Chủ Nhật, 26/03/2023, 00:24
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Paris tháng Tám

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Paris tháng Tám

Một khu phố thương mại sầm uất ở bên cạnh nhà thờ Sacré – Coeur.

(TBKTSG) – Paris tháng Tám giống như một lòng chảo rỗng, vắng hoe người. Dân thành phố đi nghỉ, nhường cả kinh thành ánh sáng cho khách du lịch.

Các bãi đậu xe dọc bờ kè sông Seine, từ cầu Grenelle đến cầu Garigliano lơ thơ những chiếc xe cũ, người ta để lại bởi chẳng thể cùng chúng rong ruổi trên những đoạn đường xa về các bờ biển hay vùng đồi núi.

Chỉ đến khi đi dần về phía trung tâm thành phố, qua quảng trường Trocadero, Concorde, viện bảo tàng Louvre, Tòa thị chính… mới thấy một Paris hiện thân thật sự, ồn ào, náo nhiệt, ngập tràn du khách trên đường phố, trong các tiệm cà phê, các cửa hàng thương mại. Có bữa thảnh thơi, lang thang ra khu Pigalle, đồi Montmartre, leo lên nhà thờ Sacré – Coeur, chen vai thích cánh cùng khách thập phương.

Những ngày trời hoe hoe nắng, nhiệt độ chừng 20 độ C, vòng vèo ra quận 1 khu Paris cổ, rồi rẽ sang đại lộ Saint – Germain des Prés, đã thấy du khách tấp nập mua sắm đồ mặc mùa đông. Trong các cửa hiệu, những bộ sưu tập mới được treo lên, và giữa những chú thích được ghi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, lại thấy cả tiếng Nga. Chắc dân Nga qua du lịch nhiều.

So với năm ngoái, giá cả quần áo tăng 20-30%. Sự tăng giá của các nhãn hiệu cao cấp thì không thể đoán chừng, 100% hay 200% cũng có. Một cái túi xách nho nhỏ của Dior treo giá 1.200 euro, khiến nhiều người đi qua chỉ dừng lại bên cửa kính.

Các mác phổ thông như Sisley, Caroll, Mango, Esprit, Celio, Nafnaf, Promod, Morgan… được chuộng hơn bởi hợp túi tiền nhiều người. Chẳng còn thấy bóng dáng những chiếc đầm, quần dài, sơ mi, áo len… sản xuất ở Trung Quốc nữa. Tìm kỹ thì vẫn có, nhất là trong các tiệm Gap.

Thay vào đó tuyệt đại bộ phận quần áo bày bán được sản xuất tại những quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Rumania, Bulgaria hay Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisie. Với những mác không ghi nơi sản xuất, chắc chắn nó được làm ra ở châu Âu, còn cụ thể ở đâu thì người bán cũng không thể biết.

Vài lần tò mò thắc mắc, các cô bán hàng phân trần một cách đầy kiên quyết: không có chuyện hàng hóa made in China mà không ghi rõ nơi xuất xứ. Có lẽ sau những thông tin trên các phương tiện truyền thông từ năm ngoái rằng một số hàng dệt may Trung Quốc có hóa chất ảnh hưởng đến da, các nhà nhập khẩu, phân phối đã chuyển sang gia công ở những nước Bắc Phi, Đông Âu, nơi vẫn có nguồn nhân công rẻ hơn các quốc gia phát triển.

Thực sự là năm trước, ngoài áo quần, giày da made in China còn bày bán nhiều, nay toàn thứ sản xuất ở Tây Ban Nha, Brazil, và giày Pháp, giày Ý. Người tiêu dùng đang tỏ ra ngày càng nhạy cảm, ngày càng khắt khe và tinh thông hơn!

Ở Pháp, đi mua sắm tưởng khó, mà dễ. Sẽ không bao giờ có chuyện hàng mẫu mã đẹp, chất lượng cao mà giá rẻ, kể cả hàng sale (hàng giảm giá). Cứ nhìn nhãn mác đủ biết chất lượng hàng hóa. Một cái tên nói lên độ tin cậy, bởi để cái tên đứng được trong tâm trí người tiêu dùng, nhà sản xuất phải mất hàng chục, hàng trăm năm gầy dựng.

Từ trang phục, giày dép, mỹ phẩm, trang sức đến lương thực, thực phẩm, đồ uống hay hàng công nghiệp cao cấp điện tử, xe hơi… người ta mua bán theo tên. Thực phẩm tươi sống, chế biến, đồ uống chẳng hạn, đi siêu thị hay tạt qua các tiệm nhỏ gần nhà, cứ mác đó, tên đó quen rồi là nhặt tính tiền. Vì thế hàng hiệu, ngay cả thời giá cả đắt đỏ (lạm phát tại châu Âu đang là 4-5%), vẫn sống khỏe và phát đạt.

Gia đình Bernard Arnauld, chủ sở hữu tập đoàn LVMH (Louis Vuitton), năm nay nhảy lên vị trí thứ hai trong số 500 doanh nhân và gia đình giàu có nhất của nước Pháp. Trên đại lộ Champs – Elysées, cửa hàng và trụ sở của LVMH lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn, hàng hóa bán chạy với giá siêu “cắt cổ”. 

 ** *

Tờ tạp chí tuần Capital chuyên về kinh tế, số ra cuối tháng 8, trong một bài viết về marketing, đưa ra thông tin thú vị. Từ nhiều tháng nay, chiếc nhẫn có gắn đá quý màu tím trị giá 18.000 euro của nhà Dior được các quý bà, quý cô săn đón. Thực ra nhẫn gắn đá màu tím hãng kim hoàn nào chẳng có bởi màu tím đang là màu chủ đạo của thời trang thu đông năm nay. Hãng Cartier có cả một bộ sưu tập nhẫn, vòng tay, vòng cổ gắn đá màu tím cỡ nhỏ, vừa và to với giá từ 2.800-14.000 euro/chiếc, cũng đẹp huyền ảo và lộng lẫy, nhưng tiêu thụ không nhanh như mong đợi.

Các bà các cô mê cái nhẫn Dior chỉ vì Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa mua tặng vợ Carla Bruni chiếc nhẫn ấy. Ông cũng đã từng tặng người vợ cũ Cecilia một cái tương tự. Phillip, một người bạn Pháp làm ở sân bay, nói với tôi người ta gọi chiếc nhẫn đó là nhẫn Sarkozy. Ông còn nửa đùa nửa thật thuyết phục tôi rằng sở dĩ màu tím đang à la mode là do hồi tháp tùng Tổng thống thăm Anh quốc, bà Carla Bruni đã mặc một chiếc áo khoác màu tím rất đẹp. Thôi thì cứ tạm tin vậy. Mà cũng nên tin bởi màu tím từ đầm, áo sơ mi, áo len, áo khoác, quần, giày dép, thắt lưng… đang ngự trị lấp lánh trong cửa kính các tiệm thời trang từ bình dân đến quý tộc ở khắp Paris.  

Nhìn bề ngoài, dễ lầm tưởng Paris hay thay đổi. Mỗi mùa một sắc màu thời trang, hệt như lá cây đổi màu qua mùa năm tháng. Nhưng bên trong Paris, sự bảo thủ có cả những thế hệ trường tồn. So với Sài Gòn ồn ào, nơi thời gian như guồng máy quay nhanh không ngừng nghỉ, nhịp sống ở Paris chầm chậm trôi, lững lờ như nước sông Seine dưới chân cầu Mirabeau. Ngày ngày, từng đoàn du khách vẫn dạo bước hai bờ sông Seine, vẫn đổ vào các viện bảo tàng, vẫn nhẫn nại xếp hàng mua vé leo lên tháp Eiffel, mưa cũng như nắng, ấm áp hè cũng như lành lạnh thu đông.

Kinh tế năm nay dường như khó khăn hơn. Đây đó trên vô tuyến, báo chí, từ suy thoái kinh tế đã thấy nhắc đến nhiều, lặp đi lặp lại. Nhưng các tiệm ăn, nhà hàng, cà phê vẫn rất đông khách. Người Pháp đôi khi ăn uống dè xẻn ở nhà, song họ không thể không đi nhà hàng dù lâu lâu một lần. Xung quanh khu Montparnasse nhà hàng ngày một ken dầy. Hồi trước nơi đây có nhà hàng đặc sản miền Alsace nổi tiếng Maitre Kanter, nay bỗng biến mất tiêu. Giờ cả Paris chỉ còn một nhà hàng Maitre Kanter ở gần nhà ga Lyon.

Tuy nhiên, những người yêu thích món Couscous (một món ăn của người Ảrập Bắc Phi, phổ biến ở Pháp) vẫn tìm thấy nhà hàng Chez Bebert ở nguyên chỗ cũ, như nó đã từng ở đó hơn 40 năm nay. Chỉ các tiệm thức ăn nhanh là hầu như không tăng mấy dù McDonald’s, Quick treo biển quảng cáo đầy các bến tàu điện ngầm, ô tô buýt. Có lẽ không ở đâu ẩm thực đa dạng như ở Paris. Nhà hàng Tây, Tàu, món ăn mọi châu lục đều có mặt. Nhà hàng Việt Nam ở Pháp dễ có đến con số hàng trăm, ở Paris chúng không chỉ tập trung ở quận 13, mà ở tất cả các quận, thậm chí ở các thành phố vệ tinh vùng ngoại ô thủ đô cũng không hiếm.

Lương thực, thực phẩm, rau xanh, gia vị… để nấu món ăn Việt Nam có thể tìm thấy tất tật tại Paris. Khu chợ Jeune Thanh Bình chuyên bán đồ ăn, thực phẩm Việt Nam ở Ivry, phía Đông Nam thành phố mới được mở khá hoành tráng, thay cho những cửa hàng nhỏ như tiệm tạp hóa ở quận 13 trước đây. Tại đây, có khu kho chứa hàng rộng 4.000 mét vuông, kể cả kho đông lạnh.

Ngoài đồ ăn, báo chí được bày bán tương đối nhiều. Báo Tuổi trẻ, Thanh niên chỉ chậm hơn số phát hành trong nước một ngày. Thời báo Kinh tế Sài Gòn phát hành ở TPHCM sáng thứ 5, sáng thứ 6 đã có mặt trên kệ tại Jeune Thanh Bình. Mới tháng 8, ở lối ra vào chợ đã thấy dán bích chương chuyến lưu diễn Paris của ca sĩ Quang Dũng vào giữa tháng 11-2008.

Một thanh niên trẻ đang chuyển hàng từ kho vào chợ nói đợi vài ngày nữa sẽ có bán đèn lồng Trung thu, còn lúc đó mới chỉ có bánh Trung thu. Nhẩm tính, Trung thu rơi vào tháng 9 (dương lịch), lũ trẻ đã trở lại trường, công chức lại ngày ngày đến sở với tuần làm việc 35 giờ ở Pháp.

Những ngày nghỉ qua đi, công việc thường nhật trở về, cuộc sống lặp lại chu kỳ và biến đổi như năm ngoái, năm kia, năm sau và năm sau nữa…

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới