Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Phải nghe tiếng nói di sản và cộng đồng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Phải nghe tiếng nói di sản và cộng đồng”

Nguyễn Độc Thư thực hiện

TS Nguyễn Thị Hậu.

(TBKTSG) – LTS: Trong tháng 8-2010, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đã cho ra mắt: Ngắn & rất ngắn, Quay qua quay lại và đáng chú ý, trọng tâm chuyên môn của chị là cuốn Khảo cổ học bình dân Nam bộ – Việt Nam – từ thực nghiệm đến lý thuyết” (với phần giới thiệu, tập hợp, lược dịch sang tiếng Anh của ThS. Lê Thanh Hải, đang sống tại London).

Chúng tôi đã trò chuyện với chị về sự ra đời của cuốn sách về khảo cổ và chuyện bảo tồn di sản đang nóng từng ngày…

TBKTSG: Cuốn sách của chị đề cập đến một xu hướng khảo cổ học đương đại, đó là hướng đến cộng đồng. Theo chị, khảo cổ học cộng đồng có ý nghĩa gì trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi tốc độ hiện đại hóa đang can thiệp rất thô bạo vào những dấu vết của tiền nhân, di chỉ ký ức?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Tháng 8-2009, sau hội thảo “100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức tại Hà Nội một cuộc hội thảo “Khảo cổ học cộng đồng”, trong đó nhiều nhà khảo cổ học đã nêu lên kinh nghiệm của nhiều nước Đông Nam Á về việc nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò cộng đồng tại địa phương trong việc bảo vệ các di tích, thông qua tìm hiểu giá trị, ý nghĩa di tích và có thể tham gia quá trình nghiên cứu khai quật, trùng tu di tích.

Ở Việt Nam, theo tôi, công việc khảo cổ học chưa bao giờ tách khỏi cộng đồng. Những cuộc khai quật khảo cổ học không thể thiếu sự tham gia của nhân dân địa phương. Một trong những nguyên tắc quan trọng của khảo cổ là thông qua cuộc khai quật phải giới thiệu, tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa và giá trị những di tích di vật, để trong quá trình lao động sản xuất nếu có phát hiện di tích di vật thì người dân kịp thời bảo vệ và thông báo cho cơ quan chức năng.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu hiện là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM; Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và là Tổng thư ký Hội Sử học TPHCM. Ngoài ba tác phẩm kể trên, chị còn là tác giả của tập bút ký Đi… và tìm trong đất, NXB Thanh niên, 2007.

Tuy nhiên việc này chưa thực sự trở thành “khảo cổ học cộng đồng” vì khi kết thúc đợt khai quật hay trùng tu di tích người dân không có điều kiện để tìm hiểu nhiều hơn và tham gia vào việc bảo vệ di tích giai đoạn “hậu khảo cổ”.

Quá trình hiện đại hóa quả thật đang diễn ra khá nhanh, từ nông thôn đến thành phố đều chịu ảnh hưởng, tác động của quá trình này: nhiều di chỉ khảo cổ không kịp khai quật nghiên cứu, các di tích đình chùa, nhà cổ có xu hướng “hiện đại hóa”… Nếu những công trình xây dựng, ngay từ khâu khảo sát thiết kế mà nhận được thông tin từ người dân địa phương về những di tích khảo cổ hay di tích kiến trúc nghệ thuật có nguy cơ biến mất, cảnh quan tự nhiên bị phá hủy trong quá trình xây dựng thì sẽ có những giải pháp tốt hơn, bởi vì những di tích cảnh quan không phải là vật vô tri mà chính là “ký ức cộng đồng” của cư dân địa phương.

Bên cạnh đó, vẫn có những di tích hư hỏng do sự vô ý thức, do thiếu hiểu biết của người dân. Vì vậy, tôi nghĩ rằng để “khảo cổ học cộng đồng” ở Việt Nam phát triển mạnh hơn thì người dân cần có những kiến thức về giá trị, về việc bảo vệ di sản văn hóa như thế nào, một cách khoa học nhưng đơn giản và dễ hiểu. Những kiến thức này mang lại sự “đồng cảm văn hóa” cho cộng đồng không chỉ ở sự tiếc nuối những di sản văn hóa đã biến mất, mà còn là việc chung tay bảo vệ những di sản văn hóa còn lại.

TBKTSG: Những nhà khảo cổ học như chị liệu có là những người trực tiếp xắn tay vào cuộc, hay chỉ là những người đưa ra lý thuyết và hướng đến nhiệm vụ “giảng dạy cho sinh viên dễ hiểu” như chị đã viết trong lời giới thiệu?

– Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử – văn hóa, nhiều dự án kinh tế – xã hội cũng đã có đóng góp của khảo cổ học. Tuy nhiên, sự ứng dụng này còn đơn lẻ do nhiều nguyên nhân, có lẽ khó khăn nhất là cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ, chưa đồng lòng vì chưa thực sự đồng cảm trước “số phận” của di sản văn hóa.

Vài năm nay tôi không có điều kiện tham gia trực tiếp vào các dự án khai quật và nghiên cứu khảo cổ. Tuy nhiên những gì tôi có được từ kiến thức khảo cổ học đã giúp tôi làm tốt công việc được phân công hiện nay về văn hóa – xã hội, trong đó có việc giảng dạy và phổ biến kiến thức lịch sử văn hóa. Các nhà khảo cổ trực tiếp nghiên cứu các công trình vẫn đang tiến hành cả lý thuyết và thực tiễn. Họ luôn có tiếng nói khi cần thiết. Chỉ là họ chưa có thời gian để ngồi viết lại những gì họ làm.

Công việc của thế hệ chúng tôi cũng sẽ có lúc dừng lại nhưng nếu biết chuyển giao cho cộng đồng, cho thế hệ kế tiếp thì sau công việc ấy, bất luận là “lý thuyết” hay “ứng dụng” sẽ được tiếp nối và phát triển.

TBKTSG: Trong thời gian qua, giới khảo cổ, trong đó có chị, đã tỏ ra rất quyết liệt trong việc bảo vệ một số điểm khảo cổ có nguy cơ bị san phẳng. Trong đó, gần nhất, đáng chú ý nhất là khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã kịp thời được ghi vào địa danh thứ 900 trong danh sách di sản thế giới…

– Từ kết quả khai quật và nghiên cứu di tích di vật của các cơ quan và các nhà khoa học, từ việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước và thực tế tiến hành công tác bảo tồn, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã ngày càng thể hiện giá trị tuyệt vời của nó. Giá trị đó đã được thế giới công nhận. Thành công này, theo tôi, là do ý thức tự hào dân tộc trước di sản văn hóa của cha ông để lại, dẫn đến sự đồng lòng chung tay của các cơ quan chức năng để vượt qua nhiều khó khăn trong việc khai quật, bảo tồn và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho khu di tích. Bên cạnh đó, tình cảm và tiếng nói của xã hội đối với khu di tích này cũng là sức mạnh tinh thần rất lớn. Tất nhiên, điều thuận lợi đầu tiên là chúng ta có Luật Di sản Văn hóa thực thi từ đầu năm 2002, đây là cơ sở pháp lý để tiến hành những công việc liên quan đến khu di tích này.

TBKTSG: Phải chăng, ngoài luật di sản, chúng ta còn cần một cái gọi là “khảo cổ học dành cho nhà chức trách” hơn là khảo cổ học cộng đồng?

– Không, theo tôi, không có cái gọi là “khảo cổ học dành cho các nhà chức trách” mà chính là các nhà chức trách cần phải lắng nghe tiếng nói của di sản văn hóa, của cộng đồng để có thể hành xử và đề ra quyết sách phù hợp. Trường hợp khu trung tâm di tích Hoàng thành Thăng Long là một ví dụ điển hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới