Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ổn định thị trường xăng dầu song hành cùng giải pháp nâng cao năng lực dự trữ

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, các chuyên gia đã dự báo về sự biến động giá dầu trên thế giới, từ đó, đưa ra những kiến nghị về chính sách điều hành cùng giải pháp tổng thể giúp nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu trong nước.

Đó là những thông tin được ghi nhân tại tọa đàm Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 8-9.

Ảnh: Vân Ly

Tại tọa đàm, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá dầu thế giới kể từ cuối năm ngoái đến nay đã tăng liên tục – từ mức 75 đô la Mỹ/thùng vào cuối tháng 12-2021 đã vượt mốc 100 đô la Mỹ vào 1-3 năm nay, sau khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine. Giá dầu thiết lập ở mức đỉnh vào 8-3-2022 (gần 140 đô la Mỹ/thùng) sau khi Mỹ chính thức cấm vận nhập khẩu nhiên, nguyên liệu của Nga. Mức giá dao động trong khoảng 100-126 đô la Mỹ/thùng từ tháng 4 đến đầu tháng 9 này.

Dự báo giá dầu ở mức cao, 100-115 đô la Mỹ/thùng

Sau khi phân tích tình hình thực tế, ông Lê Tuấn Anh dự báo giá dầu thời gian tới duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung – cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cho rằng giá dầu sẽ dao động bình quân 100-115 đô la Mỹ/thùng trong năm nay, cao hơn khoảng 40-60% so với năm 2021 và giảm về mức 92 đô la Mỹ/thùng năm 2023, 80 đô la Mỹ/thùng vào năm 2024.

Ông Lê Tuấn Anh cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Mỹ (BoA) và Morgan Stanley, trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 đô la Mỹ/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh.

Cũng tại tọa đàm, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, gần đây giá dầu thế giới giảm do nhiều yếu tố.

Thứ nhất nguồn cung dầu được cải thiện, bởi Mỹ đang gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng, giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu.

Thứ hai là triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhu cầu dầu giảm và kéo giá dầu thế giới đi xuống. Thêm nữa các ngân hàng trung ương các nước lớn như Mỹ, EU… tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể khiến giá dầu thế giới giảm…

“Những yếu tố trên cho thấy giá dầu vẫn có khả năng giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Giá dầu có thể giảm hơn nữa nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh theo đề xuất của EU – theo đó xuất khẩu xăng dầu tiềm năng của Iran có thể tăng ít nhất một triệu thùng/ngày” – ông Khôi nói.

Song ông Khôi cũng phân tích về khả năng giá dầu tăng trở lại trong quí cuối cùng của năm nay cũng khá cao do một số nguyên nhân sau: nhu cầu có thể tăng vào mùa đông khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu; Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu;

Nguồn cung cũng đang tăng chậm lại – bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu từ hơn 600.000 thùng/ngày vào tháng 7 và 8-2022 xuống còn hơn 100.000 thùng/ngày vào tháng 9 này. Ả Rập Saudi mới đây cho biết OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu bất cứ lúc nào…

Thêm nữa ông Khôi cho hay, căng thẳng Nga – Ukraine, cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh…

“Từ nay đến cuối năm có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể có thể thấy giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Đối với năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục, sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch. Giá xăng dầu trong nước, về cơ bản sẽ biến động theo xu hướng của giá dầu thế giới”, ông Khôi nhận định.

Còn ông Kenya Maeda, chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan nhận định, nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến sẽ tăng. Dựa trên tình hình hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, Idemitsu Kosan dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.

Xét trên dự báo cung cầu trên và góc độ địa lý – chính trị, Idemitsu Kosan nhận định sẽ có sự tăng mạnh đối với giá dầu thô và giá thành phẩm xăng dầu (trong trường hợp các hoạt động kinh tế hiện tại vẫn tiếp tục diễn ra).

Cần giải pháp tổng thể về năng cao năng lực dự trữ

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu. Đồng thời nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước, đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế – giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới để ổn định và phát triển nền kinh tế trong nước.

Thêm nữa ông Tuấn Anh cho rằng Chính phủ cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu). Bên cạnh đó cần điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung. Đi kèm với đó là quản lý điều hành và sử dụng linh hoạt, hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu – bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

“Chính phủ cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi. Đồng thời kiểm soát tình trạng buôn lậu xăng dầu khu vực biên giới…”. Ông Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, ông Tuấn Anh kiến nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt. Trong đó có tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu. Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước…

Nói về các biện pháp trung và dài hạn, ông Tuấn Anh cho rằng cần sớm đầu tư xây dựng các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ để giúp chủ động ứng phó với các biến động bất thường về giá dầu thế giới có thể tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế. Cần nâng cao và đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu cả trong và ngoài nước. Nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ bên ngoài.

Cần hoàn thiện thể chế, chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đẩy mạnh đầu tư các dự án năng lượng sạch, tái tạo. Chú trọng phát triển công nghiệp xanh, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này để giảm dần sự phụ thuộc vào dầu khí truyền thống. Tạo mọi điều kiện ưu đãi, thu hút, khuyến khích các dự án sản xuất, sử dụng năng lượng xanh, sạch, công nghệ hiện đại.

Cũng chung quan điểm với ông Tuấn Anh, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, để giảm áp lực lạm phát do giá dầu cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Chính phủ cần cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kiến nghị về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics cho biết, các doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá nhiên liệu trong nước. Ông cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường – bởi các loại thuế phí này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá nhiên liệu.

Ông Trung đề nghị Chính phủ tiếp tục các biện pháp giảm thuế và ổn định thị trường xăng dầu ít nhất là hết nửa đầu năm 2023 nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải logistics khôi phục và ổn định sản xuất, giảm chi phí logistics. Vì các chi phí vận tải chiếm khoảng 60% chi phí logistics…

Chia sẻ kinh nghiệm để chủ động nhiên liệu, ông Kenya Maeda chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan cho biết, Nhật Bản đã từng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ. Tuy nhiên, kể từ những năm 1950, nước này đã đưa ra những chính sách về việc chuyển sang phương pháp lọc dầu.

Đến những năm 1970, các nhà máy lọc dầu đã được xây dựng tại nhiều địa phương của Nhật Bản. Lọc dầu trong nước có ưu thế hơn hẳn về mặt kinh tế so với nhập khẩu, góp phần hạn chế dòng ngoại tệ đổ ra nước ngoài. Cần kết hợp giữa lọc dầu trong nước và nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo an ninh năng lượng của các sản phẩm xăng dầu.

1 BÌNH LUẬN

  1. Xin hỏi bác là đợt giảm giá xăng 2 tháng vừa rồi chỉ số lạm phát 2 tháng đó có giảm không. Bác phát biểu như là chắc chắn rồi cuối cùng chẳng giảm được lạm phát. Trong khi người giàu đi xe ô tô được hỗ trợ (tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng tiền xăng) nhiều hơn người nghèo đi xe máy (tiết kiệm 200.000 đồng/tháng) và gây bất công đối với người nghèo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới