Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ông Mân “Óc Eo”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ông Mân “Óc Eo”

Một số cổ vật, trong đó có tượng đầu bà Liễu Điệp (tượng giữa).

(TBKTSG Online) – Gọi ông Mân “Óc Eo” vì bộ sưu tập của ông chỉ toàn là đồ cổ Óc Eo. Có thể nói, ngoài những bộ sưu tập về văn hóa Óc Eo được trưng bày ở một số bảo tàng thì ông là người duy nhất ở nước ta có trong tay di sản quý báu này.

Từ… mê chơi đồ thờ

Ông Mân tên thật là Tạ Hòa Thọ, sinh năm 1961 tại Tràng Thọ 1, thị trấn huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Hai mươi năm trước, ông Mân tìm mua đồ gốm sứ xanh trắng dọc dài biên giới Tây Nam khu vực tỉnh An Giang rồi đưa sang biên giới Campuchia bán, thậm chí có mối chuyển qua tận Thái Lan.

Dọc đường mưu sinh, có lần tình cờ gặp được bức tượng Vishnu bằng đá sa thạch, cao 1,5m, nặng 90kg ở Ba Thê (An Giang), ông mua làm kỷ niệm vì thấy thinh thích. Theo một số chuyên gia về đồ cổ nhận định, bức tượng này là cổ vật thời văn hóa Óc Eo, có niên đại thế kỷ VII.

Từ ngày có bức tượng này, chuyện làm ăn của gia đình ông có vẻ ngày càng hanh thông, như có thần linh phù hộ. Vậy là ông đặt tượng vào hộp kính trang trọng “thờ” ngay gian nhà trước nhà mình.

Bà Cao Thị Xuân Đào (sinh năm 1962, cùng quê Thốt Nốt), vợ ông Mân, khẳng định: “Tụi tui chỉ chơi đồ thờ cúng của nền văn hóa Óc Eo” có lẽ từ nguyên do vi diệu ấy. Thật vậy, gian nhà trước của vợ chồng ông bày khoảng 50 di vật Óc Eo, có niên đại khoảng thế kỷ VII – XII. Món nào cũng được cẩn thận đặt trên bệ gỗ. Nào bò thần Nandin, voi thần Ganesha (mình người đầu voi, thế kỷ XII)…

Nhưng “gia tài” của vợ chồng ông Mân đâu chỉ có vậy. Mỗi lúc ông một đem ra trưng cho chúng tôi xem những di sản văn hóa Óc Eo độc đáo khác. Đó là tượng đầu bà Liễu Điệp bằng đá hoa cương, nặng 40kg, trên trán có khắc dấu vương quyền Ấn Độ.

Bộ binh khí thờ cúng và đồ trang sức.

Bộ binh khí thờ cúng (giống như lỗ bộ ở các đình chùa Việt Nam) gồm 8 món: cung tên, rìu có cán, dao găm cán hình người, đinh ba, dao thường, ngoài binh khí giống cây cù nèo còn hai binh khí khác chưa biết tên. Tám món được chế tác bằng 8 loại đá khác nhau, binh khí nào cũng được đẽo gọt công phu, tinh xảo, đã “phong hóa”, lên vân, lên sắc, không ai bắt chước được. Toàn bộ bộ binh khí này có trước Công nguyên, ngang với đồ đồng Đông Sơn, thời kỳ tiền Óc Eo.

Vợ chồng ông còn có bức tượng bằng đồng đen, từ thế kỷ XIII, cao 1,1m. Đó là tượng Phật Bà Quan Âm “Thiên thủ thiên nhãn”. Nói vậy, theo sách vở, nhưng thực ra bức tượng này có 10 đầu cùng ngàn tay ngàn mắt. Tượng uy nghiêm ngự một cõi riêng bên phải gian nhà trước, khói hương nghi ngút. Ông còn có một tượng Phật Thích Ca bằng gỗ. Dù đã bị hư mục một vài chỗ nhưng tượng này rất quý hiếm hơn cả đồ đá Óc Eo…

Hiện tại ông Mân có trên 100 cổ vật Óc Eo, bằng đá, đất nung, gỗ và các vật liệu đồng, thau, chì, vàng, bạc…

Ông Mân luôn khiến chúng tôi ngạc nhiên. Như một thuật sĩ, giới thiệu xong nhưng chế tác cổ cao nhất là 1,5m, ông từ từ “thu nhỏ” chúng lại.  Một số trang sức bằng mã não, đá global, đá đạt ma cùng khá nhiều đá hình trứng có khắc chữ mà nhiều nhà khảo cổ vẫn chưa đọc được, nhưng họ đều khẳng định đó không phải là chữ Phạn.

Bộ sưu tập đời Hán tặng Phù Nam khi vương quốc này cử sứ bộ sang Tàu cống sứ. Đó là những con rùa bằng ngọc, dưới bụng mỗi con đều có một chữ “Phật” bằng Hán tự. Rùa ngọc nhỏ cỡ một lóng tay nên để đọc được chữ phải dùng kính lúp.

Rồi những cổ vật nhỏ nhất, khoảng 1-2cm, là 6 tượng: voi thần Ganesa, bò thần Nandin, thần Siva, thần Gama, cùng 2 tượng voi khác. Các tượng này cũng phải xem bằng kính lúp mới thấy được sự tinh xảo kỳ diệu của nó. Tượng nào cũng được khắc họa tỉ mỉ từng chi tiết điêu luyện.

Tới… am hiểu nền văn hóa Óc Eo

Ông Mân với tượng voi thần Ganesha.

Dù ông chồng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông, bà vợ thì mới tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng cả hai người đều khá thông thạo về nền văn hóa Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa Phù Nam, là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nên rất phong phú, phát triển từ thế kỷ I đến VI sau Công nguyên trên đồng bằng sông Cửu Long. Đó là nền văn hóa rực rỡ nhất Đông Nam Á thời cổ đại.

Đỉnh điểm của nền văn hóa này là đạo Hindu, đạo Bà La Môn và đạo Phật. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ thế kỷ V đến thế kỷ VII. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện đã phản ánh sự phức tạp và đan xen của các nguồn gốc ảnh hưởng, trong đó chủ yếu là nghệ thuật Ấn Độ. Về loại hình, không phải chỉ có tượng và biểu tượng thần phật mà còn có nhiều hình tượng linh thú, thần thoại trong điện thờ Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Ông Mân cho biết, gốm Óc Eo có 3 dòng: đen, xương bánh kẹp và trét nhựa cây (chế tác xong thì trét nhựa cây cho tượng có màu đen. Loại này đã thất truyền từ lâu). Riêng tượng đá Óc Eo cái nào cũng rất nặng, hơi đá mát lạnh gan bàn tay, đá bể một mảng cho thấy bên trong có từng lớp màu sắc khác nhau.

Tượng thần Vishnu.

Ông Mân chỉ những đốm đen trên tượng bà Liễu Điệp, bảo, theo tìm hiểu, khi đục xong tượng, người ta trét nhựa cây lên đó. Không biết là nhựa gì, dù tẩy bằng aceton vẫn không hề hấn, dù đốt vẫn không cháy. Rồi ông trở ngược đầu tượng, chỉ cho xem mái tóc có ba ngấn, phần gần cổ thắt bím, rất đẹp.

Bà Đào nói thêm: “Tượng toát lên vẻ sang trọng của một người đàn bà quý tộc, nghiêm trang. Kiệt tác này đã phai màu nhựa cây trét phủ nhưng lại quý ở chỗ lên sắc độ độc đáo khó tả”. Bà Liễu Điệp là nữ vương trị vì vương quốc Phù Nam, có tới 10 nước chư hầu. Khi Ấn Độ mang quân đánh Phù Nam, thua trận, bà Liễu Điệp bị bắt làm vợ vua Hỗn Điền. Từ đó nền văn hóa Hindu (Ấn Độ) chiếm lĩnh hầu như toàn bộ văn hóa Óc Eo. Đồ cổ Óc Eo có nhiều tượng thần theo Hindu giáo. Ông Mân nói, Vishnu là thần sáng tạo, đem lại sự may mắn. Là thần chủ nên Vishnu có thể hóa thân thành 10 dạng khác nhau.

Mê chơi đồ cổ thì phải tìm hiểu cách xem và nền văn hóa chúng ra đời. Hiểu biết về nền văn hóa Óc Eo của vợ chồng ông Mân có được hình như song hành cùng những hiện vật họ sưu tầm được. Hai ông bà đọc khá nhiều sách về lịch sử, văn minh xứ Phù Nam, về đồ cổ và văn hóa Óc Eo… Hỏi về cách phân biệt các cổ vật Óc Eo, ông Mân cho biết rằng ông đã tự tay nắn nót viết chừng hai ba chục trang tập học trò để ghi lại những hiểu biết, kinh nghiệm ông có được sau mấy chục năm chơi đồ cổ Óc Eo.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KIỀU (Cần Thơ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới