Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phải có con người cụ thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phải có con người cụ thể

Vân Cầm

(TBKTSG) – Hiện vẫn còn tồn tại một nhầm lẫn rất lớn rằng các cơ quan chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, có quyền chỉ đạo trực tiếp các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Chúng ta vẫn thường đọc thấy các chỉ thị ra lệnh cho doanh nghiệp này làm việc này, doanh nghiệp kia làm việc khác.

Nếu nhầm lẫn này xảy ra trước đây khi doanh nghiệp nhà nước còn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thì còn hiểu được. Nhưng từ khi mọi doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì việc chỉ đạo chúng không thể theo cách trực tiếp như cũ nữa.

Mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân riêng lẻ, chúng không thể nhận lệnh trực tiếp từ ông chủ tịch tỉnh hay ông bộ trưởng. Người duy nhất có thể ra lệnh cho chúng là chủ sở hữu. Chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước đương nhiên là Nhà nước nhưng luật pháp không chấp nhận một chủ sở hữu chung chung như thế nên có quy định tùy theo từng trường hợp cụ thể, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước có thể là Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành.

Vấn đề ở chỗ, mỗi khi ông bộ trưởng, được cử làm chủ sở hữu tại một doanh nghiệp nhà nước, ra lệnh cho doanh nghiệp thực hiện một chiến lược nào đó, ông sẽ thực hiện điều này trong tư cách là người được nhà nước cử làm chủ sở hữu doanh nghiệp đó chứ không phải trong tư cách là bộ trưởng.

Sẽ có người nói, đây chỉ là vấn đề hình thức, chứ thực chất cũng chẳng khác gì nhau. Nhầm lẫn này chính là nguyên nhân của nhiều lúng túng hiện nay bởi sự khác biệt giữa hai chức năng, nhiệm vụ đó là rất lớn.

Giả dụ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước tạm trữ gạo – đó là một mệnh lệnh hành chính, kết quả sau này như thế nào, ông bộ trưởng sẽ không chịu trách nhiệm vì đang thi hành một chính sách của Nhà nước. Nhưng cũng người bộ trưởng này khi ra lệnh cho doanh nghiệp nhà nước mà mình làm chủ sở hữu thì đó là một quyết định kinh doanh và ông sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tính hiệu quả của quyết định kinh doanh này.

Chính Nghị định 25/2010 cũng quy định các cơ quan quản lý nhà nước không được phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp… tức là không được can thiệp trực tiếp vào các doanh nghiệp này và phải đối xử với chúng như các doanh nghiệp khác.

Tách biệt như thế là bước đầu tiên trong việc từ bỏ vai trò chủ quản của cơ quan quản lý trong quản lý doanh nghiệp để mọi doanh nghiệp sẽ phải hoạt động bình đẳng trên một bộ khung pháp lý chung. Và cũng từ đó, sẽ nâng cao được tính trách nhiệm của chủ sở hữu đại diện cho Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, với tư cách cá nhân chứ không phải là tập thể, để họ phải cân nhắc và đắn đo suy nghĩ trước mỗi quyết định kinh doanh, tránh tình trạng cố ý làm sai mà không ai chịu trách nhiệm sau cùng như từng xảy ra tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới