Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phải có kế hoạch mới sống chung với dịch được

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phải có kế hoạch mới sống chung với dịch được

Tấn Đức

(KTSG) – Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM chiều 25-6, lần đầu tiên ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đề cập đến việc TPHCM phải tính đến việc sống chung với dịch.

Mặc dù đề xuất của ông Dũng là dành cho TPHCM, nhưng xét trong bối cảnh phương pháp ngăn ngừa và dập dịch mà Việt Nam đã áp dụng trong hơn một năm qua đang tỏ ra kém hiệu quả hơn trước biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, cộng thêm nguồn vaccin phòng dịch khan hiếm và khả năng để đạt được miễn dịch cộng đồng vẫn còn là ẩn số, thì việc phải sống chung với dịch là điều cần phải được lên kế hoạch cho phạm vi cả nước.

Việt Nam đã khá thành công trong việc ứng phó bằng phương pháp khoanh vùng, xét nghiệm để truy vết và dập dịch. Nhưng biến chủng Delta, với đặc tính là dễ lây lan hơn và đa số các ca nhiễm là không có triệu chứng nên khó phát hiện hơn, khiến cho biện pháp phòng và dập dịch như lâu nay phải kéo dài.

Chúng ta sẽ không có hy vọng kiểm soát được dịch nếu không có sự trợ giúp của vaccin, và trong khi chờ có đủ vaccin tiêm phòng cho toàn dân để đạt miễn dịch cộng đồng thì phải có kế hoạch sống chung với dịch, trừ phi Việt Nam chấp nhận hy sinh kinh tế để chống dịch.

Chắc chắn rằng kế hoạch sống chung với dịch phải đi đôi với chiến lược tiêm chủng hợp lý. Việt Nam đã đề ra mục tiêu tiêm vaccin phòng Covid-19 cho 70% dân số vào cuối năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vaccin đang rất khan hiếm, cộng thêm việc chỉ có vài loại vaccin được Mỹ và châu Âu cấp phép để tiêm cho thiếu niên từ 12-18 tuổi và đây là loại vaccin nước nào cũng muốn có nên không dễ mua được, còn vaccin cho trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa có (trừ Trung Quốc đã duyệt tiêm vaccin Sinovac cho trẻ từ 3 tuổi), thì mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số là một thách thức cực lớn khi mà Việt Nam có hơn 25% dân số có độ tuổi dưới 15.

Ngay cả khi tiêm phòng được cho 70% dân số thì việc có đạt được miễn dịch cộng đồng hay không vẫn còn là ẩn số, vì còn phụ thuộc vào hiệu quả của loại vaccin sử dụng cũng như mật độ tiêm chủng ở từng khu vực.

Trong điều kiện nguồn vaccin khan hiếm như vậy, có lẽ Việt Nam cần tạm thời gác lại quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau” trong việc tiếp cận vaccin, để có thể tập trung nguồn vaccin ít ỏi cho những trọng điểm cần được ưu tiên, nhằm đảm bảo nền kinh tế có thể sống chung với dịch. Những trọng điểm đó có thể là các trung tâm công nghiệp, các đầu mối giao thương và tiêu thụ hàng hóa quan trọng, các trọng điểm về du lịch… Chẳng hạn như, nếu TPHCM đạt được miễn dịch cộng đồng sớm thì sẽ là chỗ dựa rất mạnh mẽ cho hàng loạt địa phương lân cận vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Ngược lại, một khi TPHCM mà “thất thủ” thì lập tức hàng loạt địa phương khác cũng “thủng lưới”, điều mà chúng ta đang chứng kiến trong đợt dịch hiện nay.

Cùng với chiến lược tiêm chủng, Chính phủ cần xem xét áp dụng giải pháp tương tự như hộ chiếu vaccin cho thị trường nội địa. Cụ thể hơn, nếu buộc phải giãn cách xã hội để chống dịch, thì thay vì buộc phải đóng cửa hàng loạt như lâu nay, cần tính đến việc cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ được tiếp tục duy trì hoạt động, nếu các nhân viên của đơn vị đã được tiêm phòng, để phục vụ trực tiếp cho khách hàng cũng là những người được tiêm phòng.

Sau cùng, kế hoạch sống chung với dịch cần có sự điều phối và chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ trong khi vẫn giữ chính sách mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đồng thời trao quyền cho các tỉnh, thành phố chủ động áp dụng biện pháp phòng chống dịch. Nhưng trên thực tế, đã có không ít địa phương khi ca nhiễm mới ở mức một con số đã ngay lập tức ra lệnh giãn cách xã hội, buộc đóng cửa tất cả dịch vụ không thiết yếu. Cách làm như vậy không thể nói là hướng tới mục tiêu kép được và đó càng không phải là cách để sống chung với dịch.

Hiện nay, nhờ vaccin, nhiều nền kinh tế là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đã dần mở cửa và hồi phục. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, vì thế, cũng đang tăng rất mạnh. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục phải phong tỏa, đóng cửa sản xuất mỗi khi dịch trở lại, thì khách hàng sẽ không kiên nhẫn chờ chúng ta cho đến hết phong tỏa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới