Pacific Airlines khai thác thương hiệu Jetstar
![]() |
Giám đốc điều hành của Jetstar, ông Alan Joyce (trái) và Giám đốc đìều hành của Jetstar Pacific, ông Lương Hoài Nam (thứ hai từ trái sang) chụp hình với nhân viên của hãng trong đồng phục mới và bên cạnh chiếc máy bay mô hình có logo mới của hãng. Ảnh: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) – Ngày 14-4, Hãng Hàng không Pacific Airlines thông báo sẽ đổi tên thành Jetstar Pacific sau khi chính thức ký kết hợp tác với hãng hàng không Jetstar Airways (Úc).
Ông Geoff Dixon, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Qantas, Công ty mẹ của Jetstar Airways, đã thông báo việc đổi tên của hãng hàng không Pacific Airlines sau 17 năm hoạt động, theo thỏa thuận dịch vụ kinh doanh đã được ký giữa Jetstar Airways và Pacific Airlines.
Qantas sẽ hỗ trợ Jetstar Pacific mở hàng loạt các đường bay mới tại Việt Nam và châu Á với các chuyến bay mang thương hiệu Jetstar.
Giám đốc điều hành của Jetstar Pacific, ông Lương Hoài Nam cho biết, chiếc máy bay đầu tiên sẽ được giao cho Jetstar Pacific vào tháng 8-2008, chở được 180 hành khách. Những chiếc máy bay mới sẽ giúp Jetstar Pacific trực tiếp mở các đường bay mới, thay vì chỉ liên doanh với các hãng hàng không khác như trên tuyến Bangkok-TPHCM với Bangkok Airways và TPHCM-Singapore với Jetstar AirAsia, cũng là thành viên của tập đoàn Qantas.
Ông Nam cho biết Jetstar Pacific hướng tới mục tiêu là xây dựng một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Jetstar Pacific sẽ tiếp tục nâng số vé giá rẻ, từ 15.000 đồng/lượt/người đến 80% giá trị của giá trần, từ 70% hiện nay lên 85% trong năm nay và có thể là 95% trong các năm tới khi thỏa thuận được với Jetstar.
Jetstar Pacific cũng sẽ đưa ra loại vé giá rẻ dành cho hành khách không có hành lý ký gởi, và cho phép họ được mang hành lý xách tay từ 7kg hiện tại lên 10kg.
Hãng cũng sẽ miễn một số phí cho hành khách tàn tật, và lập quỹ cho hành khách tự nguyện đóng góp vào việc bảo vệ môi trường như Qantas đang làm hiện nay.
Không chỉ là đổi tên
![]() |
Giám đốc điều hành của Qantas, ông Geoff Dixon và ông Lương Hoài Nam (phải) gắn hai bảng logo của Jetstar Airways và Pacific Airlines để đánh dấu việc đổi tên Pacific Airlines thành Jetstar Pacific. Ảnh: Mộng Bình |
Việt Nam sẽ là trạm dừng lý tưởng cho các chuyến bay dài giữa Úc và châu Âu của Jetstar Airways. Giám đốc điều hành của Jetstar Airways, ông Alan Joyce nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online và Vietnam Logistics Review sau buổi họp báo rằng có thể xem TPHCM là một vị trí tốt cho Jetstar cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác.
Các chuyên gia hàng không lý giải rằng Jetstar không thể chọn Bangkok làm trạm dừng cho các chuyến bay quốc tế đường dài vì nơi đó phải cạnh tranh với các hãng hàng không rất mạnh của Thái Lan; và cũng không thể chọn Singapore vì khó có thể cạnh tranh với Singapore Airlines và Tiger Airways; hay Kuala Lumpur vì không thể theo kịp với AirAsia.
Do vậy, Jetstar đã quyết định mua cổ phần của Pacific để thực hiện chiến lược mở rộng mạng đường bay của mình. Ông Dixon nói Qantas đã hoàn tất mua 18% cổ phần của Pacific và sẽ tăng phần vốn đầu tư lên 30% trong vòng hai năm tới thông qua việc Qantas ký thỏa thuận với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà Nước (SCIC) để mua 30% cổ phần trị giá 50 triệu đô la Mỹ của hãng hàng không Pacific. Khi bán hết 30% cổ phần thì SCIC chỉ còn nắm 63% và 7% thuộc Saigontourist.
Ông Dixon nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng hiện nay còn quá sớm để đánh giá hiệu quả đầu tư của Qantas vào Pacific Airlines, nhưng đây là một vụ đầu tư tốt. Ông cho biết việc ký thỏa thuận mua 30% của Pacific cách đây một năm là bước khởi đầu và đổi tên Pacific là bước thứ hai. Ông không tiết lộ về bước thứ ba nhưng nhiều người nói rằng đó là thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam và châu Á bằng thương hiệu Jetstar.
Ông Nam không thể tiết lộ Pacific phải trả bao nhiêu để có được quyền sử dụng thương hiệu Jetstar nhưng ông nói, điều quan trọng hơn là việc sử dụng thương hiệu này sẽ giúp Jetstar Pacific mạnh hơn.
Ông cũng thừa nhận thương hiệu Pacific chỉ mạnh ở Việt Nam mà không được nhiều người biết đến ở nước ngoài. Đó là lý do tại sao hãng này buộc phải ngừng chuyến bay đến Đài Loan vào giữa năm 2007.
Còn nhớ, Pacific phải chịu khoản lỗ hơn 200 tỉ đồng vào cuối năm 2004 và đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng Pacific đã được vực dậy, nhất là từ khi chuyển thành hãng hàng không giá rẻ vào tháng 2-2007 và chỉ hai tháng sau đó, Qantas đã quyết định đầu tư.
Năm ngoái, Pacific đã mở hàng loạt các đường bay nội địa và quốc tế mới, đồng thời tăng thêm chuyến cho các đường bay giữa TPHCM-Hà Nội và Đà Nẵng.
MỘNG BÌNH