Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Peru bảo vệ giống khoai tây

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Peru bảo vệ giống khoai tây

Người dân ở công viên khoai tây làm lễ tạ ơn thần thánh và Pachamama (Đất Mẹ). Dịp này, chỉ có giống khoai tây Papas Arariwas được chọn để bảo đảm cho một vụ mùa bội thu.

>> Xem thêm hình ảnh

(TBKTSG Online) – Từ 10 năm nay, sáu cộng đồng người da đỏ của vùng Cuzco ở Peru ra sức bảo vệ cho các giống khoai tây quý hiếm của mình.

Ít ai biết rằng ở quốc gia thuộc Nam Mỹ này có đến cả ngàn giống khoai tây địa phương, trong đó vài chục giống có nguy cơ biến mất.

Khu vực bảo tồn có tên là “Parque de la Papa” (công viên khoai tây) nằm trong một thung lũng của người da đỏ Inca. Nơi đây chính là chiếc nôi của giống khoai tây ăn được ra đời cách nay 8.000 năm và ngày nay được canh tác khắp thế giới.

Thông thường, người ta chỉ biết đến khoảng 3 – 4 giống khoai tây được chế biến thành món khoai tây chiên hoặc nghiền bột. Nhưng ở công viên này, khoai tây có đủ màu sắc, từ đỏ, đen, tím… và hình dạng cong, dài… Một số giống khoai giữ được thành phần dinh dưỡng trong vòng 50 năm, thậm chí 100 năm, nhờ vào một phương pháp khử nước có từ hàng thế kỷ.

Công viên khoai tây ra đời vào năm 1998 theo sáng kiến của người Quechua, hậu duệ của người da đỏ Inca, sống tập trung ở 6 ngôi làng xung quanh. Họ đã bỏ qua những tranh chấp để bảo tồn một hình thức canh tác của cha ông nhằm giúp đảm bảo tự túc lương thực của người vùng núi, đồng thời phát triển kinh tế và xã hội của cộng đồng mình.

“Bảo vệ khoai tây tức là bảo vệ con người. Tại đây, việc bảo tồn di sản nông nghiệp của vùng núi Andes là nhiệm vụ của chúng tôi, và khoai tây chính là ngọn cờ. Mục tiêu chính là 6.000 dân làng sẽ nhanh chóng tự quản lý một doanh nghiệp tự chủ về mặt tài chính”, anh Alejandro Argumedo tốt nghiệp khoa nông nghiệp đại học McGill ở Montreal (Canada), đồng sáng lập viên của công viên khoai tây và là cố vấn của các trưởng già làng địa phương, chia sẻ.

Trong khi chờ nguồn thu từ du lịch và kinh doanh các sản phẩm khác từ thiên nhiên đủ sức thay thế, hoạt động của công viên khoai tây hiện nay được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, đa số đến từ châu Âu.

Chẳng hạn Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP), một labo chuyên về hoạt động bảo tồn tính đa dạng sinh học di truyền của khoai tây hỗ trợ công viên về mặt khoa học kỹ thuật. CIP đặt tại ngoại ô thủ đô Lima và được chính phủ nhiều nước và các hiệp hội tư nhân tài trợ. Hiện trung tâm này bảo tồn di truyền của hơn 10.000 giống khoai tây đến từ khắp nơi trên thế giới.

Anh Ricardo Paccho Chipa, kỹ thuật viên của công viên khoai tây có lẽ cũng không bao giờ nghĩ rằng những kiến thức truyền miệng trong làng lại đưa anh sang tận Ấn Độ để tham dự một hội nghị quốc tế về khoai tây.

Nằm ở độ cao từ 3.600 – 4.600m, vùng đất nghèo của công viên hứng chịu khí hậu rất khắc nghiệt: nhiệt độ từ 20 độ C có thể chuyển sang độ đông lạnh chỉ sau vài giờ. Nhưng đây lại là điều kiện lý tưởng cho củ khoai tây.

Những lô đất bao quanh hồ Kinsaqocha có vẻ như bị khai thác rất lộn xộn, nhưng cũng như tổ tiên người Inca của mình, các nông dân Quechua chẳng hề bỏ qua chi tiết ngẫu nhiên nào cả: họ chỉ trồng lại một giống nhất định tại cùng một vị trí sau 7 năm!

Trên cùng miếng đất, họ thường trồng nhiều giống khoai khác biệt. Chính sự đa dạng sinh học này giúp đẩy lùi bệnh tật và các loại côn trùng có hại, hai thảm họa thường dễ phát tán nếu canh tác theo hình thức độc canh.

Vào mùa cây khoai tây nở hoa thụ phấn, người nông dân không sử dụng thuốc diệt côn trùng mà trồng xung quanh các lô đất những loại cây có đặc tính xua đuổi côn trùng có hại.

Gần như tất cả các củ khoai dị dạng mọc trong công viên đều có thành phần dinh dưỡng cao hơn các giống khoai tây bán ở Bắc Mỹ. Một số giống có nhiều vitamine B và C, một số khác giàu bêtacarotene, và gần như tất cả đều có chất chống oxy hóa.

René Gómez, nhà nghiên cứu ở CIP muốn trồng lại những giống không còn được canh tác nữa. “Tính đến nay, có khoảng 400 giống khoai tây được trồng lại tại vùng đất đã chứng kiến nó ra đời”, ông cho biết.

Tháng 2 năm nay, một đợt giá lạnh đã tàn phá mùa màng ở một số thung lũng. Cây một khi đã bị giá lạnh thì không sinh sôi được nữa. Thế là CIP đã nhanh chóng cung cấp cho nông dân bị ảnh hưởng của thời tiết những cây khoai tây của các giống tưởng đâu đã biến mất khỏi cánh đồng của họ.

Từ khi công viên khoai tây ra đời, bất cứ doanh nghiệp hoặc viện nghiên cứu nào muốn kinh doanh giống khoai tây của vùng Andes đã được đăng ký với Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, một cơ quan của Liên hiệp quốc, đều phải ký hợp đồng thỏa thuận với các trưởng già làng và trả tiền cho các cộng đồng.

QUANG TẤN (Theo L’actualité)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới