Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

PCI 2017: Phần lớn doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

PCI 2017: Phần lớn doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô kinh doanh

Tư Hoàng

PCI 2017: Phần lớn doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô kinh doanh
Ông Vũ Tiến Lộc, VCCI. Ảnh TH

(TBKTSG Online) – 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây. Tại buổi lễ công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2017) vào sáng ngày 22-3, Chủ tích Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã nêu lên những thách thức lớn của môi trường kinh doanh cùng sự kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan nơi cộng đồng doanh nghiệp.

Niềm tin đang được khơi dậy

Theo khảo sát PCI năm nay, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.

Bên cạnh đó, điểm số PCI bình quân của 2017 là cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình.

“Điều này, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hành trình chuyển lửa về các địa phươngđã mang lại kết quả tích cực”, ông Lộc đánh giá.

Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.

Theo Báo cáo PCI 2017, đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm nay là Quảng Ninh, tỉnh có chất lượng điều hành liên tục được xếp trong tốp 5 cả nước kể từ năm 2013 đến nay. Đà Nẵng, từng giữ vị trí đầu bảng trong suốt 4 năm, cùng Đồng Tháp nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Bốn tỉnh có chất lượng điều hành tốt là Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Quảng Nam.

Năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng là các đầu tàu kinh tế của cả nước, gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, đã có sự cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành, và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong trong tốp 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.

Các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều sự bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm tiên phong. Điều này phần nào cho thấy, tác động của cuộc cải cách đã lan tỏa.

Môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất định

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh, theo báo cáo PCI, vẫn còn những điều bất ổn: tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao: thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% số doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% số doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức cơ quan quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp.

Mặc dù điểm số PCI trung vị có được cải thiện, nhưng đang có sự chững lại của các "ngôi sao" cải cách thuộc nhóm tiên phong, với điểm số chỉ ở mức 70/100.

Ông Lộc khẳng định: “Cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở”.

Ông đề nghị cắt giảm tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ ngành theo Nghị quyết của Chính phủ.

Khu vực tư nhân èo uột

Báo cáo PCI 2017 dành hẳn một chương để khắc họa bức tranh khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, theo đó, dẫn ra một trong những thách thức lớn cho phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay là sự hạn chế về năng lực của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô, để gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chương này nhận xét, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gần 2 lần GDP) nhưng khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI (70%). Chỉ 11% số doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% số doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN.

Tại buổi công bố chỉ số PCI 2017, ông Vũ Tiến Lộc đã nhắc đến cố Thủ tướng Phan Văn Khải cùng sự hỗ trợ, thúc đẩy của vị nguyên thủ quốc gia này đối với quá trình cải cách mội trường kinh doanh Việt Nam. "Tôi còn nhớ, 13 năm trước, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhiệt thành ủng hộ PCI – một sáng kiến đột phá mang tính nhạy cảm và đụng chạm của chúng tôi vào thời đó. Tại lễ công bố PCI lần đầu tiên vào năm 2005, ông đã cử Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng đến cùng tôi và ngài đại sứ Mỹ để chủ trì buổi lễ”.

“Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là vị Thủ tướng của cải cách thể chế, vị Thủ tướng của doanh nghiệp, vị lãnh đạo tài năng, đức độ và khiêm nhường”, ông Lộc nói.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới