Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phải có trách nhiệm với dự báo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phải có trách nhiệm với dự báo

(TBKTSG) – Bộ trưởng của hai bộ Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội do đưa ra dự báo không chính xác về khả năng mất mùa của vụ lúa đông xuân vừa qua ở phía Bắc, dẫn đến việc Chính phủ ra quyết định tạm ngưng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, gây nhiều thiệt hại cho người trồng lúa.

Lẽ đương nhiên, dự báo thì không thể lúc nào cũng đúng. Nhưng nếu các cơ quan tham mưu có trách nhiệm hơn với dự báo của mình, liên tục cập nhật thông tin về diễn biến mùa vụ và thị trường, để kịp thời đề xuất Chính phủ điều chỉnh chính sách, có lẽ nông dân đã thắng lớn vì trúng mùa, lại bán lúa được giá cao.

Vào tháng 3-2008, thời điểm Chính phủ quyết định tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, thế giới đang khan hiếm lương thực trầm trọng. Tại Việt Nam, giá nhiều mặt hàng lương thực và thực phẩm tăng mạnh. Kho dự trữ quốc gia chỉ còn hơn 100.000 tấn lúa. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn dự báo có đến 50% khả năng vụ đông xuân ở miền Bắc bị mất mùa. Trong bối cảnh đó, hành động của Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, tránh gây bất ổn xã hội như nhiều nước khác, là cần thiết.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2008, nguy cơ về một vụ mùa thất bát gần như không còn. Đồng bằng sông Cửu Long đã có vụ thu hoạch thắng lợi với sản lượng lúa tăng 761.000 tấn so với vụ đông xuân trước. Còn ở miền Bắc, báo cáo của các địa phương cho thấy, có khả năng sản lượng vụ đông xuân tăng 150.000 tấn. Cùng lúc đó, nhiều chuyên gia về nông nghiệp cũng cảnh báo, nếu không sớm giải tỏa lệnh ngưng ký hợp đồng xuất khẩu, thì khi các nước nhập khẩu vào mùa thu hoạch, giá gạo sẽ giảm mạnh và nông dân Việt Nam phải chịu thiệt hại.

Riêng vấn đề an ninh lương thực, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, cho là không đáng lo, vì chỉ 2,5-3 tháng là Việt Nam có vụ lúa mới. Hơn nữa, nông dân thường có thói quen trữ lúa, cộng với lượng gạo tồn trữ tại các đô thị, đủ để cung cấp trong ba tháng.

Nếu thông tin về mùa vụ được các bộ cập nhật thường xuyên và ý kiến của các chuyên gia được xem xét, phân tích kỹ lưỡng, từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ thay đổi chính sách điều hành xuất khẩu, có lẽ Việt Nam sẽ không rơi vào cảnh lúa hàng hóa bị tồn đọng nhiều như hiện nay.

Tại Quốc hội, các thành viên của Chính phủ đã nhiều lần khẳng định công tác dự báo còn nhiều yếu kém. Ở đây, ngoài trình độ chuyên môn và thiếu cơ sở dữ liệu, sự yếu kém còn thể hiện ở trách nhiệm của các cơ quan chức năng do không theo dõi thường xuyên để điều chỉnh. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến, chẳng hạn như dự báo về thị trường điện, nhưng tiếc là nó đã không được rút kinh nghiệm kịp thời.

Dù sao, mọi chuyện cũng đã xảy ra. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là làm sao để giảm bớt gánh nặng cho người trồng lúa. Đề xuất của một số đại biểu Quốc hội, sử dụng 5.000 tỉ đồng trong khoản thu ngân sách vượt kế hoạch, để hỗ trợ cho nông dân, là giải pháp có thể thực hiện. Bảo đảm an ninh và ổn định giá cả lương thực mang lại lợi ích cho toàn xã hội, vì vậy xã hội cũng phải có trách nhiệm chia sẻ thiệt hại với người nông dân.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn    

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới