Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Petrolimex Sài Gòn: nguồn cung hạn chế, giá cả biến động gây áp lực cho hệ thống bán lẻ xăng dầu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một trong những nhà phân phối xăng dầu lớn nhất cả nước, Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn), cho biết nguồn cung thiếu hụt và sự tăng giảm liên tục của giá thế giới là những nguyên nhân khiến cho các đầu mối xăng dầu bị động trong việc cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng (thứ hai, bên trái) đang trao đổi công việc cùng đại diện Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (huyện Nhà Bè), một đơn vị trực thuộc Petrolimex Sài Gòn. Ảnh: H.Lộc

Có những thời điểm các thương nhân đầu mối chỉ đủ nguồn hàng cung ứng cho hệ thống của mình nên mọi nhu cầu của xã hội đổ dồn về Petrolimex Sài Gòn. Điều này gây áp lực rất lớn cho hệ thống bán lẻ và hệ thống nhượng quyền bán lẻ của công ty.

Từ đầu năm đến nay, công ty này đã và đang đối mặt với hai đợt khan hiếm hàng trên thị trường. Đợt 1 xảy ra vào tháng 2-2022 ngay sau Tết âm lịch, đợt hai xảy ra trước trong và sau lễ 2-9.

Thông tin nói trên được ban ãnh đạo Công ty Xăng dầu Khu vực II TNHH MTV (Petrolimex Sài Gòn) báo cáo tại buổi làm việc chiều ngày 5-9 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chủ trì, cùng đoàn công tác Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, UBND huyện Nhà Bè về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Lệch pha cung cầu vẫn là nguyên nhân chủ đạo

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022, ông Võ Văn Tân, Chủ tịch HĐTV Petrolimex Sài Gòn, cho rằng ngay từ đầu năm đến nay giá xăng dầu thế giới tăng nhanh và mạnh do tình hình địa chính trị và nguồn cung thiếu hụt, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra và hàng loạt biện pháp trừng phạt đã làm giá dầu thô tăng cao.

Nguồn cung ứng xăng dầu gặp khó khăn còn do Nhà máy Lọc đầu Nghi Sơn giảm sản lượng và gần như ngưng hoạt động vì không đủ tiền mua nguyên liệu sản xuất. Lượng hàng giao từ nhà máy cho các thương nhân đầu mối bị sụt giảm hoặc không giao được, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trên toàn quốc.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương giao thêm hạn ngạch cho các đầu mối nhập khẩu khẩn cấp để ổn định thị trường đến hết quí 2-2022.

Cụ thể báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo Petrolimex Sài Gòn cho biết nguồn cung bị hạn chế làm cho các thương nhân đầu mối có những thời điểm (tháng 3 và tháng 7, 8-2022) chỉ còn đủ nguồn cung ứng cho hệ thống của mình, không đủ nguồn bán hàng cho các thương nhân phân phối nên mọi nhu cầu của xã hội đã đổ dồn về Petrolimex gây áp lực rất lớn cho hệ thống bán lẻ và hệ thống nhượng quyền bán lẻ của công ty.

Tuy nhiên, ông Tân cho biết Petrolimex Sài Gòn cũng cố gắng để không đứt nguồn, và đang đảm bảo đủ cung ứng cho kênh phân phối trong hệ thống phía Nam.

Bên cạnh đó, đầu quí 2-2022 và đầu tháng 8, do nguồn cung cấp xăng dầu từ các thương nhân đầu mối sụt giảm khiến một số cây xăng trên địa bàn TPHCM phải giảm giờ bán hàng hoặc không có đủ hàng để cung cấp cho người tiêu dùng… Sở Công Thương nhắc nhở và kiểm tra các đại lý bán lẻ xăng dầu để đảm bảo thị trường xăng dầu không bất ổn.

Trong tình hình nhu cầu xăng dầu của hệ thống cửa hàng, hệ thống nhượng quyền tăng vọt,  Petrolimex Sài Gòn vẫn thực hiện cung ứng đầy đủ theo đúng hợp đồng. Tại những thời điểm khó khăn, công ty đã chia sẻ nguồn lực tài chính để đảm bảo mức chi phí bán hàng cho khách hàng.

Theo doanh nghiệp này, 8 tháng đầu năm 2022, một số đầu mối nhập khẩu giảm nhập xăng dầu nhưng sản lượng nhập khẩu của Petrolimex Sài Gòn vẫn tăng 19% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, công ty đã và đang đối mặt với hai đợt khan hiếm hàng trên thị trường phía Nam. Đợt 1 xảy ra vào tháng 2-2022 ngay sau Tết âm lịch, đợt hai xảy ra trước trong và sau lễ 2-9.

Đề xuất xem lại cơ cấu tính giá xăng dầu

Ngoài ra, đại diện Petrolimex Sài Gòn cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên tính toán lại cơ cấu tính giá xăng dầu. Bởi với cách tính giá hiện nay, có thời điểm Petrolimex Sài Gòn chỉ được hưởng 280 đồng/lít nhưng phải chi cho bên nhượng quyền 350 đồng/lít nhằm khích lệ, chia sẻ khó khăn.

Ở mảng kinh doanh xăng dầu, từ đầu năm đến nay Petrolimex Sài Gòn đã lỗ khoảng 20 tỉ đồng, thậm chí hết năm nay có thể lỗ trên 100 tỉ đồng nếu không có những giải pháp kịp thời và tình hình khó khăn hiện tại không được cải thiện.

Lãnh đạo doanh nghiệp này đề nghị UBND TPHCM và các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, sao cho tất cả thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu bán hàng của hệ thống mình.

Theo đó, để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu nên có quy định về hoa hồng, chiết khẩu tối thiểu để nhà bán lẻ duy trì được hoạt động kinh doanh mà không bị lỗ, thậm chí có nguy cơ đóng cửa.

Tại cuộc họp, bà Phan Thị Thắng yêu cầu các đơn vị cung cấp đầy đủ lượng hàng nhập và lượng hàng bán ra, để từ đó biết được tổng thể doanh nghiệp nào làm tốt và doanh nghiệp nào làm chưa tốt.

Bà Thắng cũng yêu cầu các sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đơn vị đầu mối, cũng như chia sẻ, xem xét với những cửa hàng gặp khó khăn để hoạt động kinh doanh xăng dầu tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới