Ông Trần Đình Thiên: chúng ta mới chỉ hì hục tháo gỡ vướng mắc
Đức Tâm
![]() |
Ông Trần Đình Thiên nhận định hạn, mặn ở ĐBSCL diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán. Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Sáng nay, 3-3, tại TPHCM, ông Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trình bày tham luận về kinh tế Việt Nam 2015 – 2016 trong hội thảo "Kịch bản kinh tế Việt Nam 2016 – Tăng trưởng kinh tế và triển vọng đầu tư trong bối cảnh hội nhập" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức. Tại hội thảo, ông Thiên nhấn mạnh rằng suốt mấy năm qua, chúng ta mới chỉ loay hoay tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, chứ chưa kiến tạo được một môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. TBKTSG Online lược ghi.
Những khó khăn về kinh tế năm 2016
Trong năm 2016 chúng ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế trong đó, xin nhấn mạnh những vấn đề chính sau.
Hai vấn đề đầu tiên liên quan đến sự suy giảm giá dầu và nền kinh tế Trung Quốc có nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sự thay đổi nền kinh tế Trung Quốc là điểm tác động mạnh, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Những chuyển biến gần đây càng làm cho chúng ta thấm thía điều này.
Tiếp theo là tình hình hạn, mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán. Và chúng ta có thể phải công bố thảm họa thiên tai cho vùng này. Tuy nhiên, đó không chỉ là vấn đề thiên tai, đó còn là vấn đề về nhân tai khi các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông ngăn đập làm thủy điện.
Hạn, mặn là một vấn đề rất nghiêm trọng và có tác động lâu dài. Đó không chỉ là chuyện mất mùa năm nay mà còn là câu chuyện dài hạn phải mất bao lâu để phục hồi đất bị nhiễm mặn. Với hạn hán, mưa xuống là có thể giải quyết xong nhưng nhiễm mặn lại là một vấn đề khác.
Về câu chuyện hội nhập, tinh thần phấn chấn vẫn còn mạnh sau hàng loạt hiệp định thương mai tự do được ký kết và có hiệu lực, nhưng những thách thức cũng càng hiện ra rõ ràng hơn. Doanh nghiệp chúng ta đang yếu, đang tụt hụt hậu, đang ngày càng nhỏ đi mà cuộc chơi thì ngày càng lớn. Tôi cho đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Nước ta là nước có quyết tâm rất cao, toàn tham gia các hiệp định đẳng cấp cao nhưng mình lại là nước có trình độ thấp nhất. Ví như hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc, chúng ta ở một khoảng cách xa so với nước bạn, hay ngay như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam cũng là một nước nằm trong nhóm 4 nước có trình độ phát triển thấp nhất là CLMV, với 3 nước còn lại gồm Campuchia, Lào, Myanmar.
Có thể trong câu chuyện hội nhập, việc lựa chọn chiến lược không sai. Nhưng để không sai về lựa chọn thực tiễn, cần rất nhiều nỗ lực trong ngắn hạn. Bốn năm rồi chúng ta chỉ hì hục tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp chứ chưa có thay đổi về mô hình tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề của nền kinh tế chúng ta là thái độ tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển lớn lên vẫn chưa được nói đến nghiêm túc. Những chính sách vĩ mô của chúng ta hiện nay chưa thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước. Đây là một điểm nghẽn vĩ mô mà chúng ta tháo gỡ mãi chưa xong.
Nợ xấu cũng là điều đáng lưu ý. Chúng tôi dùng xích nợ xấu để chỉ cho vấn đề xử lý nợ xấu hiện nay.
Có vị lãnh đạo hỏi tại sao quý vị dùng từ xích nghe ghê quá vậy?
Chúng tôi cho rằng dùng từ xích mới đúng. Trong cuộc sống, chúng ta thường xích những con vật rất nguy hiểm, hung dữ để huấn luyện, thuần hóa. Nhưng nếu không xử lý được, khi thả ra sẽ còn khủng khiếp hơn. Nợ xấu cũng tương tự như vậy.
Khuyến nghị
![]() |
Ông Trần Đình Thiên |
Chúng tôi cho rằng năm nay vẫn phải là Năm Doanh nghiệp. Nhà nước vẫn phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Còn khó khăn, vướng mắc gì thì đã được nói điếc cả tai những năm gần đây rồi và nó vẫn hiện ra rõ mồn một mà ai cũng biết.
Tiếp theo, cần thay đổi phương thức tổ chức kinh doanh trong nông nghiệp, lấy doanh nghiệp làm chủ và là yếu tố dẫn dắt nền nông nghiệp phát triển.
Ngoài ra, cần gỡ nút thắt nợ xấu; điều chỉnh lại lãi suất theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong câu chuyện hội nhập, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm tiếp cận thông tin chứ không chỉ trông chờ vào thông tin từ các chuyên gia vì các chuyên gia dù có giỏi cỡ nào cũng không thể biết hết chi tiết mọi việc được.
Nhìn chung, năm 2016, kinh tế phục hồi thì vẫn phục hồi thôi vì Việt Nam vẫn là mảnh đất lành với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy vậy tốc độ phục hồi của khu vực nội địa vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khi nói đến nền kinh tế phục hồi thì cần nhấn mạnh ai làm cho nền kinh tế phục hồi và ai được lợi từ sự phục hồi này. Nếu phần phục hồi và tăng trưởng đến từ đóng góp lớn từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì bài ca phục hồi như vậy sẽ vô cùng ít ý nghĩa với Việt Nam.
Trong năm 2016, ngoài việc tính GDP, tôi đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nên tính cả GNI (tổng thu nhập quốc gia), tức mức tăng trưởng thực mà nền kinh tế có được sau khi trừ đi phần vốn các doanh nghiệp FDI được hưởng và đã gửi về nước, để có cái nhìn trung thực, tránh sự tăng trưởng ảo tưởng.
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng năm 2016 vẫn có điểm lạc quan. Khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào mạnh thì nó có thể tạo ra những nhu cầu mới và doanh nghiệp cũng nên lưu ý đến vấn đề này.
Mời xem thêm:
TPP có giúp xuất khẩu thành đòn bẩy hiệu quả?
Chuyên gia: kinh tế 2016 phục hồi chậm, SME tiếp tục khó khăn