Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Phải viết tên thuốc theo tên chung quốc tế khi kê toa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phải viết tên thuốc theo tên chung quốc tế khi kê toa?

Đá Bàn

Phải viết tên thuốc theo tên chung quốc tế khi kê toa?
Nhiều đơn thuốc chỉ ghi tên biệt dược rất khó đọc với người bình thường. Ảnh: VietnamNet

(TBKTSG Online) – Kể từ 1-5-2016, khi kê toa (đơn thuốc) cho bệnh nhân ngoại trú, bác sĩ phải “viết tên thuốc theo tên chung quốc tế”, chứ không chỉ viết tên thương mại của thuốc như hiện nay, theo quy định mới của Bộ Y tế.

Thông tư 01 (2016) quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế vừa ban hành yêu cầu khi kê đơn thuốc phải “viết tên thuốc theo tên chung quốc tế, trừ trường hợp thuốc có nhiều hoạt chất. Trường hợp ghi thêm tên thuốc theo tên thương mại phải ghi tên thương mại trong ngoặc đơn sau tên chung quốc tế."

Ví dụ, đối với thuốc Paracetamol, viết tên thuốc theo tên chung quốc tế: Paracetamol 500mg. Trường hợp ghi tên thuốc theo tên thương mại thì phải thêm tên quốc tế trước, chẳng hạn Paracetamol 500mg (Hapacol hoặc Biragan hoặc Efferalgan hoặc Panadol,…), theo Điều 6.4 của thông tư.

Tuy nhiên, quy định này vừa ban hành đã bị giới bác sĩ phản ứng, không đồng tình. “Quy định kiểu này là của dân văn phòng [người ra quy định – NV], không có trải nghiệm thực tế”, một bác sĩ bình luận.

Trao đổi với TBKTSG Online, vị bác sĩ này phân tích: “Cùng một hoạt chất, cùng hàm lượng nhưng thuốc dùng cho trẻ em có mùi thơm, cho người già dạng chất lỏng, cho trẻ sơ sinh dạng tọa dược, cho người cấp cứu dạng tiêm truyền… thì việc kê đơn bằng hoạt chất và hàm lượng liệu có hợp lý?”

Hơn nữa, “Khi kê đơn chỉ có hoạt chất thì người bán thuốc sẽ tùy ý chọn thuốc theo ý họ mà không đúng ý đồ của bác sĩ. Ví dụ: đối với trẻ em họ sẽ bán thuốc thường, có vị đắng, và trẻ em không uống, vậy có được không? Liệu là nhà bán thuốc có tư lợi, móc ngoặc với các công ty dược khi chọn thuốc không?” vị bác sĩ đặt vấn đề.

Một bác sĩ khác nói: "Bác sĩ là người kê toa và chịu trách nhiệm điều trị trực tiếp trên bệnh nhân của mình nên họ phải là người chọn sản phẩm tốt nhất và đem lại hiệu quả cao nhất chứ không thể để bệnh nhân đem toa thuốc ra ngoài mua với nhiều may rủi như vậy được!" Theo bác sĩ này, tuy cùng một hoạt chất nhưng không phải các thuốc có tác dụng như nhau.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, nếu ra quy định này (buộc bác sĩ phải ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế) là nhằm mục đích hạn chế hiện tượng bác sĩ kê toa ăn “huê hồng” từ các công ty dược thì hiện tượng “huê hồng” đó cũng sẽ không mất đi nhờ thông tư mới mà chỉ chuyển sang cho khoa dược và nhà thuốc – vì họ sẽ quyết định bán và phát thuốc gì! Xem ra, quy định mới tưởng là lợi cho bệnh nhân, được mua thuốc giá rẻ, hoá ra hại họ – vì khi bác sĩ kê toa, phần lớn là theo độ nặng nhẹ của bệnh.

Nhưng thực ra, quy định viết tên thuốc theo tên chung quốc tế (tên dược chất)  kèm theo tên biệt dược (tên thương mại) đã từng được Bộ Y tế quy định từ năm 1997 (Thông tư 08). Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế ban hành năm 2008 cũng lặp lại quy định này. Vậy, vì sao các bác sĩ phản ứng khi Bộ Y tế ban hành thông tư quy định lại một điều không mới?

TS. Kiều Khắc Đôn trong một bài viết của mình trên trang ykhoa.net cho rằng mặc dù quy định như thế nhưng trong thực tế, rất ít đơn thuốc tuân thủ việc ghi tên gốc – vì tốn thời gian – mà các thầy thuốc thường "phóng bút" kê một loạt các tên biệt dược khác nhau. Điều này cho thấy, dù Bộ Y tế có quy định nhưng xem ra việc thực hiện quy định này đã không được giám sát tốt.

Mặc dù, theo một cán bộ của Sở Y tế TPHCM, quy định khi kê đơn ghi tên chung quốc tế kèm theo tên biệt dược đặt trong dấu ngoặc hoàn toàn có lý lẽ của nó, bởi vì nó sẽ giúp thầy thuốc tránh nhầm lẫn khi ghi trong đơn hai loại thuốc cùng chứa một loại dược chất có thể dẫn đến hậu quả quá liều cho bệnh nhân.

Dù cho có quy định thế nào thì bệnh nhân chỉ mong có một toa thuốc đạt được các yêu cầu: hiệu quả chữa bệnh cao, an toàn trong dùng thuốc, và tiết kiệm.

Xem thêm:

VN có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới