xy hóa học (COD), nitơ amonia (N-NH3) đo được mới đây tại khu vực tập trung các khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực Công ty Vedan và Nhà máy xi măng Holcim là rất cao.

Nghiêm trọng nhất là ô nhiễm vi sinh (coliform) đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 21-445 lần so với cách đây 2 năm.            

Một số nhà khoa học còn nhận định ngoài nguyên nhân khả năng tự làm sạch nguồn nước rất kém do chế độ dòng chảy bán nhật triều khiến khối nước ô nhiễm chưa kịp trôi ra cửa biển đã bị thủy triều đẩy ngược trở lại. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là việc quản lý các doanh nghiệp xả thải quá yếu kém nhiều năm qua cũng làm ô nhiễm con sông trở nên trầm trọng hơn.            

Theo số liệu thống kê, có khoảng 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại 11 khu công nghiệp ven lưu vực sông Thị Vải, trong đó, có 77 doanh nghiệp nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm cao.            

Nhưng ngành quản lý chỉ mới làm tốt khâu quan trắc!     

Ông Phan Văn Hết, phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải, chính quyền địa phương đang tập trung làm 2 việc chính là tăng cường yêu cầu doanh nghiệp xử lý nước thải tại nguồn và tăng cường hệ thống quan trắc tự động nước sông Thị Vải.            

“Cụ thể, hễ doanh nghiệp nào có lượng nước thải 100 m3 một ngày trở lên là buộc phải có hệ thống xử lý nuớc thải cục bộ”, ông Hết nói.

Theo nhận xét của giáo sư Đoàn Cảnh thuộc Viện Sinh học nhiệt đới (người đã từng đưa ra cảnh báo ô nhiễm sông Thị Vải từ năm 1997), một thực tế cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập là mặc dù đã xác định nguồn nước sông Thị Vải đã suy thoái từ lâu, nhưng các nhà khoa học và cơ quan chức năng từ cấp bộ đến địa phương chỉ quanh quẩn ở khâu quan trắc, đo đạc số liệu mà không thấy đề ra chương trình phục hồi ô nhiễm một cách cụ thể nào.

Ông Cảnh cho biết bây giờ mà nói đến chuyện quan trắc, khảo sát ô nhiễm môi trường sông Thị Vải là quá muộn, cái quan trọng nhất chính là những giải pháp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng.

Ông Bùi Cách Tuyến, quyền tổng cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên môi trường) cho biết, dự kiến trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký phê duyệt quy chế hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Khi đó, các vấn đề khó khăn về quy chế quản lý ô nhiễm sông Thị Vải (thuộc lưu vực sông Đồng Nai) và hoạt động khảo sát quan trắc sẽ được giải quyết.

Trả lời câu hỏi của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên môi trường đến đâu, liệu những hành động sau này của Bộ Tài nguyên môi trường là quá chậm so với những vi phạm xâm hại môi trường kéo dài của các doanh nghiệp, cụ thể là Công ty Vedan, vẫn lại điệp khúc “khảo sát” như cũ, ông Tuyến cho rằng những năm vừa qua, bộ đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát ô nhiễm nước sông Thị Vải.

Về chuyên môn thì bộ chỉ có khảo sát, tập trung thông tin, số liệu và công bố thông tin để công luận biết, chức năng của Bộ Tài nguyên môi trường chỉ có vậy thôi!

Tuy nhiên, đề cập đến trách nhiệm quản lý để xảy ra vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải nhiều năm qua, ông Tuyến lại cho rằng bất cứ một hoạt động của doanh nghiệp nào đều chịu sự quản lý bởi lãnh đạo địa phương nơi đó.

Khi được đặt vấn đề về cách thức điều hành, xử lý của Bộ Tài nguyên môi trường là quá chậm trước chuyện con sông Thị Vải đã bị giết chết từ lâu mà câu chuyện Vedan xả thải chưa qua xử lý suốt 14 năm trời là một điển hình, ông Tuyến trả lời rằng thực tế chuyện phát hiện ra Vedan cũng do ý kiến phản ánh của người dân đến đoàn đại biểu Quốc hội hồi tháng 7-2008 vừa qua nhờ gửi đơn yêu cầu Chính phủ tìm cách giúp giải quyết việc này.

“Trách nhiệm giải quyết vấn đề doanh nghiệp gây ô nhiễm đã được Chính phủ phân công, phân cấp cho các địa phương. Bộ chỉ có trách nhiệm hỗ trợ về công nghệ và mặt pháp lý, pháp chế cho các địa phương”, ông Tuyến cho hay.

VĂN NAM

Ngày 8-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24 về Tăng cường công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời kỳ hội nhập. Trong chỉ thị này có một số nội dung như sau: thời gian qua các ngành, các cấp chính quyền chưa nhận thức được đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Ý thức chấp hành về bảo vệ môi trường của một bộ phận doanh nghiệp còn thấp, có nơi chính quyền địa phương còn coi trọng lợi ích kinh tế cục bộ trước mắt mà xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chính quyền địa phương nhiều nơi không kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về BVMT chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, vừa thiếu vừa chồng chéo, chưa có hệ thống chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe các vi phạm.

V.N

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới