Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ô tô không phải “chùm khế ngọt”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ô tô không phải “chùm khế ngọt”!

Tấn Đức

Ô tô không phải “chùm khế ngọt”!
Việc đề xuất các loại phí đối với phương tiện giao thông, nhất là với phương tiện vận tải, cần phải tính đến tác động đến nền kinh tế. Ảnh: Tuệ Doanh.

(TBKTSG) – Đề xuất ra một loạt phí đánh vào xe gắn máy và ô tô cá nhân, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) một mặt muốn hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và mặt khác cũng muốn tăng nguồn thu để bảo dưỡng và xây dựng đường sá. Thế nhưng, đây lại là hai mục tiêu hoàn toàn mâu thuẫn nhau, nên việc kỳ vọng sẽ đạt được cùng lúc cả hai mục tiêu là không thể.

Khi đề xuất các loại phí, Bộ GTVT đồng thời cũng tính ra được những ngàn tỉ đồng sẽ thu được để bảo trì và xây dựng mạng lưới cầu, đường bộ. Thế nhưng, bộ lại không tính đến thiệt hại đối với nguồn thu ngân sách và cả nền kinh tế do chính sách phí này gây ra, mà nếu tính kỹ những thiệt hại đó có thể lớn gấp nhiều lần số tiền mà bộ kỳ vọng sẽ thu được.

Chúng ta nên biết rằng, dù muốn dù không, ô tô hiện đang là mặt hàng mang lại nguồn thu lớn thứ hai cho ngân sách nhà nước sau dầu thô. Năm ngoái, với lượng ô tô nguyên chiếc trị giá trên 1 tỉ đô la Mỹ nhập về Việt Nam, cộng với hơn 2 tỉ đô la Mỹ nhập dưới dạng linh kiện và trên 1 tỉ đô la cho các phương tiện vận tải và phụ tùng khác, chỉ riêng các khoản thu qua ba loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng đã đem về cho ngân sách không dưới 4 tỉ đô la Mỹ. Đó là chưa tính tới hàng chục ngàn tỉ đồng phí trước bạ, lệ phí cấp biển số và các khoản thu gián tiếp khác khi những chiếc ô tô này lưu thông. Như vậy một mặt nhập khẩu ô tô gây nhập siêu nhưng mặt khác đây là nguồn thu ngân sách đáng kể.

Nhưng từ đầu năm nay, với việc lệ phí trước bạ ô tô cá nhân tăng 5 điểm phần trăm, phí cấp bảng số tăng gấp 10 lần và nhiều loại phí khác chuẩn bị ra đời, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu và số xe lắp ráp trong nước tiêu thụ được đã giảm gần 50%. Nếu chiều hướng suy giảm này tiếp diễn, coi như mục tiêu giảm phương tiện giao thông cá nhân của Bộ GTVT bước đầu đã thành công, nhưng ngân sách cũng mất một khoản thu khổng lồ, lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà bộ kỳ vọng thu được từ các loại phí. Khi ấy, liệu Bộ Tài chính có thể tăng kinh phí để Bộ GTVT làm đường sá nữa hay không?

Bên cạnh đó, chính sách áp đặt phí để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân còn mâu thuẫn ngay với chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn để phát triển mạng lưới đường bộ của Bộ GTVT.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành rất lớn. Trong đó, chỉ riêng kinh phí để mở rộng quốc lộ 1 đã lên đến 126.415 tỉ đồng và ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền bán quyền thu phí) chỉ đảm nhận được 20.512 tỉ đồng. Phần còn thiếu, bộ dự tính phải huy động từ khu vực tư nhân thông qua các hình thức đầu tư xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) và đối tác công tư (PPP). Nhưng đồng thời bộ lại muốn thi hành chính sách dùng các loại phí để hạn chế nhu cầu mua sắm ô tô cá nhân và điều này cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu tiềm năng phát triển nhu cầu thị trường của lĩnh vực kinh doanh này. Thử hỏi, với viễn cảnh thị trường như vậy, nhà đầu tư nào dám bỏ vốn ra xây dựng đường để thu phí nữa hay không?

Có thể, mức phí bảo trì đường bộ, cao nhất là 17 triệu đồng/năm, sẽ không tác động nhiều đến giá bán nếu đó là những sản phẩm có giá trị cao, như hàng điện và điện tử, mỹ phẩm… nhưng với nhiều mặt hàng nông sản thì rất khác. Hiện nay, mỗi tấn mía người nông dân chỉ bán được 900.000-1 triệu đồng, một tấn lúa cũng chỉ được 4,2-5 triệu và nhiều mặt hàng rau quả khác cũng vậy. Chỉ cần giá thành vận tải tăng một chút, cỡ trăm ngàn một tấn thôi, cũng có thể gây sức ép ghê gớm lên người nông dân.

Giải quyết ùn tắc giao thông, phát triển đường sá là rất cần thiết. Nhưng nếu đặt vấn đề giải quyết ùn tắc bằng cách đưa ra biện pháp nhằm triệt tiêu dần phương tiện giao thông cá nhân thì e là không ổn. Điều Bộ GTVT cần làm hiện nay là tìm ra một giải pháp để sự phát triển nhu cầu phương tiện giao thông cá nhân có thể song hành với các mục tiêu chống ùn tắc và huy động được nguồn vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng.

Suy cho cùng, giải quyết ùn tắc hay những yếu kém của cơ sở hạ tầng giao thông là để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Nếu giải quyết được ùn tắc mà nền kinh tế bị tổn thương thì kết quả liệu có còn ý nghĩa không.

Phát triển kinh tế là để góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và sự sung túc của người dân. Mà một trong những hình ảnh cho thấy mức sống người dân của một quốc gia sung túc hay không là số lượng ô tô cá nhân lăn bánh trên đường. Nếu giải quyết được ùn tắc giao thông mà chất lượng cuộc sống của người dân bị kéo lùi trở lại, nếu đường sá thông thoáng với toàn xe đạp và xe buýt thì có nên không.

Vì vậy, rất mong Bộ GTVT đừng nên vội vàng ra quyết định, mà hãy bình tĩnh tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, để nghe họ phản biện. Lắng nghe càng nhiều, càng hạn chế được sai sót và trả giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới