Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ở xa, chịu thiệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ở xa, chịu thiệt

Hồ Hùng

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2009 tại An Giang. Ảnh: Nguyên Tấn

(TBKTSG) – Nông dân ở vùng nông thôn sâu thua thiệt đủ thứ. Họ không được hưởng nhiều dịch vụ tiện ích khi mua hàng như giao hàng tận nhà, khuyến mãi sử dụng thử sản phẩm… và lại còn khó lựa chọn để mua hàng được chất lượng cao.

Có tiền, chưa chắc sướng

Mới mấy tháng trước, có hai thanh niên đi xe gắn máy ghé nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Vàng, ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai (Cần Thơ). Sau lời chào hỏi xã giao, họ mời chị mua cái bếp điện, giới thiệu là hàng Nhật lắp ráp tại Việt Nam. Sẵn nhà mới bán lúa đông xuân có một ít tiền, căn nhà lại vừa sửa sang cơi nới khang trang, nên chị xiêu lòng, móc hầu bao lấy 1,2 triệu đồng mua cái bếp điện.

Chị nghĩ bụng, cái bếp nghe giới thiệu chỉ cần cắm điện là xài, thiệt tiện. Khi ông xã có khách, “bắc mâm” lai rai thì nấu nướng bằng bếp này chẳng gì nhanh bằng.

Nhưng sử dụng mới được năm lần, sau đó cắm điện cái bếp vẫn lạnh tanh! Chị Vàng lần tìm, bấm thử các nút, nhưng vô ích. Mang ra tiệm sửa, anh thợ điện “phán”: bếp bị chập điện cháy, tốt nhất nên bỏ. Và không gì “đau” bằng, khi chị nghe anh thợ điện khẳng định đây là hàng Trung Quốc.

“Nông dân tụi tui chữ Việt còn không rành, nghe mấy tay bán nói hàng Nhật, thấy chữ cũng chi chít. Ai dè”, chị kể mà giọng còn tức tối.

Còn anh Nguyễn Phước Hậu, ở ấp Phú Yên, xã Tân Phú, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), kể dân bán bếp ga dạo mấy năm nay cứ đảo đi đảo lại vùng này. “Toàn bán bếp dỏm. Xóm này mấy người mắc lừa rồi, nhưng tiền lỡ trao, cháo lỡ múc, biết trách ai! Nhất là với chiêu khuyến mãi tặng thêm bộ xoong, nồi nên nhiều nông dân dính bẫy”, anh kể.

Chiêu của những tay bán dạo là dùng miệng lưỡi dẻo ngọt để khuyến dụ nông dân, kèm quà khuyến mãi… để bán cho bằng được những cái bếp ga, những chiếc nệm… giá hàng triệu đồng. “Bếp ga thì xài vài lần là hư. Còn nệm, nằm chừng vài tháng là… xẹp lép”, anh nói.

“Nông thôn thua thiệt lắm! Vụ rồi thu hoạch xong, tui sắm cái tủ lạnh theo ý của bà xã. Ban đầu, định ra chợ Cần Thơ mua để bảo đảm hàng chính hãng, giá rẻ. Nhưng mấy người trong xóm có mua rồi, khuyên cứ ra chợ xã. Có người trong số họ đã từng ra Cần Thơ mua, thuê xe chở về. Đến khi sử dụng gặp trục trặc, lại thuê xe ra đổi. Mất đứt gần 400.000 đồng tiền xe”. Rốt cuộc, anh Hài ra chợ xã, sắm luôn cái tủ lạnh, chấp nhận giá mắc hơn 200.000 đồng. “Thợ chạy vô tới nhà lắp ráp, có gì họ đổi lại luôn. Tiện hơn”, anh nói.

Các tuyến giao thông nông thôn ngày càng nối liền, kết thúc dần sứ mạng “lịch sử” của những chiếc ghe hàng (như một tiệm tạp hóa trên ghe) cục mịch năm nào. Hàng hóa được đưa về nhiều hơn cho vùng nông thôn, phân phối qua các tiệm tạp hóa, sạp chợ… nhưng giá vẫn khá cao và không đầy đủ chủng loại để nông dân lựa chọn.

Ông Lê Văn Hừng, Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, thừa nhận các doanh nghiệp đang bỏ trống thị trường nông thôn vì sợ chi phí cao, hạ tầng yếu nên vận chuyển khó khăn… và mặc cho thương lái, người buôn bán lẻ và những người bán dạo thao túng. “Do đó, hàng kém chất lượng, giá lại cao thường được đưa xuống vùng này. Lực lượng quản lý thị trường qua kiểm tra, nhiều lần phát hiện hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói… quá đát, nhãn rách, thậm chí không có nhãn, không nguồn gốc… vẫn được bày bán vô tư tại các chợ xã”.

Nhiều người dân ở chợ huyện Phong Điền (Cần Thơ) vẫn chưa quên vụ ngộ độc hàng loạt mấy năm trước, chỉ vì thúng ba khía bày bán giữa chợ trông ngon mắt. “Thực phẩm tươi sống bày bán ở các chợ nông thôn, chúng tôi chưa quản lý được. Ở xã, thậm chí ở huyện làm gì có thiết bị kiểm tra! Ngay tại trung tâm thành phố Cần Thơ, cũng chỉ có khoảng 2 điểm có thể kiểm định chất lượng thực phẩm”, ông nói.

Quả là điều đáng lo. Bởi như anh Hậu kể lại, mới đây người hàng xóm có con heo bệnh, tiếc không chôn mà xẻ thịt đi bán. “Vậy mà không hiểu sao, con heo này vẫn được đóng dấu thú y, bán hết sạch”, anh nói.

Chờ doanh nghiệp!

Ông Hừng nói rằng, việc quản lý chặt hàng hóa ở thị trường nông thôn là điều rất khó cho cơ quan chức năng, thậm chí là bất lực. “Lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, nên hầu như chỉ tập trung ở đô thị. Còn nông thôn, thỉnh thoảng mới có đợt kiểm tra đột xuất, qua đợt rồi thôi. Nhưng cũng rất khó phát hiện do khi biết có đoàn kiểm tra, họ cất giấu hết hàng hóa kém chất lượng. Và có phát hiện vi phạm cũng chỉ cảnh cáo, do người vi phạm chủ yếu bán nhỏ, lẻ”, ông nói.

Theo ông, các hộ kinh doanh cá thể thì theo luật hiện hành phải do xã, phường quản lý. “Cách tốt nhất có thể làm được để làm “sạch” thị trường hàng hóa nông thôn là các xã, phường phải tăng cường trách nhiệm, kiểm tra, giám sát và nhắc nhở. Nhưng có điều, đến giờ này, bộ máy chính quyền xã, phường vẫn chưa có cán bộ chuyên trách về thương mại”, ông nói.

Đành vậy! Nên anh Hậu thì chỉ mong rằng, các doanh nghiệp nên tăng cường đưa hàng hóa về nông thôn, giúp nông dân có thể mua hàng đúng giá, đúng chất lượng. “Các tiệm ở chợ nông thôn vốn không nhiều, nên hàng hóa không mấy đa dạng, khó lựa chọn. Do đó, nông dân chúng tôi rất mong các doanh nghiệp tổ chức những xe bán hàng lưu động về chợ xã. Chỉ cần 2 tuần một lần cũng được.

Đừng chê sức mua của nông dân, nhất là sau vụ mùa. Nếu doanh nghiệp sợ tốn chi phí thì rất mong Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm khuyến khích họ, giúp nông dân”, anh hy vọng.

Hồi tháng 3 đến tháng 7 vừa qua, khoảng 25 doanh nghiệp đã tham gia chương trình “Hàng Việt về nông thôn” và bình quân mỗi phiên chợ (một ngày), “hút” được 10.000 lượt nông dân đến mua sắm. Phiên chợ kéo dài hai ngày ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), tổng doanh thu của 23 doanh nghiệp đạt hơn 780 triệu đồng. Còn chỉ với phiên chợ buổi sáng tại Vĩnh Bình (An Giang), nông dân đã chi hơn 100 triệu đồng để mua hàng của mười doanh nghiệp…

Gần đây, Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ cũng đã tổ chức một số đợt bán hàng thăm dò ở vùng nông thôn và kết quả thu được khá khả quan. Ông La Minh Hồng, Giám đốc công ty, cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức điểm bán hàng theo định kỳ tại các thị trấn, thị tứ. Nhưng các điểm bán hàng sẽ tổ chức theo kiểu lưu động, vì nếu thuê điểm cố định vừa tốn thêm chi phí, vừa phải thuê thêm người giữ hàng vào ban đêm”.

Nhưng theo ông Hồng, trước mắt đích nhắm chỉ là các chợ huyện bởi chi phí sẽ rất cao nếu tổ chức tại chợ xã. Đồng thời, một tháng mới đưa hàng hóa xuống một lần.

Không thể bỏ qua thị trường nông thôn

Bên cạnh những doanh nghiệp chỉ tập trung làm hàng cho người tiêu dùng ở các thành phố lớn cũng có doanh nghiệp quan niệm không nên phân biệt thị trường thành thị và thị trường nông thôn. Thực tế, thu nhập của người dân ở vùng này đã tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm Foci, cho biết Foci đã thiết lập được 70 cửa hàng và 100 điểm bán sản phẩm trên cả nước. Theo bà Báu, “có những điểm bán hàng của Foci ở những thị xã, thị trấn nhỏ đạt mức doanh số không thấp hơn ở những thành phố lớn”.

Điều quan trọng, là doanh nghiệp phải thiết lập được một hệ thống phân phối rộng khắp, để có thể “phủ” đến người tiêu dùng ở vùng xa trung tâm. Chiến lược của Foci chinh phục người tiêu dùng ở đây vẫn là giá cả. “Giá một chiếc áo thun vào khoảng 100.000 đồng, là mức giá chấp nhận được với những người tiêu dùng ở xã hay một thị trấn nhỏ. Mức giá này rẻ hơn nhiều, so với người dân bỏ tiền ra may đồ” – bà Báu nói.

Chiến lược giá này của Foci vẫn có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, vì giá sản phẩm bán ra cho người tiêu dùng rẻ hơn hàng Trung Quốc khoảng 30%. “Không những chúng tôi cam kết với người tiêu dùng về giá cả mà những thắc mắc khiếu nại, khâu hậu mãi sẽ được công ty giải quyết nhanh nhất”.

Theo bà Báu: “Đây chính là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng chọn hàng hóa từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà không mua hàng hóa trôi nổi không có thương hiệu”.

Ông Nguyễn Văn Bôn, Giám đốc Doanh nghiệp Quạt Bifan (Bình Ðông), cho biết hiện hơn 30% sản lượng quạt của Bifan tiêu thụ ở những xã, huyện của các tỉnh miền Tây, miền Trung và miền Bắc. “Doanh số và lợi nhuận của phân khúc này luôn cao hơn ở những thành phố lớn. Dĩ nhiên điều này cũng tùy thuộc vào mặt hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh”.

Bên cạnh đó, một lợi thế khác khi doanh nghiệp khai thác phân khúc này là số lượng nhiều, với mức tăng trưởng hơn 10%/năm. Để khai thác thị trường ở những vùng xa, Bifan áp dụng chính sách bán hàng trả góp cho người tiêu dùng, bằng cách cho những đại lý phân phối mua hàng trả chậm từ 1-2 tháng.

Trần Ban Mai  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới