Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phá sản giá sàn xuất khẩu cá tra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phá sản giá sàn xuất khẩu cá tra

Phạm Thái

Phá sản giá sàn xuất khẩu cá tra
Dự báo xuất khẩu cá tra đạt 1,7 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, tăng mạnh so với dự báo đầu năm. Ảnh:TL.

(TBKTSG Online) – Thị trường không thật sự ổn định, áp lực trả lãi vay ngân hàng, thiếu cá nguyên liệu… tiếp tục ám ảnh nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong thời điểm được đánh giá là thuận lợi cho xuất khẩu, đồng thời đặt dấu chấm hỏi cho vai trò giá sàn xuất khẩu cá tra của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep). 

Khách hàng “làm eo”, doanh nghiệp gặp khó

Giám đốc một công ty xuất khẩu cá tra lớn ở An Giang hiện đang nhức đầu với các lô hàng cá tra bán cho một nhà nhập khẩu ở Bắc Phi. Trước đó doanh nghiệp này đã ký hợp đồng lô hàng trị giá gần 300.000 đô la cho khách. Nhưng biến động chính trị ở Bắc Phi cách đây mấy tháng làm cho việc tiêu thụ cá hầu như ngưng trệ.

Khách hàng sau khi nhận những lô hàng đầu tiên, không bán được, đã quay qua “làm mình làm mẩy”, đòi doanh nghiệp ông phải giảm giá các lô hàng còn lại đang lênh đênh trên biển xuống tương đương với giá các công ty thương mại Việt Nam (các công ty không có nhà máy chế biến, dùng nguyên liệu chất lượng thấp) đưa ra thì mới chịu nhận.

“Giá thành cá tra đã là 3,1 – 3,2 đô la/kg, mà họ đòi giảm giá xuống dưới 3 đô la ngang với các công ty thương mại, trong khi có nhiều công ty dùng nguyên liệu kém chất lượng để giao lại cho các nhà máy chế biến để philê, ướp đá, nên ra được giá rất rẻ”, ông phân bua.

Theo ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Công ty Xuất Nhập Khẩu Thủy sản An Giang (Agifish), tình hình nợ công châu Âu và bất ổn ở một số nước Trung Đông, châu Phi trong vài tháng nay ảnh hưởng đến sức mua và giá cả cá tra trong thời gian qua. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp, cả chế biến lẫn thương mại, đứng trước áp lực trả lãi vay ngân hàng nên bán tháo lượng hàng tồn kho với giá thấp, thậm chí còn thấp hơn giá thành, gây không ít khó khăn cho những doanh nghiệp ký hợp đồng lớn và dài hạn.

Tuy nhiên, tình hình trên theo ông Ký sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn vì nguồn cá nguyên liệu đang ít dần, các nhà nhập khẩu sẽ yếu thế hơn trong đàm phán giá cả.

Ông Lương Hoàng Mãnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thủy sản Mekong cho biết, hiện nay ở nhiều doanh nghiệp vẫn có tình trạng mất cân đối giữa cá cỡ (size) nhỏ, từ 650 – 800 gram/con trở xuống và cá cỡ lớn, trên 1kg/con. Cá cỡ nhỏ được ưa chuộng nhiều thì đang thiếu hụt, trong khi cá cỡ lớn do tiêu thụ chậm nên nhiều nhà máy vẫn còn tồn kho khá lớn loại này.

Nhưng theo các doanh nghiệp thì gió sẽ đổi chiều vì nguồn cá hiện không còn nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Ký, những nhà máy có công suất từ 70-80 tấn/ngày trở lên đang hoạt động khá ổn định một phần do có nguồn cá nuôi, còn những nhà máy có công suất nhỏ, ít đầu tư vào nguồn nguyên liệu thì lại đang gặp nhiều khó khăn.

Cá ít, trong khi các doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào để xuất vì lo ngại nếu không nhanh chân mua sẽ không còn cá, đã đẩy giá cá tra nguyên liệu An Giang hôm 21/10 lên đến ngưỡng 28.000 đồng/kg. “Từ nay đến cuối năm, cờ sẽ vào tay người bán”, ông Ký quả quyết.

Phá sản giá sàn

Trong khi các nhà xuất khẩu nói chung kỳ vọng giá xuất cá tra xuất khẩu sẽ tăng, giám đốc một doanh nghiệp ở Cần Thơ thì cẩn trọng nhận xét, nếu các doanh nghiệp tính toán không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng mua cao bán thấp. Ông này tính toán, giá cá tra nguyên liệu hiện đã lên cao, chỉ kém mức giá kỷ lục 5 tháng trước đó 1.000 đồng/kg, trong khi đó, giá bán phụ phẩm cá, một nguồn thu nhập để các doanh nghiệp bù chi phí, đã giảm từ 1.500-2.000 đồng/kg.

“Đầu vào tăng, trong khi đầu ra vẫn duy trì ở mức giá 3,1 đô la/kg, thấp hơn 20 cent so với giá trung bình tháng 5. Doanh nghiệp cầm chắc lỗ nếu ký trước rồi mới đi thu mua cá”, ông này nói.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, áp lực trả nợ ngân hàng trong bối cảnh thị trường châu Âu ảm đạm đã khiến nhiều doanh nghiệp bán dưới giá sàn do Vasep thống nhất đưa ra hồi tháng 6 là mức 3,3 đô la/kg.

“Tôi biết đã có những doanh nghiệp khó khăn phải bán với giá 2,9 đô la/kg”, ông nói và thừa nhận giá sàn xuất khẩu, mục tiêu giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có được tiếng nói chung với các nhà nhập khẩu, về cơ bản đã thất bại sau hơn 6 tháng được hiệp hội cố gắng duy trì.

Giá sàn tồn tại chủ yếu nhờ vào tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu liên tục tiếp diễn, doanh nghiệp bán với giá xuất khẩu không bao giờ xuống dưới giá này. Tuy nhiên, tình hình thay đổi từ tháng 6, khi nhiều thị trường nhập  khẩu ngưng ăn hàng, giá bắt đầu giảm, đi cùng với đó là áp lực trả nợ ngân hàng.

“Do giá sàn do hiệp hội đưa ra chỉ dựa trên sự đồng thuận của doanh nghiệp là chính, nên có phát hiện vi phạm thì chúng tôi cũng chỉ có thể gọi doanh nghiệp lại yêu cầu giải thích, rồi lại thôi”, ông nói.

Mong muốn thiết lập sự ổn định trên thị trường xuất khẩu cá tra bao năm qua của Vasep cũng vì vậy mà tiếp tục dang dở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới