Phải tính toán lại suất đầu tư cao tốc Bắc-Nam sát với thực tế
Lan Nhi
(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội e ngại việc đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ bị đội vốn vì việc tính toán suất đầu tư cho mỗi km, theo Báo cáo tiền khả thi về dự án là quá thấp so với thực tế.
Tại cuộc thảo luận tổ (8-11) về dự án cao tốc Bắc-Nam mà Chính phủ đã trình Quốc hội, đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM), Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM cho rằng, suất đầu tư cho mỗi km đường cao tốc trên tuyến Bắc-Nam thấp hơn so với Bộ Xây dựng tính toán, chỉ vào khoảng 200 tỉ đồng/km cho dự án có 6 làn xe.
![]() |
Một dự án cao tốc đã đi vào khai thác, có thu giá Ảnh:TL |
Trong khi tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long dài 20 km đầu tư với mức 13.000 tỉ đồng, tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây dài trên 50 km có vốn đầu tư hơn 20.600 tỉ đồng. Nếu so sánh với báo cáo tiền khả thi về dự án cao tốc Bắc-Nam thì cách xây dựng giá chưa sát với thực tế. Do đó, ông Quốc đề nghị Bộ GTVT tính toán lại.
Về vấn đề này, tại cuộc thảo luận tổ của đoàn Sóc Trăng, Bộ trường Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói về suất đầu tư không giống nhau giữa các dự án và các dự án thành phần trong cùng một dự án. "Không có suất đầu tư chuẩn cho các dự án cả nước”, ông nói. Do mỗi đoạn tuyến đi qua các vùng khác nhau, xử lý đất yếu khác nhau dù mặt đường ở trên như nhau. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng cũng khác nhau. Đoạn tuyến có cầu thì suất đầu tư lớn hơn đoạn chỉ có đường. Ngoài ra, có địa phương thuận tiện về nguyên vật liệu và địa phương không có. Ông Thể khẳng định sẽ rà soát lại sao cho suất đầu tư tiết kiệm nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị Quốc hội ủng hộ lộ trình thu phí theo đề xuất của Chính phủ trong tờ trình, với mức thu tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km, sau đó theo lộ trình cứ 2 – 3 năm tăng 200-300 đồng/km. Mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km.
Ông nói rằng hiện tại có thể tính mức thu này cao nhưng thời gian dự án dài khoảng 24 năm. Nếu quy mô nền kinh tế lớn hơn thì mức thu như thế là phù hợp.
Bộ GTVT muốn có một lộ trình thu giá rõ ràng ngay từ đầu thì mới thu hút được nhà đầu tư. Nếu không việc huy động vốn sẽ rất khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng chiều dài tuyến cao tốc Bắc – Nam khoảng hơn 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành được và đầu tư theo ba giai đoạn. Quy mô 4-6 làn xe. Khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế – chính trị lớn thì 8 làn xe. Tốc độ từ 80-120km/h.
Giai đoạn 1 (2017-2020) dự kiến đầu tư khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh, thành. Trong giai đoạn này, ngành giao thông sẽ đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Dầu Giây (Đồng Nai) – Nha Trang (Khánh Hòa) và cầu Mỹ Thuận 2.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 gần 128.716 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng.
Trong số 11 dự án thành phần thì có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BO, gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) – Dầu Giây (Đồng Nai). Đầu tư theo hình thức đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm đoạn Cao Bồ (Nam Định) – Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế), Cầu Mỹ Thuận 2.
Đối với các đoạn đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sánh Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.