Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ông chẳng bà chuộc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ông chẳng bà chuộc

Hồng Phúc

Mua trái phiếu chính phủ tại Kho bach Nhà nước chi nhánh TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Đề án tái cấu trúc thị trường trái phiếu chính phủ vừa được Bộ Tài chính hoàn tất và đưa ra lấy ý kiến các thành viên trong hội nghị tổng kết một năm ra đời thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt mới được tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Song, việc thành lập Tổ nghiên cứu và thực hiện đề án đang chững lại vì trong các thành phần thiếu đại diện của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

“Chúng tôi đã gửi văn bản đến các cơ quan liên quan đề nghị cử đại diện tham gia Tổ nghiên cứu nhưng quá thời hạn trả lời vẫn chưa nhận được hồi âm của NHNN”, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nói.

Cũng liên quan đến trái phiếu, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng một nghị định chung cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, một thị trường đang nằm ngoài sự kiểm soát thì NHNN lại không đồng ý nếu nghị định này bao gồm luôn các tổ chức tín dụng. Cơ quan này muốn lập quy định riêng của mình đối với việc phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng.

“Chúng tôi đã thống nhất với Bộ Tài chính về việc sửa đổi Nghị định 52 (về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) nhưng khi đề cập với NHNN, anh Nguyễn Ngọc Bảo (Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ) nói không có chuyện đấy, NHNN sẽ có nghị định riêng. Bộ Tài chính không cần tham gia vào việc quản lý hoạt động phát hành trái phiếu của ngân hàng và tổ chức tín dụng”, Phó chủ tịch UBCK, bà Vũ Thị Kim Liên nói.

NHNN và Bộ Tài chính, hai cánh tay quan trọng của nền kinh tế, dường như chẳng chịu bắt tay.

“Tôi tiếp xúc với cả hai cơ quan nhiều lần. Tôi thấy sự hợp đồng tác chiến của họ nhiều khi không ăn khớp. Hầu hết cuộc họp của bên này mời thì bên kia cử cán bộ không đủ thẩm quyền đi và đến phiên mình, họ thường phát biểu rằng: Về, tôi sẽ báo cáo lại lãnh đạo. Lãnh đạo có nghe hay không và báo cáo đến đâu không ai biết”, giám đốc phụ trách nguồn vốn và đầu tư của một ngân hàng lớn, chia sẻ với TBKTSG.

Ông lấy ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư do khó khăn bên chính quốc đã bán trái phiếu đang nắm ở Việt Nam. Họ đã tìm được người mua rồi nhưng do bán trái phiếu tiền đồng nên tiền thu về là tiền đồng, cần chuyển qua đô la Mỹ để mang về. Rất nhiều đơn vị không thể đổi tiền đồng sang ngoại tệ được trong khi thị trường tự do rất nhỏ không đủ để tiếp nhận số vốn họ muốn chuyển đổi. Điều đó thành bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và đa số đã phải chịu các điều kiện của ngân hàng, ông phải bán giá này tôi mới trả bằng ngoại tệ. Vào thời điểm đó, Bộ Tài chính nhiều lần đã mời NHNN sang họp bàn về vấn đề tháo nút, nhưng nhiều cuộc họp thất bại chỉ vì người được cử đi họp không đủ thẩm quyền. Hậu quả là đến tận bây giờ, nhà đầu tư gián tiếp chưa hết ngần ngừ với trái phiếu chính phủ vì lo ngại khả năng chuyển đổi tiền ngoại sang nội và ngược lại.

Việc ra đời và vận hành của thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt lại làm nảy sinh một vấn đề mới. Hệ thống lưu ký tại sở giao dịch của NHNN và Trung tâm Lưu ký chứng khoán của sở giao dịch chứng khoán chưa liên thông với nhau. Trái phiếu sau giao dịch mất rất nhiều thời gian để chuyển từ trung tâm lưu ký sang sở giao dịch của NHNN và ngược lại.

Đại diện Công ty Chứng khoán Thăng Long cho biết, dù theo quy định thanh toán trái phiếu là T+2 song họ không ít lần mất đúng 10 ngày nếu tính cả ngày nghỉ cuối tuần để chuyển trái phiếu từ sở giao dịch của NHNN về Trung tâm Lưu ký của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

“Chuyển khoán chứng khoán qua NHNN cũng không thuận lợi khiến các thành viên trên thị trường không chỉ phải tăng chi phí vốn mà còn khó khăn trong giao dịch”, một cán bộ nguồn vốn của Ngân hàng BIDV nhận định. Một cán bộ của Vietcombank lý giải sự không thuận lợi đó là do công văn từ NHNN về Trung tâm Lưu ký đi quá chậm.

Ông Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng Nghiên cứu trái phiếu của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) dẫn chứng: “Hồi cuối năm 2008, HSC chuyển 400 tỉ đồng trái phiếu chính phủ từ sở giao dịch của NHNN về Trung tâm Lưu ký của sở giao dịch chứng khoán mất bảy ngày. Nếu tính lãi suất 10% nhân với 400 tỉ thì chúng tôi mất bao nhiêu tiền? Nếu ta không giải quyết vấn đề này thì rất vướng cho các ngân hàng. NHNN và Bộ Tài chính nên ngồi với nhau để thống nhất lưu ký về một mối mới có thể tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư”, ông Thắng nói.

Bà Vũ Thị Kim Liên không phủ nhận rằng giải pháp đối với trái phiếu đang có những trục trặc, như ba năm nay UBCK đã đề cập với NHNN để chuyển vai trò ngân hàng thanh toán trái phiếu chính phủ sang NHNN cũng như cải cách việc kết nối lưu ký giữa cơ quan này và sở giao dịch chứng khoán. Nhưng tiếc là NHNN trả lời chưa làm được nên đến nay thị trường vẫn bị chia cắt. UBCK đang xem xét việc chọn một số ngân hàng thanh toán nhằm giải quyết được vướng mắc về thời hạn thanh toán.

“Bên cạnh đó, thị trường mở của NHNN và thị trường trái phiếu chính phủ của Bộ Tài chính nếu không nói chuyện được với nhau thì còn khó. Rất nhiều vấn đề vướng mắc do phụ thuộc vào sự phối hợp giữa NHNN với Bộ Tài chính”, bà Liên nói.

Cũng theo bà, NHNN và Bộ Tài chính cần thành lập ủy ban liên bộ về các vấn đề chung tài chính tiền tệ.

Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh nói với TBKTSG rằng những yếu tố gây nên sự lo ngại với nhà đầu tư vào thị trường tài chính vẫn tập trung nhiều vào niềm tin về kỹ năng quản trị chính sách. Có những vấn đề ta vẫn vạch ra, hô hào nhiều năm nhưng vẫn chỉ là bề nổi bởi bản chất bên trong – sự đồng lòng giữa những con người – chưa được giải quyết triệt để.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới