Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Outsourcing việc phân phối?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Outsourcing việc phân phối?

Tiến Tài

Anh Nguyễn Minh Giang, nhân viên tiếp thị của Công ty Sao Việt, cung cấp sản phẩm cho một tiểu thương ở chợ Tân Định, quận 1, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Mới ra đời được hơn một năm nhưng Công ty Sao Việt đã trở thành nhà phân phối độc quyền của bốn mặt hàng Việt Nam chất lượng cao và một sản phẩm nhập khẩu. Theo ông Bùi Đức Huệ, Giám đốc Công ty Sao Việt, điều đó cho thấy nhu cầu phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước là rất lớn.

Ông Huệ từng là một trong những “supevisor” thế hệ đầu tiên “ra lò” từ cái nôi Unilever Việt Nam, sau đó phụ trách bán hàng cho một số công ty khác như Nutifood, Giấy Sài Gòn… Với vốn kinh nghiệm được tích lũy và sự đam mê “chảy trong máu”, tháng 3-2009 ông thành lập Công ty Sao Việt – chuyên về phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp.

Liên Thành, hãng nước mắm truyền thống, trở thành khách hàng đầu tiên của Sao Việt. Trong sáu tháng đầu thực hiện, khu vực được giao là các kênh phân phối truyền thống tại TPHCM và miền Đông Nam bộ. Kết thúc thời hạn “thử thách”, khách hàng đã tin tưởng giao hết cho Sao Việt tổ chức các kênh phân phối truyền thống trên toàn bộ khu vực còn lại.

Đến nay, chỉ sau hơn một năm kể từ khi ra đời, Sao Việt đã trở thành nhà phân phối độc quyền một sản phẩm dao cạo râu nhập khẩu và sản phẩm của ba doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao gồm nước mắm, nước chấm Nam Dương, kem đánh răng Hynos của P/S, S.P.Ca. Đây đều là những công ty có một lịch sử khá lâu đời như Liên Thành trên 100 năm, Nam Dương trên 50 năm, S.P.Ca 27 năm…

Điều đó càng cho thấy nhu cầu phân phối hàng hóa theo hướng chuyên nghiệp hóa, trong đó có việc thuê ngoài (outsourcing) khâu phân phối là một nhu cầu có thực. “Tuy chưa thể khẳng định đây là xu hướng hiện nay nhưng thực tế nhu cầu về vấn đề này là rất lớn và khá mới mẻ ở Việt Nam.

Hơn nữa, khi thị trường phát triển đến một mức nào đó thì hoạt động phân phối không thể không được chuyên nghiệp hóa”, ông Huệ nói. Ông cho biết hiện nay tại TPHCM có vài trăm công ty phân phối hàng hóa, nhưng số công ty chuyên về phân phối như Sao Việt (phân phối hàng hóa cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước) thì chỉ có khoảng vài chục công ty.

Ông cho rằng việc doanh nghiệp thuê ngoài hay tự tổ chức khâu phân phối tùy thuộc vào tiềm lực, quy mô kinh doanh của mình. Nếu có đủ tiềm lực (nhân lực, tài chính…) để tự tổ chức vẫn là tốt nhất vì chính bản thân doanh nghiệp hiểu mình hơn ai hết. Mặt khác, khi tự tổ chức khâu phân phối, giữa các bộ phận bán hàng, tiếp thị, tài chính, sản xuất… sẽ có sự liền lạc, ăn khớp với nhau hơn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp nếu tự tổ chức thì khả năng thất bại sẽ rất cao vì cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, rất khó chen chân. Ở Thái Lan, sản xuất và phân phối cũng được các doanh nghiệp tách ra từ lâu, chỉ có doanh nghiệp Việt Nam vẫn thích tự làm cả hai.

Mặt khác, trong hai năm qua, nhân sự trong ngành phân phối thực sự là vấn đề đau đầu đối với các công ty Việt Nam. Do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa đã tìm đường quay về thị trường trong nước, khiến cho nhu cầu về nhân lực trong ngành phân phối bị đẩy lên cao. Thị trường nhân sự liên tục bị xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Doanh số kinh doanh đi xuống kéo theo sản xuất cũng đi xuống. Trong khi đó vẫn phải trả lương cho nhân viên dù doanh số giảm. Nhiều doanh nghiệp hiện đang rơi vào tình cảnh khó khăn như vậy”, ông Huệ cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Huệ, tình hình kinh doanh đi xuống không phải chỉ do hệ thống phân phối yếu mà còn do nhiều yếu tố khác như chất lượng sản phẩm, hình thức bao bì, chính sách tiếp thị… Hiện trong các công ty Việt Nam đang tồn tại một thực trạng là bộ phận bán hàng dẫn dắt, quyết định bộ phận tiếp thị. “Bộ phận bán hàng sau khi bán hàng về sẽ yêu cầu nhà máy sản xuất ra sản phẩm này và bộ phận tiếp thị sẽ làm việc kia. Họ chỉ biết bán làm sao doanh số càng cao càng tốt. Nếu hàng không bán được thì trách nhiệm đổ lên đầu họ”, ông Huệ phân tích.

Theo ông Huệ, vận hành theo cách để cho bộ phận bán hàng dẫn dắt, rất dễ sa vào cảm tính, dẫn đến rủi ro. Trong khi đó, các công ty nước ngoài làm ngược lại, bộ phận tiếp thị phải đi “tiền trạm”, nghiên cứu thị trường trước, sau đó yêu cầu sản xuất ra loại sản phẩm nào, phân khúc thị trường ra sao và bộ phận bán hàng triển khai việc bao phủ như thế nào.

Ông Huệ cho biết, mô hình của Sao Việt là cố gắng áp dụng những cách thức mà các công ty nước ngoài đã áp dụng thành công tại Việt Nam. Muốn như vậy thì không chỉ có phân phối mà còn phải thay đổi nhiều yếu tố khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới