Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ông Kiệt và dự định “Ta ba lô” đến Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ông Kiệt và dự định “Ta ba lô” đến Mỹ

Tâm Chánh

(TBKTSG) – Cuối năm 1993, lần đầu tiên một nhóm trí thức trẻ người Việt ở Mỹ về nước trong chuyến làm việc chính thức của Tổ chức Thanh niên chí nguyện Mỹ mà Tổng thống đương nhiệm khi đó, Bill Clinton, được coi như một nhà sáng lập. Nghe nói chuyến làm việc này là kết quả vận động của nhà ngoại giao Vũ Khoan, được đích thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao trách nhiệm cho bà Phạm Phương Thảo, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, thực hiện.

Ông Kiệt và dự định “Ta ba lô” đến Mỹ

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần làm việc với các doanh nhân trẻ thuộc các câu lạc bộ của Saigon Times Club.

Cuối ngày làm việc, từ hội trường xuống sân nhà khách 37 Hùng Vương, thật tình cờ nhóm thanh niên chí nguyện ấy gặp gỡ các thành viên Tổ tư vấn cải cách của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng vừa tan họp.

Vậy là ráp nhau lại một góc sân nhà khách. Từ miền Nam ra. Từ Mỹ, châu Âu, Nhật về. Cùng nhiều chuyên gia, bỉnh bút biên soạn văn kiện hàng đầu ở miền Bắc. Tự nhiên rồi gần nhau lại. Những đôi mắt cười. Những đôi tay vỗ. Cứ vậy mà hào hứng hát. Lớn tuổi như chuyên gia Lâm Võ Hoàng, Lê Đăng Doanh, Trần Đức Nguyên, Đào Công Tiến…; đến trung niên cỡ anh Ngô Vĩnh Long, Vũ Quang Việt, Trần Văn Thọ, Trần Quốc Hùng, Huỳnh Bửu Sơn… Rồi cả “xóm” trẻ, có người còn diễn đạt không rành tiếng Việt, cũng hát theo. Hừng hực, say sưa theo tiếng guitar của anh Vũ Quang Việt, Trần Văn Thọ. Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn Võ Như Lanh vui hết cỡ, chẳng phận sự chuyên gia, cũng không chức trách cán bộ đoàn, mà tự nhiên nhập vai người kết nối, giữ nhịp đến tàn cuộc khi đã quá nửa đêm.

Trong một phiên họp Quốc hội gần thời điểm đó, “giờ chơi” (từ mà cánh báo chí hay gọi thời gian giải lao giữa buổi), tôi được ông Kiệt hỏi về cuộc gặp gỡ. Tôi nói ấn tượng về cuộc gặp gỡ quá đẹp trong lần trở về ấy của các chuyên gia sinh sống ở nước ngoài và những người tâm huyết trong nước, thật chân tình. Ông Kiệt cười nheo hết cả mắt: “Ngay tủ thằng Lanh rồi”.

Anh Tâm Chánh.

Hồi đó tôi chưa về làm lính anh Lanh, nhưng cảm nhận rất rõ về sự tin cậy của Thủ tướng đối với nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nhất là với các chuyên gia Việt kiều. Nhiều lần khác tôi cũng có dịp chứng kiến mức độ tin cậy đó. Làm báo ít “mối” có được cái uy đó như nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Thậm chí trong vai trò Thủ tướng, ông Kiệt đến làm việc hẳn hoi chứ không phải đến thăm khích lệ. Ông bàn bạc với tòa soạn, chứ không chỉ với ban biên tập, một phần nghe phản ánh về các diễn biến đời sống kinh tế, xã hội; phần cụ thể là quyết định để Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương (VAPEC) gắn với Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Ông nhắc nhở rất nhiều lần vai trò của các chuyên gia, trí thức Việt kiều như những “mối mai” để trong nước mở ra với bên ngoài. Ông đến thăm nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, gặp gỡ Giáo sư Lê Xuân Khoa,… Theo cách đó, tìm thấy, thuyết phục, phát huy ảnh hưởng sâu rộng của các nhà trí thức ấy để mở ra và gắn kết Việt Nam với thế giới bên ngoài.

Cũng như cuộc gặp gỡ hồi cuối năm 1993 ấy, ông Kiệt rất quan tâm tới “xóm trẻ”. Liệu có đủ thuyết phục để những bạn trẻ ấy về nước làm việc? Ông giải thích, bối cảnh mở cửa, không khí vận động cho cơ hội bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, cần đến sự trở về của các bạn ấy, gắn được với bên ngoài đến đầu tư, làm việc ở Việt Nam. Nhiều thành viên của Tổ chức Thanh niên chí nguyện về Việt Nam lần đó ít lâu đã trở lại; và theo đó là sự ra đời của IDG.

 
 

Khi về hưu, ông Kiệt có nhiều ý kiến trên báo về hiện tình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tổng biên tập Võ Như Lanh góp ý thẳng thắn với ông: “Chú không nên phát biểu bằng nhiệt huyết và kinh nghiệm. Những vấn đề, ý kiến chú đặt ra phải có trọng lượng của sự nghiên cứu thấu đáo, huy động được sự tham gia của anh chị em cả ở trong lẫn ngoài nước. Những phát biểu như vậy có trọng lượng hơn thay vì chỉ phát biểu với tư cách của một lão thành”.

Đã từng có kinh nghiệm với Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Sài Gòn Tiếp thị trong góp ý về giáo dục, ý kiến của ông có độ dày nghiên cứu của các chuyên gia trong nước và trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cho hai bậc học, đại học và tiểu học. Từ cách làm này, ông Kiệt “rù quến” anh Lanh chuẩn bị cho ý tưởng về một foundation Võ Văn Kiệt, với bộ phận điều hành do anh Lanh phụ trách. Ông Kiệt đầy lạc quan xin ý kiến Bộ Chính trị theo quy chế quản lý cán bộ cấp cao của Đảng để xúc tiến thủ tục. Nhưng việc đã không thành.

Cũng độ giáp Tết 2008, tôi có đến ba lần được nghe ông nói về việc chuẩn bị để sau chuyến đi Hà Lan tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức cuộc sống ở một đồng bằng thấp dưới mực nước biển, sẽ ra Hà Nội thuyết phục Bộ Chính trị cho phép ông đi du lịch ba lô đến Mỹ. Ông muốn đến, tìm gặp trong cộng đồng người Việt ở Mỹ những người bị cho là chống đối trong nước. Ông muốn nói về câu chuyện phát triển Việt Nam từ sự hòa giải của những người đi qua chiến tranh. Ông muốn tìm hiểu về những thành công, thất bại của bà con người Việt trong các cộng đồng làm ăn, làm khoa học và cả trong chính giới ở các địa phương của Mỹ. Ông nói đến sự cần thiết phải thay đổi cách nhìn và chính sách với bà con người Việt ở nước ngoài. Thay vì kêu gọi, huy động sự đóng góp của bà con thì cũng cần chăm lo, đầu tư nuôi dưỡng sự thành công của bà con trên chính nơi mà họ đang sinh sống. Nhiều lần ông hào hứng với thông điệp mà ông xây dựng cho chuyến “Ta ba lô” mong ước: “Đã đến lúc bàn luận với bà con mình, rằng người Việt Nam phải đóng góp gì ra thế giới”. Ông nhìn thấy vai trò dẫn dắt của các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở hải ngoại như những trụ cột phát huy ảnh hưởng của Việt Nam ra bên ngoài, từ chính những bộ óc Việt Nam đang có mặt ở khắp các trung tâm văn minh của nhân loại. Ông coi đó là một nguồn lực chưa từng có của dân tộc. Ông biết rõ một “nhân vật” như ông không dễ dàng có cuộc “Ta ba lô” lịch sử đó. Nhưng ông tin vào sự thuyết phục của mình.

“Bây giờ đi Mỹ, đi Tây cũng như hồi xưa mình đi xóm thăm bà con chứ ghê gớm gì đâu?”.
Vậy mà chuyến đi xóm ấy của ông đã mãi dang dở.

Chỉ vài tháng sau, con cháu đưa tro cốt ông về dòng sông nơi người vợ và hai đứa con của ông đã ngã xuống thời chiến tranh. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới