Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phải nhanh hơn để đón sóng dịch chuyển thương mại và đầu tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phải nhanh hơn để đón sóng dịch chuyển thương mại và đầu tư

Trang Nguyễn

(TBKTSG Online) – Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển hướng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang trong bối cảnh dịch bệnh và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung leo thang từng ngày. Làn sóng dịch chuyển thương mại và đầu tư mới này hứa hẹn sẽ có những tác động tích cực và mạnh mẽ hơn lên nền kinh tế nội địa so với làn sóng trước đây, tuy nhiên Việt Nam cần đi nhanh hơn trong công tác chuẩn bị để thích nghi với hoàn cảnh mới này.

Lập lại trật tự chuỗi cung ứng

Theo kết quả đánh giá của Moody’s, một số nền kinh tế châu Á, không bao gồm Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, khi xu hướng này được đẩy nhanh hơn sau Covid-19 do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. Đa dạng hóa sẽ có ý nghĩa tích cực đối với các nền kinh tế và các nhà sản xuất khi đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ nhiều hơn đi kèm đầu tư nước ngoài tăng sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và lao động nội địa.

Phải nhanh hơn để đón sóng dịch chuyển thương mại và đầu tư
EVFTA sẽ cho phép các công ty trong nước tiếp cận khối kinh tế EU và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu. Ảnh minh họa: TTXVN.

Các thị trường có môi trường hoạt động tương đối lành mạnh, năng lực sản xuất mạnh mẽ, xuất khẩu tương đồng với Trung Quốc, lượng lao động dồi dào và ít rủi ro địa chính trị hơn sẽ được hưởng lợi sớm nhất và nhiều nhất từ đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia được cho là bốn thị trường sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển hướng thương mại và đầu tư từ Trung Quốc.

Trong một báo cáo phân tích trước đó, Moody’s đã tính toán lợi ích tiềm năng đối với các nền kinh tế tại châu Á bằng cách giả định sự sụt giảm hoàn toàn trong xuất khẩu sản xuất của Trung Quốc sang Mỹ và sự phân bổ lại chuỗi cung ứng tại khu vực châu Á. Tác động tích cực đối với các quốc gia tại đây khá đáng kể.

Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng đã tính toán tác động tiêu cực tiềm ẩn từ mối liên kết của các nền kinh tế trong khu vực với chuỗi cung ứng Trung Quốc-Mỹ. Về mặt cân bằng, những tác động tiêu cực nhỏ hơn những tác động tích cực được ước tính, cho thấy một số lợi nhuận ròng từ việc chuyển hướng thương mại trong trung hạn. Tuy nhiên, những mặt tích cực này sẽ cần thời gian để hiện thực hóa, bởi vì chuỗi sản xuất cần thời gian để định hình lại.

Với riêng Việt Nam, theo Moody’s đánh giá, hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1-8 vừa qua sẽ cho phép các công ty trong nước tiếp cận khối kinh tế EU và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu để hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ của Việt Nam.

Phân tích sâu hơn vào tình hình dịch chuyển, Moody’s đánh giá sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đã bắt đầu từ vài năm trước, một phần phản ánh chi phí lao động ở Trung Quốc đang tăng. Sự dịch chuyển sau đó tăng mạnh hơn do căng thẳng thương mại giữa nước này với Mỹ.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm từ quí 3-2018 trong khi tốc độ tăng trưởng từ châu Á (không bao gồm Trung Quốc) vẫn tương đối ổn định, cho thấy sự chuyển hướng thương mại khỏi Trung Quốc. Trong đó, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan và Mexico nổi lên với lượng đơn hàng của Mỹ, thay thế cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Đối với Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ tăng 2,5 điểm phần trăm trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3,4 điểm phần trăm.

Trong các tình huống mà an ninh nguồn cung phải cân nhắc về vấn đề địa chính trị lên trên vấn đề về chi phí, nhiều công ty có thể cân nhắc chuyển địa điểm sản xuất sang các quốc gia có địa chính trị và địa lý gần gũi hơn với người dùng cuối.

Ngoài ra, họ cũng có thể tìm cách đưa sản xuất về nước bản địa của những công ty này. Những thay đổi này rất có thể sẽ xảy ra trong các ngành chiến lược như sản xuất chip nhớ, thuốc hay mô-đun nguồn, vốn được chính phủ định hướng và trợ cấp tài chính.

Tuy nhiên, chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, vốn bắt đầu từ trước dịch bệnh, cũng có những giới hạn nhất định, khó có thể thực hiện ngay trong thời gian ngắn.

Thứ nhất, các công ty sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí để di dời năng lực sản xuất đã được thiết lập ở Trung Quốc hơn 20 năm qua, tới các các nền kinh tế mới nổi khác. Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và quy mô nguồn vốn như đã được thiết lập tại Trung Quốc sẽ khó nhân rộng ra các nước khác.

Thứ hai, thị trường nội địa của Trung Quốc, vốn đã là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, vẫn đang tiếp tục phát triển. Các công ty đã thiết lập năng lực sản xuất ở Trung Quốc để phục vụ thị trường nội địa sẽ ít có khả năng tìm cách di dời chuỗi cung ứng nhất.

Sóng sau xô sóng trước

Một làn sóng FDI mới như vậy sẽ thay thế làn sóng cũ chảy vào Việt Nam. Số lượng và chất lượng của làn sóng FDI mới này phần lớn phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách vì có ít quốc gia nào trên thế giới về bản chất lại hấp dẫn các nhà sản xuất đa quốc gia như Việt Nam, theo nhận định của VinaCapital.

Làn sóng FDI tiếp theo này sẽ có tác động lớn hơn đến nền kinh tế Việt Nam so với các dòng vốn trước đó vì các công ty đa quốc gia hiện có động lực để giúp các doanh nghiệp nội địa “nâng cao chuỗi giá trị”, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam có khả năng hỗ trợ các công ty FDI này.

Làn sóng đầu vào Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi trình độ lao động cao và mức lương thấp, cũng như vị trí địa lý gần gũi với các chuỗi cung ứng của ngành may mặc, nội thất, điện tử và các ngành công nghiệp khác ở châu Á. Làn sóng FDI tiếp theo sẽ được thúc đẩy bởi các công ty dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Theo VinaCapital, FDI đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động có kỹ năng thấp của Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu non trẻ. Các nhà máy hiện đang hoạt động tại Việt Nam chủ yếu được thành lập để tận dụng chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện không thể cung cấp hầu hết các nguyên liệu đầu vào có giá trị cao mà các nhà máy FDI yêu cầu để sản xuất sản phẩm của họ.

“Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi đáng kể trong thập kỷ tới vì các công ty nước ngoài có thể sẽ đóng vai trò tích cực hơn nhiều trong việc phát triển năng lực của các doanh nghiệp và nhà quản lý nội địa”, VinaCapital phân tích.

VinaCapital cho rằng cơ sở hạ tầng của Việt Nam là yếu tố đầu tiên cần được nâng cấp đáng kể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thành phẩm, cũng như nhập khẩu đầu vào sản xuất, giữa các trung tâm công nghiệp của đất nước với đường biển và sân bay.

Các cảng biển Cái Mép và Cát Lái, cũng như Sân bay Quốc tế Long Thành bên ngoài TPHCM đều cần được hoàn thiện, cũng như một số cơ sở hạ tầng quan trọng khác như đường vành đai xung quanh TPHCM và Hà Nội, hay hệ thống giao thông công cộng cho người lao động.

“Chúng tôi cho rằng quy hoạch tổng thể nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam nên được thực hiện ở cấp chính quyền trung ương để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và khả năng hậu cần quốc gia, cũng như tận dụng hết thế mạnh của từng tỉnh, như nguồn nhân lực, tài nguyên địa phương”, VinaCapital nhận định.

Ngoài ra, đào tạo nghề của Việt Nam cũng cần được cải thiện đáng kể, để đảm bảo lực lượng lao động có thể thực hiện các công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng cao hơn theo yêu cầu của các công ty đa quốc gia.

Đầu tư vào nghiên cứu phát triển và nâng cấp các trường đại học kỹ thuật trong nước cũng cần được chú trọng, khi đây là một chiến lược phát triển công nghiệp cực kỳ thành công ở Trung Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới